img

Chiếc ba lô, con dao găm và những câu chuyện khó quên về kỷ vật chiến tranh của thương binh Hà Nội

Tôn Vỹ - Phong Linh

Ra đi tay trắng chỉ mang theo lý tưởng giải phóng đất nước, người cựu binh trở về Hà Nội với ba lô nặng trĩu những kỷ vật chiến tranh. Thời gian có thể khiến chúng sờn rách nhưng những kỷ niệm về tình đồng đội và dấu vết quân thù thì vẫn luôn hiện hữu trong mỗi món đồ.

img

Cựu binh Lê Xuân Tường

Đã 45 năm trôi qua kể từ chiến tranh kết thúc nhưng những ký ức về một thời khói lửa vẫn in hằn trong tâm trí của các cựu binh. Một buổi trưa tháng 6 nắng như đổ lửa, PV tìm đến nhà cựu binh Lê Xuân Tường (SN 1952) trong một con hẻm nhỏ ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) để nghe kể chuyện chiến tranh.

Ông Tường từng phục vụ trong sư đoàn Trung đoàn 101, sư đoàn 325, chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Ngày nhập ngũ ông mới vừa tròn tuổi đôi mươi, sau hơn 3 năm lăn lộn giữa chốn đạn bom, ông Tường trở về với bao câu chuyện đáng kể.

Chuyện về đồng đội, chuyện về chiến trường ông đã kể nhiều, hôm nay ông muốn chia sẻ với chúng tôi những ký ức về những kỷ vật thời chiến.

Vật vô tri hóa “đồng đội” tri kỷ

Ngày trở về, trên vai ông Tường đeo một ba lô nặng trĩu biết bao kỷ vật, hàng chục năm trôi qua cứ mất mát dần cuối cùng chỉ một vài món đồ đựng trong chiếc ba lô sờn rách.

Chiếc ba lô may bằng vải thô màu xanh lá cây, có quai đeo, được trung đoàn Trung đoàn 101 trang bị cho ông vào ngày nhập ngũ năm 1972. Từ đó trở đi, chiếc ba lo đã gắn liền với ông suốt quãng thời gian kháng chiến, cùng ông ra vào biết bao trận mạc. Khói lửa chiến trường khiến dòng tên trên vải dần dần mờ phai, đạn bom của kẻ địch đục bao lỗ trên chiếc ba lô xanh màu lá. Qua bao gian khó ông Tường vẫn cố giữ gìn chiếc ba lô của mình vẹn nguyên, ấy thế mà trận đánh vào tháng 9/1972 đã khiến ông phải rời xa hành trang của mình. Bị thương trong lúc chiến đấu, ông Tường được đưa về hậu phương để điều trị, toàn bộ tư trang cá nhân bao gồm cả ba lô được để lại đơn vị. Thời chiến mọi thứ đều thiếu thốn, tư trang của ông Tường lúc này được chuyển giao cho các chiến sĩ khác.

img

Ba lô thời chiến của ông Tường

Đến đầu năm 1972, khi đã bình phục hoàn toàn, ông Tường từ Bắc trở lại chiến trường Quảng Trị để tiếp tục chiến đấu. Quay về căn cứ cũ, ông Tường nhìn thấy ba lô của mình, bao nhiêu ký ức về tháng ngày chinh chiến nơi bão lửa bỗng ùa về khiến ông bồi hồi.

“Tôi nhìn thấy cái balo của tôi ở góc hầm, Trình đang dùng nó...tôi hy vọng những cuốn sách của tôi nhặt được vẫn còn nhưng chẳng còn gì ngoài cái balo vẫn đề tên tôi trên nắp. Đổi cho Trình cái balo mang từ Bắc vào, tôi lấy lại cái balo cũ, với nó tôi cảm nhận tất cả những gì từ khi nhập ngũ”, ông Tường kể.

Kể từ ấy, chiếc ba lô gắn bó với người thương binh qua biết bao trận chiến rực lửa, ở bên ông lúc vinh quang chiến thắng, cùng ông trở về Hà Nội khi đất nước hòa bình và được gìn giữ cẩn thận trong căn nhà của gia đình ông Tường cho đến tận ngày nay.

Ngoài ba lô, ông Tường còn giữ m ũ tai bèo, hăng gô, dây lưng và quân hiệu đều được trang bị từ ngày nhập ngũ.

