"Chiến tranh Lạnh mới" sắp đến gần: Vì sao Trung Quốc không cần phải sợ Mỹ?

Mạnh Kiên

Giới chuyên gia tin rằng Trung Quốc không có lý do phải sợ những áp lực từ phía Mỹ. Áp lực tăng cường sẽ từ từ giảm xuống sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngã ngũ.

Đằng sau cuộc chiến chống Trung Quốc

Căng thẳng Mỹ-Trung không có dấu hiệu giảm nhiệt. Một lần nữa Washington gây chiến với “con rồng châu Á” bằng cách dọa cấm ứng dụng TikTok nổi tiếng với cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia.

Lệnh cấm mới nhất xuất hiện sau một loạt các biện pháp chống Trung Quốc trong thời gian qua, bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao và đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston.

Tờ The Economist lưu ý rằng, mặc dù Trung Quốc và Mỹ "sẽ không cầm vũ khí", nhưng những xích mích và hiểu lầm đang tích tụ, đe dọa sẽ mang đến cái kết bất lợi cho cả hai bên, đặc biệt vào lúc cuộc bầu cử Mỹ đang gần kề.

Trên thực tế, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã gây áp lực lên Bắc Kinh ngay từ những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ. Tuy nhiên, trước đây, các xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc chủ yếu xoay quanh vấn đề thâm hụt thương mại, thao túng tiền tệ và những tranh cãi trong lĩnh vực an toàn viễn thông.

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, quan hệ Mỹ-Trung mới rơi xuống điểm thấp mới. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang kêu gọi siết chặt các biện pháp gây áp lực với quốc gia châu Á.

Nhiều người tự hỏi có phải do dịch bệnh - mà Nhà Trắng đổ lỗi cho Bắc Kinh - đã trở thành bước ngoặt trong quan hệ Trung-Mỹ hay vì lý do khác? Các nhà quan sát cho rằng, vấn đề chỉ là do cuộc bầu cử tháng 11.

"Chắc chắn có những vấn đề lớn như cáo buộc thao túng tiền tệ, tranh cãi thương mại vv..., nhưng lý do thực sự là vì năm nay diễn ra bầu cử. Chống lại một kẻ thù từ bên ngoài có vẻ như là một lý do chính trị tốt", Philip Giraldi, cựu chuyên gia chống khủng bố và tình báo quân sự của CIA, nói với Sputnik. "Đây cũng là những gì xảy ra với Nga vào năm 2016. Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ của ông Trump đều đang làm điều tương tự là gây khó khăn với Trung Quốc".

Tiến sĩ Paul Craig Roberts, nhà kinh tế người Mỹ và là cựu trợ lý Bộ trưởng Tài chính về chính sách kinh tế dưới thời Tổng thống Ronald Reagan cho biết, nỗ lực nhằm hạ thấp Trung Quốc là một phần trong chiến lược của Tổng thống Trump nhằm đối phó với áp lực gia tăng từ phe đối lập.

" Tổng thống Trump đã bị nhóm tinh hoa gạo cội của nền chính trị cản trở các vấn đề mà ông hướng tới trong suốt nhiệm kỳ của mình", Tiến sĩ Roberts giải thích. "Trump đã cố gắng tạo ra sự liên quan giữa tình trạng thất nghiệp với Trung Quốc và đang gây ra xung đột với quốc gia này như một bằng chứng cho thấy ông đang cố gắng làm gì đó để mang việc làm về cho nước Mỹ. Dịch bệnh, 5G, bất cứ điều gì có thể quy cho Trung Quốc đều hữu ích để ông Trump có thể trình bày về cái gọi là chiến đấu cho nước Mỹ ".

Khẩu chiến khó biến thành lửa đạn

Cả hai nhà quan sát đều tin rằng động thái gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh sẽ không gây ra những viễn cảnh tiêu cực. Đồng thời, cả hai đều không mong đợi một cuộc đối đầu trực tiếp giữa các cường quốc.

Tuy nhiên, cựu chuyên gia CIA hình dung rằng Mỹ "chắc chắn sẽ thúc đẩy Trung Quốc hạn chế các yêu sách ngang ngược ở Biển Đông".

"Nếu nói đến một cuộc chiến thương mại, Mỹ sẽ thua vì Trung Quốc sản xuất nhiều mặt hàng tiêu dùng hiện đang được bán ở Mỹ, những thứ không còn được sản xuất tại đây", chuyên gia Philip Giraldi thừa nhận. "Khi các kệ trong các cửa hàng Mỹ trở nên trống rỗng, công chúng sẽ yêu cầu Chính phủ phải có phương pháp giải quyết, điều đó có nghĩa là mọi thứ sẽ quay trở lại quan hệ bình thường".

