img

"Chiến binh" giành Huy chương Bạc SEA Games: "Vợ là hậu phương cho thành công của tôi"

Phong Linh

Phía sau ánh hào quang với tấm Huy chương Bạc đầu tiên của Việt Nam ở bộ môn Breaking tại đấu trường Sea Games 30 là mồ hôi, nước mắt và cả những chấn thương mà chàng trai Lê Hữu Phước (tên thường gọi là BBoy Lee) đã phải trải qua.

Những chiến công thầm lặng trên đấu trường quốc tế

Dù đã có 17 năm tập luyện, chinh chiến qua nhiều giải đấu, thế nhưng, chàng dancer Lê Hữu Phước (28 tuổi, hiện sống ở TP.HCM) vẫn miệt mài tập luyện mỗi ngày. “Hiện tại, do dịch bệnh Covid-19, các giải đấu trong nước và thế giới hầu như không được tổ chức. Tôi vẫn tập luyện và tham gia những giải đấu online cũng như tự tạo ra sân chơi cho các bạn yêu thích Breaking cùng trải nghiệm”, Phước chia sẻ.

img

Hữu Phước đại diện Asia đến tham dự BOTY Final tại Pháp.

Đã từng vô địch BOTY Asia 2010 (cuộc thi dành cho bộ môn nghệ thuật Breakdance ở châu Á - PV), đại diện Asia đến tham dự BOTY Final tại Pháp và được đứng top 5 trên thế giới, không những thế Hữu Phước đã vô địch R16 năm 2015 và G-Wave (những giải đấu về bộ môn nghệ thuật Breakdance - PV) đồng thời là đại diện Việt Nam thi đấu tại Hàn. Chưa dừng tại đó, Hữu Phước còn trở thành Á quân Thử thách Cùng bước nhảy mùa 4 năm 2015. Những năm sau đó, anh được mời làm huấn luyện viên, trọng tài và biên đạo cho nhiều giải đấu cấp quốc gia và thế giới. Anh cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam được mời đến Nhật để tham gia trình diễn tại chương trình Dance Dance Asia 2018 và tiếp tục trở thành đại diện của Việt Nam tranh tài Battle Mov tại Pháp trong năm 2018. Năm 2019, chàng dancer trở thành đại diện đầu tiên của Việt Nam ở thể loại Breakdance đã xuất sắc giành được Huy chương Bạc. Dù gặt hái nhiều thành công, Hữu Phước vẫn còn nguyên cảm giác hồi hộp, lo lắng của lần đầu bén duyên với bộ môn này.

img

Lê Hữu Phước - VĐV Việt Nam đầu tiên đoạt Huy chương Bạc SEA Games 30 ở bộ môn Breaking.

“Một lần vô tình xem tivi thấy người nước ngoài làm động tác xoay đầu, trồng chuối. Tôi rất ấn tượng và tìm cách tập theo, khi đó tôi mới 11 tuổi. Thế nhưng, bắt đầu tập luyện lại gặp khó khăn cũng như áp lực từ gia đình. Tôi không tìm được sân tập, phụ huynh thì thấy môn này quá nguy hiểm. Ba mẹ ra sức cấm cản nhưng càng bị cấm tôi càng muốn chứng tỏ với gia đình thấy bộ môn Breakdance này không phải xấu”, chàng dancer chia sẻ.

Không còn cách nào ngoài việc tập luyện hăng say và tạo ra thành công để ba mẹ có cái nhìn khác với niềm đam mê của mình, Phước khổ luyện tập tành không biết mệt mỏi. Đến một ngày, anh cầm số tiền ít ỏi từ việc dạy các em nhỏ trong xóm ở một bãi đất trống gần nhà về đưa cho ba mẹ. “Đây là số tiền con kiếm được từ việc dạy các em nhỏ”, Hữu Phước nhớ lại. Ngày ấy, anh nhận dạy với giá giá 20.000 đồng/tháng. Thế nhưng, từ những đồng tiền mồ hôi, nước mắt đó, ba mẹ anh đã suy nghĩ lại về niềm đam mê của cậu con trai.

