Điều đầu tiên, phải khẳng định, chùa Ba Vàng có ngày hôm nay, phải kể đến công lao của sư trụ trì - Đại đức Thích Trúc Thái Minh.
Từ một ngôi chùa nhỏ khiêm nhường chỉ rộng vài trăm mét vuông, tọa lạc trên lưng chừng ngọn núi Thành Đẳng, TP Uông Bí. sau gần 10 năm kể từ khi Đại đức Thích Trúc Thái Minh về đây tu tập, chùa Ba Vàng nhanh chóng trở thành một trong những ngôi chùa rộng lớn, đồ sộ và có cách vận hành chuyên nghiệp bậc nhất Việt Nam hiện nay.
Trong marketing hiện đại, có một thuật ngữ gọi là chiến lược 7P - bao gồm: Produce (Sản phẩm), Price (Giá), Place (Kênh phân phối), Promotion (Quảng bá), People (Nhân lực), Process (Quy trình) và Physical evidence (Cơ sở hạ tầng).
Và dựa vào những kiến thức tích luỹ được sau khi bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ về marketing tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân - cũng là xuất phát điểm của sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh trước khi tu tập - tôi bàng hoàng nhận ra, các hoạt động diễn ra tại chùa Ba Vàng chính là một "case" marketing tiêu biểu để đưa vào trường đại học cho các sinh viên học tập.
Đầu tiên, về sản phẩm. Trong cuộc sống, liệu có ai không sợ hãi, nào là sợ rắn rết, sợ mặt mụn, sợ bệnh tật, sợ nghèo hèn,... Đó là những thứ nhìn thấy được, cầm nắm được và kiểm soát được, hay nói cách khác là bản thân họ có thể cố gắng để áp chế nỗi sợ. Vậy nhưng, nếu nỗi sợ của con người bỗng biến thành thù oán "kiếp trước", từ "luân hồi", từ các thế lực vô hình như "ma quỷ", thì phải làm cách nào?
Nhiều người đến chùa, một lần nghe lời những người tự xưng là Phật tử truyền tai nhau về vong oán còn chưa tin, nhưng nếu nghe đến 100 lần, rồi nghe bà Phạm Thị Yến ngồi trên bục giảng pháp, phán những câu đầy ma mị về 96 kiếp trước hay 42 kiếp trước làm điều ác, liệu có ai dám không tin?
Như chính thầy Thái Minh từng dành gần 1 giờ đồng hồ trong buổi giảng pháp tối 21/3 để chứng minh: Thế giới tâm linh có thật (vì không có ai dám thề độc không có thế giới tâm linh), do đó vong linh có thật, và oan gia trái chủ là có thật. Đó là hoàn thành bước "kích cầu sản phẩm".
Có cầu ắt có cung, cần tìm đâu xa, ngay tại khuôn viên chùa cung cấp "dịch vụ" cúng oan gia trái chủ - không nơi nào có, độc quyền và “hiệu quả” nhất trên toàn quốc!
Thứ hai, về giá cả. Người kinh doanh có một nguyên tắc: "Trên đời không có gì là miễn phí". Chùa Ba Vàng vốn được khách thập phương ưa thích nhờ hàng loạt dịch vụ miễn phí mà hiếm có ngôi chùa nào tại Việt Nam có được, từ gửi xe, nước uống, vệ sinh đến cơm chay cho phật tử. Khuôn viên chùa không hề có những dịch vụ mang tính kinh doanh xô bồ, chặt chém như các nơi khác, nhưng có một điểm chung, đó là hòm công đức.
Riêng dịch vụ cúng oan gia trái chủ, sư Thái Minh tuyên bố "chùa không hề biết người đến cúng là ai, không đòi tiền ai", vong đòi bao nhiêu và cúng dường bao nhiêu là việc của vong.
Mà đến chùa, ai dám cò kè ngã giá với Phật, với vong, kể cả giá là tiền triệu, chục triệu hay tiền tỷ đi chăng nữa. Chiến lược giá cả tại chùa Ba Vàng được thực hiện 3 KHÔNG triệt để: KHÔNG yết giá, KHÔNG mặc cả, KHÔNG sổ sách.
Thứ ba, về kênh phân phối. Việt Nam có gần 15.000 ngôi chùa, nhưng việc cúng oan gia trái chủ, vong ra giá chắc nịch đến tận số lẻ "Bảy triệu tám trăm nghìn, chuyển khoản toàn bộ hoặc trả góp, nếu không thì làm công quả ba mươi sáu ngày" thì chỉ có chùa Ba Vàng mới có. Cuộc ngã giá chỉ có trong căn phòng bí mật, không mở thêm chi nhánh. Càng nhiều người chờ đợi, vượt hàng nghìn cây số, xếp hàng xin được thỉnh vong thì chứng tỏ dịch vụ càng hiệu quả.