"Trung Quốc không có gì phải sợ trước những hành động từ Washington", Tiến sĩ Roberts đồng tình. "Rất nhiều ngành công nghiệp Mỹ được đặt tại Trung Quốc. Nếu Trung Quốc quốc hữu hóa, Phố Wall sẽ sụp đổ".

Đồng minh không muốn sát cánh cùng Mỹ

Đối với "mặt trận thống nhất" chống lại Bắc Kinh được kêu gọi gần đây, nhiều đồng minh của Mỹ đang phớt lờ các yêu cầu ngăn chặn các công ty và đầu tư của Trung Quốc, cựu chuyên gia CIA chỉ ra.

"Vấn đề là Trung Quốc đang tiếp quản các ngành công nghiệp quan trọng như viễn thông đã từng bị chi phối bởi các công ty Mỹ và châu Âu", Giraldi giải thích. "Tổng thống Trump muốn đảo ngược điều đó nhưng Trung Quốc đang là người khổng lồ về công nghệ và tiếp thị".

Gần đây, Chính phủ Anh đã chịu khuất phục trước sức ép từ chính quyền Mỹ và ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ di động loại bỏ thiết bị của Huawei vào năm 2027 với chi phí dự kiến là 2 tỷ bảng Anh.

Tuy nhiên, khi nói đến EU, có một trường hợp của Đức đang gây cản trở. Nếu Berlin ngăn cản công ty viễn thông Trung Quốc thì các quốc gia châu Âu khác cũng sẽ đi theo. Nhưng cho đến nay, chính phủ Đức đã dừng lệnh cấm đối với Huawei đối với công nghệ 5G sắp tới.

Về phần mình, Tiến sĩ Roberts cho rằng Trung Quốc không nên lo lắng về lập trường của EU trong dài hạn, vì nền kinh tế của các đồng minh châu Âu đang hướng tới sự suy giảm kéo dài, giống như của Mỹ.

"Con đường tơ lụa của Trung Quốc không tập trung vào phương Tây", nhà kinh tế nhấn mạnh. "Trung Quốc tập trung vào châu Á và châu Phi. Châu Á, chứ không phải phương Tây, là nơi tương lai ngự trị. Nếu Trung Quốc và Nga thành lập một liên minh chiến lược, liên minh đó sẽ thống trị thế giới. Thời đại của phương Tây đã qua", Roberts nói thêm.

Trời sáng sau bầu cử

Mối quan hệ Mỹ-Trung có thể sẽ trở lại đúng hướng sau cuộc bầu cử tháng 11, Thomas W. Pauken II, chuyên gia bình luận về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương dự đoán.

"Trung Quốc hiểu rằng trong mùa bầu cử ở Mỹ, các chính trị gia nước này thường chơi chiêu bài chống Trung Quốc", Pauken nói. "Nếu Trump thắng trong lần tái tranh cử năm nay, ông sẽ tập trung vào các giải pháp phục hồi kinh tế Mỹ. Ông cần Trung Quốc đóng vai trò hợp tác hơn để thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Ông có khả năng sẽ gây dựng quan hệ tốt với Bắc Kinh để đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung tốt hơn với những điều khoản có lợi cho cả hai".

Đồng thời, có khả năng ông Trump sẽ cải tổ nội các của mình, trong đó ông sẽ loại bỏ những cộng sự chống Trung Quốc trong chính quyền và bắt đầu các cuộc đàm phán nhanh chóng với Bắc Kinh để tiến tới một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.

Chuyên gia Pauken để ngỏ khả năng Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ tiếp tục nắm vai trò trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, do nhân vật này vốn nổi tiếng là có thái độ chống Trung Quốc gay gắt.

Tuy nhiên, nếu ứng cử viên Joe Biden là người ngồi ở Phòng Bầu dục, nhà bình luận về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương cũng không chắc chắn rằng sẽ có sự thay đổi, khi chủ trương chống Trung Quốc đang được cả giới chính trị ủng hộ.

"Tình hình sẽ trở nên rất tồi tệ trong năm nay trước khi được cải thiện sau khi cuộc bầu cử kết thúc và mọi thứ sẽ lắng xuống ở Washington", Philip Giraldi thừa nhận. "Không bên nào được hưởng lợi từ tình trạng thù địch kéo dài hơn nữa và ai cũng biết điều đó". Do đó, dù "Chiến tranh lạnh mới" đang nóng lên từng ngày thì cả hai "thế lực" Mỹ - Trung đều biết và hiểu rằng "long tranh hổ đấu" kết cục cũng sẽ dẫn đến "lưỡng bại câu thương".

Mạnh Kiên