Dấu ấn quân thù và kỷ niệm về đồng đội

Bên cạnh những tư trang được cấp lúc nhập ngũ, ông Tường cũng thu nhặt thêm biết bao chiến lợi phẩm khi chinh chiến với quân thù.

Cầm trên tay chiếc bật lửa Zippo, ông Tường kể lại: “Ngày 16/9/1972, khi làm nhiệm vụ thọc sâu vào sào huyệt của địch tại khu vực chợ Sải - Quảng Trị (quê hương đồng chí Lê Duẩn), tiểu đội của tôi đã chiến đấu suốt từ sáng ngày 15/9 đến đêm ngày 16/9. Địch bao vây, tấn công và tiểu đội phải cầm cự trong đó, sau này tôi mới biết trận đó sư đoàn của ông phải đánh để phân tán lực lượng cho anh em trong thành cổ rút ra ngoài. Trong lúc chiến đấu, tôi đã hạ một binh lính Việt Nam cộng hòa. Khi đến tối, tôi rút ra và đi qua xác người lính đó, mở balo và túi áo giáp thì thấy mấy bao thuốc lá và bật lửa”.

Thời chiến điếu thuốc đã hiếm, bật lửa xịn lại càng hiếm hơn. Bao thuốc ông chia cho đồng đội mỗi người một điếu còn chiếc Zippo ông giữ lại cho riêng mình, vừa để sử dụng vừa là kỷ vật một thời đạn bom.

Đa phần những kỷ vật ông Tường còn giữ là tư trang cá nhân, đồ dùng sinh hoạt, chỉ có đúng 1 con dao găm nhỏ là vũ khí thời chiến. Dao găm là vũ khí của đặc công nước, được làm từ kim loại thép, màu trắng, gồm có phần chuôi để cầm tay và có chức năng như chiếc kìm để bấm hoặc cắt, thân (lưỡi) sắc, mũi nhọn dùng để cắt hoặc đục, sống dao được thiết kế theo kiểu răng cưa khiến con dao này có thể trở thành một lưỡi cưa sắc lẻm bất cứ khi nào cần thiết. Bao da dùng để đựng dao màu nâu.

img

Con dao găm ông Tường trao đổi với một đồng nghiệp.

Thực chất con dao này thuộc về một đồng đội của ông Tường, do quá yêu thích loại vũ khí nhỏ gọn nên ông đã tìm mọi cách để có được nó. Cuối cùng, người đồng đội đã chấp nhận đổi con dao lấy thuốc lá và thuốc lào của ông Tường.

Kỷ vật từ thời chiến đến thời bình

Tưởng chừng những ký ức về những kỷ vật thời chiến sẽ kết thúc khi hòa bình, nhưng vẫn có một số món đồ tiếp tục gắn bó với cuộc sống hàng ngày của người lính trong những tháng năm sau đó. Với ông Tường là chiếc chăn bộ độ sờn ố. Ông Tường được cấp chăn trong thời gian điều trị vết thương vào tháng 12/1972.

Sau khi đã hồi phục ông đã xin giữ lại chiếc chăn, mang ra chiến trận rồi mang về quê nhà ở Hà Nội. Khi ông lập gia đình, tuy không sử dụng làm chăn cưới nhưng hai vợ chồng ông vẫn dùng để đắp hàng ngày. Qua thời gian màu vải đã bạc phai, đường chỉ bung đứt, mảnh vá rách rời. Ấy vậy nhưng ông Tường vẫn không nỡ mang cất đi. Rách đến đâu ông cũng nhờ vợ vá lại, bởi chiếc chăn ấy nhắc cho ông một thời khốn khó, thương đau.

img

Ông Tường kể lại chuyện chiến tranh qua những kỷ vật.

Hưởng ứng lời kêu gọi hiến tặng hiện vật cho bảo tàng Hà Nội, Tường ông đã tặng chiếc ba lô và các kỷ vật chiến tranh của mình cho Bảo tàng Hà Nội lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị của hiện vật.

"Thời đi lính, chỉ vì đeo kính mà ông Tưởng bị nghi ngờ là thám báo. Khi bị thương, ông vẫn bị báng AK thúc vào ngực, vào bụng, lột hết các thứ trên người với lý do “lính địch ra trận có thằng đeo kính, nhưng lính mình chưa thấy ai đeo”.

T.V - P.L

img