Chiến lược để thắng Thái Lan hôm nay và mãi mãi

Chỉ trong chưa đầy 1 tuần lễ, cả ĐT U23 và U19 Việt Nam đều hạ gục ĐT Thái Lan. Một niềm đau khôn tả của người Thái ngược dòng với nỗi vui sướng tột cùng của người hâm mộ Việt.

img
img

Cũng chẳng mấy khi có dịp, người ta tha hồ tung hô, nào thì Việt Nam là “vua của bóng đá Đông Nam Á”, nào là “Việt Nam bất khả chiến bại”. Rồi thì họ cười cợt bóng đá Thái, cho rằng “Thái Lan xưa rồi” và bóng đá Thái Lan phải “xách dép” cho bóng đá Việt Nam.

Được thể, những fan hâm mộ “thức thời” chế giễu câu nói năm xưa của Kiatisak: “Bóng đá Việt Nam 10 năm nữa mới theo kịp Thái Lan”.

Kiatisak nói gì sai sao?

Chẳng sai tí nào vì xin thưa với các cổ động viên đang ảo tưởng về bong bóng hào quang, cái mà Kiatisak nói là “nền bóng đá” nói chung chứ không ám chỉ cụ thể cấp độ nào.

Nói cho sòng phẳng, cái mà chúng ta đang tự hào là lứa cầu thủ này, đặc biệt là ĐT U23, dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo đã đưa Việt Nam vào top 100 trên bảng xếp hạng FIFA nhưng, nền bóng đá nước nhà thì sao?

Sự thật mất lòng nhưng nếu không dám nhìn vào sự thật thì một khi thứ hào quang ảo ảnh ấy vỡ tung ra, người hâm mộ có dám khẳng định, họ sẽ không một lần nữa quay lưng với nền bóng đá nước nhà như họ đã từng?

Bóng đá Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào, muốn đi xa, tận cùng là World Cup đi, thì phải làm cho bộ mặt giải đấu trong nước cho sáng sủa. Các cầu thủ trẻ rèn luyện từ đó, trưởng thành từ đó rồi mới có cơ may được lên ĐTQG. Thử ngoái lại nhìn V-League đi, nom thật èo uột!

Đã có cổ động viên nào thay vì chê bai Thái Lan mà dành ra dăm ba phút search Google xem Thai League ra làm sao chưa? Đặt lên bàn cân với V-League, Kiatisak chẳng không nhịn được mà cười vào mặt những người hâm mộ Việt Nam đang hả hê chê bai người Thái.

Vì sao Đặng Văn Lâm đá chán chê ở CLB Hải Phòng mà khi sang Thai League cũng phải tấm tắc khen? Xin thưa là vì những lý do sau:

Thứ nhất, các CLB thuộc Thai League học cách xây dựng hệ thống quản lý và quảng bá hình ảnh của toàn những CLB sừng sỏ thế giới như Manchester United, Chelsea, Arsenal. Chính nhờ việc sử dụng “format” giải Ngoại hạng Anh nên giải đấu Thai League thu hút được rất nhiều khán giả cũng như các nhà tài trợ. Có tiền tài trợ rồi các CLB lại đầu tư về nhân sự, chuyên môn. Đó là chưa kể CLB nào dự Thai League 1 cũng được hỗ trợ 785.000 USD (18 tỷ đồng).

Nhằm hút “chất xám” về nước, ở Thai League còn có quy định, cứ sau năm vòng đấu một, đội có cầu thủ Thái Lan ghi nhiều bàn nhất và đạt từ 8 bàn trở lên sẽ được trao thưởng 15.000 USD. Trước kia có khá nhiều cầu thủ Thái Lan sang V-League thi đấu nhưng từ khi có chính sách này, số lượng đó giảm hẳn.

Mở tivi ra xem mỗi mùa giải V-League hẳn nhiều người phải xót xa vì những chấm nhỏ trên khán đài quá ư thưa thớt. Khi cổ động viên, khán giả không đến sân, các CLB có thể kiếm tiền bằng việc bán vé, bán quần áo, đồ lưu niệm như bên Thai League?

Tiếp theo là khoản bản quyền phát sóng-cái được lớn nhất của Thai League ở tính chuyên nghiệp.

Trong khi ở Thai League, bản quyền phát sóng độc quyền cho giải đấu được ký mới nhất có thời hạn đến năm 2020 trị giá 126 triệu USD (tức gần 3 nghìn tỷ đồng), thì ở V-League, con số đó chỉ là... 1 tỷ đồng.

“Thua thầy một vạn không bằng kém bạn một li”, “anh em hàng xóm” đã tư duy đến thế rồi mà ta vẫn cứ nhất quyết bán bản quyền phát sóng chỉ bằng mấy mẩu quảng cáo với giá rẻ bèo để giải quyết khâu “quan hệ” thì không hiểu là các nhà hoạch định định đưa V-League đến đâu trên bản đồ bóng đá châu Á?

Vấn đề thứ 3, có lẽ cũng là vấn đề lớn nhất và ai cũng nhìn thấy được, đó là chất lượng sân cỏ. Tại Thai League, mặt cỏ sân bóng đẹp chẳng khác gì các sân bóng của Ngoại hạng Anh. Sân vận động đẹp long lanh, có cả camera trên khán đài, thậm chí còn dùng cả công nghệ VAR nên đáp ứng được những tiêu chuẩn vô cùng khắt khe của FIFA, AFC và đủ điều kiện tổ chức các trận đấu giao hữu quốc tế.

Chính những tuyển thủ ĐT U23 Việt Nam cũng từng thừa nhận mặt sân tốt đã giúp lối chơi thiên về kỹ thuật của U23 Việt Nam thăng hoa hơn, qua đó giúp các học trò của HLV Park Hang-seo thắng đậm đến 4-0 trước đối thủ Myanmar trong trận ra quân ở giải giao hữu trên đất Thái.

Giờ thì hãy ngoái sang sân... đất nhà mình.

Gọi là sân đất vì nhìn qua chẳng ai dám khẳng định đây là sân bóng. Sân bóng hiểu nôm na là sân để đá bóng, cơ mà sân bóng nhà ta cứ như sân ruộng, các cầu thủ đá xong toàn thân trầy trụa bùn đất như đi cày, đúng kiểu “khi đi trai tráng, khi về bủng beo”.

Cơ mà vẫn may, VPF cũng lo lắm. Lãnh đạo đơn vị tiết lộ mong muốn lớn nhất ở mùa bóng mới, là việc các CLB dồn tiền để đầu tư thật tốt cho mặt sân cỏ của mình. Bởi, “đây cũng chính là bộ mặt của giải đấu số một Việt Nam”!

Giải đấu số 1 đã diễn ra cả 36 mùa giải mà giờ VPF mới suy nghĩ về việc “lau mặt” cho nó liệu có quá muộn?!

Cay đắng thay, như HLV Miura từng nhận xét: “Lionel Messi có đến Việt Nam thì cũng chẳng thể chơi hay với mặt sân của V.League”.

Hòa trong niềm vui chung khi U23 Việt Nam vào vòng chung kết U23 châu Á và U19 Việt Nam lên ngôi vô địch, nhưng ở khía cạnh tổ chức chuyên nghiệp, rõ là chúng ta vẫn còn kém xa Thái Lan về mọi mặt. Ngày nào V-League còn là sân đất, doanh nghiệp không mặn mà đầu tư thì bộ mặt của bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể tươi sáng.

Mới thắng Thái Lan có 2 trận thôi, đừng vội mừng!

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img