Nhớ lại những ngày tháng gian khó, Phước cho hay: “Kỷ niệm khiến tôi nhớ nhất là lần đầu tiên được đặt chân đến Singapore để thi đấu mà trong túi chỉ có vỏn vẹn 100 đô. Tôi phải ăn mì gói suốt ngày thi nhưng may mắn vẫn có thể vô địch BOTY Asia 2010 cùng với nhóm Bigtoe (Hà Nội). Đó là những ngày tháng “nằm gai nếm mật” không bao giờ tôi quên”.

img

Đến nay là năm thứ 17 Hữu Phước theo đuổi bộ môn nghệ thuật Breaking.

Năm 2019, Phước trở thành vận động viên đầu tiên của bộ môn Breaking Boys đạt Huy chương Bạc ở Sea Games 30 tổ chức tại Philippines. Anh chia sẻ: “Khi nhận được lời mời sẽ là đại diện duy nhất được tham gia Sea Games 30 tôi rất bất ngờ và hạnh phúc và xen lẫn cả chút nghi ngờ. Mang danh nghĩa đại diện Việt Nam,ôi đã nỗ lực 100% để tập luyện với hy vọng có thành tích cao để mọi người có thể chú ý đến Breaking và công nhận Breaking hơn. Bởi, khi Breaking đã trở thành một bộ môn chính thống trong Sea Games cộng với sự nỗ lực hết mình, có kết quả tốt thì Breaking sẽ được nhiều người biết tới, được công nhận cũng như sẽ phát triển hơn trong nước. Và tôi đã làm được điều đó”.

Với tinh thần, luôn cố gắng suy nghĩ tích cực, Hữu Phước không cho bản thân bỏ cuộc dù có khó khăn thế nào. Bởi vì, nếu đã theo đuổi thì phải theo đuổi đến cùng.

img

Phía sau một người đàn ông

Đã có không ít lần Phước bị chấn thương, thế nhưng, có một người phụ nữ luôn đứng sau hỗ trợ, trở thành “liều thuốc” giảm đi nỗi đau đớn sau mỗi giải đấu gặp chấn thương. Đó chính là Huyền Trang - người vợ đã đi bên cạnh Phước 15 năm qua. “Năm 2010, lần đầu tiên tôi xa nhà chuyển ra Hà Nội sinh sống để tìm kiếm những cơ hội ra nước ngoài thi đấu. May mắn bạn gái tôi (hiện là vợ - PV) rất ủng hộ và cùng tôi ra Hà Nội để chăm sóc. Vợ tôi chính là nguồn động lực để tôi cố gắng. Bởi sau những chấn thương, người đau lòng nhiều nhất chính là cô ấy. Cô ấy chưa bao giờ ép tôi phải chiến thắng hay mang giải thưởng về. Điều mà cô ấy mong muốn là chỉ cần thấy tôi nhảy thật vui, thoả mãn với đam mê và chiến thắng bản thân mình. Để tôi có thể duy trì ước mơ thi đấu và sống với đam mê, cô ấy trở thành hậu phương vững chắc cho tôi”, Phước tâm sự.

img

Hữu Phước bên cậu con trai.

Với những cố gắng vươn lên, Hữu Phước đã gặt hái cho mình những thành công đồng thời xây dựng được tổ ấm hạnh phúc cùng người vợ tảo tần và hai con nhỏ. Nhắc đến gia đình, Hữu Phước nở nụ cười hạnh phúc: “Phước An, My An nhà tôi rất thích nhảy. Phước An khá năng động nên học rất nhanh. My An tuy là con gái nhưng vẫn luôn muốn xoay đầu như ba. Tôi rất tự hào khi hai bé cũng yêu thích breaking. Hiện tại, tôi vẫn để các con tự do vui chơi chứ không ép buộc học theo khuôn khổ. Khi các con lớn hẳn, nếu các con vẫn chọn breaking thì tôi sẽ là người thầy của các con”.

Breaking là 1 trong 4 yếu tố tạo nên văn hoá Hiphop gồm có DJ (người chọn và chơi nhạc), MC/Rap (người hát rap), Graffiti (nghệ thuật vẽ trên tường) và Bboy (Breaking dance - đây là lĩnh vực Hữu Phước theo đuổi). Để người bình thường có thể nhận biết được Breaking thì sẽ thông qua những kĩ thuật như cắt kéo, xoay đầu, đá ngựa, ...

P.L

img