Thứ tư, về quảng bá. Phải dùng từ chuyên nghiệp để nói về chiến lược này của chùa Ba Vàng. 3 website của chùa, thầy trụ trì và phật tử Phạm Thị Yến, hàng trăm bài đăng thường xuyên, chuyên mục Cúng oan gia trái chủ riêng biệt, đăng tải công khai số tài khoản để trả tiền cúng vong, không quên kèm theo bài khấn đã chuyển khoản.
Mới đây nhất, 3 website đã bị sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chấm dứt hoạt động vì chưa có giấy phép, nhưng không sao, chùa vẫn còn kênh truyền thông lượng tương tác "khủng" bao gồm: Facebook Thầy Thích Trúc Thái Minh có hơn 500.000 follower và Fanpage Chùa Ba Vàng với hơn 150.000 follower - con số mà nhiều "ông trùm truyền thông" phải thèm thuồng. Kể từ khi vụ việc cúng oan gia trái chủ tại chùa bị báo chí phản ánh, cả hai tài khoản FB trên cùng kênh YouTube trên vẫn liên tục cập nhật ảnh, clip với chất lượng full HD, biên tập, dựng phim, bối cảnh, lồng nhạc thu hút người xem hơn cả MV triệu view của các ca sĩ thời nay.
Khi gặp sự cố truyền thông, cách xử lý của chùa Ba Vàng và thầy trụ trì cũng là một điều đáng học hỏi. Bài báo được đăng tải buổi sáng ngày 21/3, ngay tối hôm đó, thầy Thái Minh đã có buổi giảng pháp kéo dài 2 giờ 30 phút để trấn an phật tử. Trong đó, thầy khẳng định: "Mọi việc đều chưa thể khẳng định, hiện tại cơ quan chức năng vẫn đang điều tra, chưa đưa ra quyết định". Từ đó cho đến nay là hơn 1 tuần, sư Thái Minh chưa từng trả lời báo chí thêm một lần nào khác.
Thứ năm, về nhân sự. "Làm công quả" là một mỹ từ được nhà chùa, các phật tử dùng để nói về việc phục vụ không công tại chùa. Tự nguyện được coi là đức tính quan trọng nhất khi đến chùa, tự nguyện cúng dường, tự nguyện làm việc, tự nguyện tu tập và tự nguyện trả tiền cúng oan gia trái chủ. Ở đây, không ai ép buộc ai làm điều gì cả, chỉ truyền miệng về việc được hưởng phúc báo, nếu không thì "vong oán", "nghiệp quật"...
Thứ sáu, quy trình. Như đã nói ở trên, chuyên nghiệp và bài bản, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng cách thức hiện đại (tài khoản ngân hàng, trả góp cho vong...) là những điều cần phải được học hỏi ở mọi dự án khởi nghiệp trong bối cảnh nền cách mạng 4.0. Từ việc gọi vốn (tự nguyện cúng dường), đến việc tăng thu giảm chi (dịch vụ miễn phí nhưng vẫn để hòm công đức, sử dụng nhân công thời vụ nhiệt tình tâm huyết, không lương thưởng, không bảo hiểm), hay quy trình thỉnh vong giữ kín trong vòng bí mật,... đều được thực hiện từ năm này qua năm khác...
Cuối cùng, là cơ sở hạ tầng. Chùa Ba Vàng vốn là một phế tích, sau nhiều lần trùng tu, đến tháng 1/2011, nhờ "Đại đức Thích Trúc Thái Minh được chính quyền và nhân dân địa phương tha thiết thỉnh cầu về làm trụ trì" mới khởi công xây dựng nhiều hạng mục. Đến tháng 3/2014, chùa khánh thành và bỗng nổi tiếng nhờ kỷ lục "Ngôi chùa trên núi có Chính Điện lớn nhất Đông Dương". Bên cạnh đó là hàng loạt công trình mới được xây dựng, sạch sẽ, hoành tráng, uy nghi, thu hút hàng triệu du khách đến hành hương.
Tạm gác lại những quy định về Phật giáo, về tín ngưỡng, về những lùm xùm trên báo chí gần đây, coi việc điều hành chùa Ba Vàng như một dự án khởi nghiệp, thì thầy trụ trì Thích Trúc Thái Minh ắt hẳn phải là một trong những tấm gương đáng học hỏi nhất về start-up, từ gọi vốn thành công đến việc sinh lời vốn đầu tư.