Hà Nội những ngày cuối hè trời vẫn nắng như đổ lửa. Nắng hầm hập hấp nhiệt xuống những con đường bê tông nóng như chảo rang. Nắng bủa vây khiến những ô cửa đóng kín mít từ sáng tới đêm.
Dẫu vậy, nắng không cản ngăn được bước chân nhiệt thành của những bà nội trợ, của các cô nhân viên văn phòng tìm đến các cửa hàng hoa quả nhập trong “cơn sốt” của loại trái cây quen mà lạ, xa mà gần mang tên: Cherry Mỹ.
Quen bởi thứ trái cây này từng xuất hiện trên các kệ trái cây hoa quả nhập ngoại từ nhiều năm nay. Quen bởi nó dường như là món quả không thể thiếu trong những giỏ quà sang trọng. Nhưng lạ, rất lạ là bởi chưa khi nào thứ quả đắt đỏ này lại có giá rẻ như năm nay.
Đơn cử, theo như các cửa hàng hoa quả nhập ngoại, chỉ tính tầm này năm ngoái, với hàng cherry cỡ quả trung bình, giá bán không thể thấp hơn nửa triệu đồng/kg. Vậy mà năm nay cũng loại ấy, giá về tới tay người tiêu dùng chỉ chưa đến một nửa.
Thậm chí, ở nhiều siêu thị nhập hàng với quy mô lớn, giá một kg cherry thậm chí chỉ bằng 1kg mận ta đầu mùa.
Với những loại cherry thượng hạng, quả to, mới mấy tháng trước còn kênh kiệu ở mức giá hơn 1 triệu đồng/kg, giờ giá cũng rớt xuống chỉ 500.000-600.000 đồng/kg.
Cũng đừng thấy rẻ mà vội vàng “gán mác” Trung Quốc cho tất thảy loại này. Tại nhiều cửa hàng hoa quả nhập, bên cạnh các tủ bán cherry luôn có sẵn các hóa đơn thậm chí hợp đồng mua bán của nhà cung cấp để người mua có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm của họ là hàng nhập từ Mỹ.
Chị Đào, một chủ cửa hàng bán cherry Mỹ trên phố Đội Cấn, Hà Nội chia sẻ rằng phân biệt hàng cherry Mỹ thật hay hàng Trung Quốc rất dễ. “Nếu hàng Mỹ chuẩn, chị để quả cherry ra ngoài nhiệt độ thường 30 phút đến 1 tiếng sau là thấy rõ quả sẽ xuống nước, xuống màu. Còn cherry Trung Quốc vẫn tươi rói màu, thậm chí để 1-2 ngày ở nhiệt độ thường vẫn không sao”, chị Đào vừa mời tôi dùng thử cherry vừa chia sẻ kinh nghiệm.
Chính vì sự giảm giá bất thường này mà nhiều người đổ xô mua thứ quả mà hiếm khi họ được dùng. Còn người bán cũng xem đây là cơ hội có một không hai để kinh doanh.
“Nhà nào bán hoa quả nhập năm nay cũng chạy chương trình cherry khuyến mại vì rẻ hiếm thấy nên người mua đông, nhà e chạy bốn năm lần khuyến mại giảm giá rồi, bán không biết bao thùng rồi nhưng vẫn đông khách hỏi...”, một nhân viên của cửa hàng hoa quả nhập ngoại trên phố Bạch Mai, Hà Nội nói.
Thậm chí, có nhiều người không buôn hoa quả nhập nhưng trước sức hút của cherry Mỹ cũng rẽ ngang, nhập cherry về bán trên mạng.
Lý giải về sự bất thường này, chị Đào Vũ - nhân viên của cửa hàng hoa quả nhập trên phố Bạch Mai, Hà Nội phân tích: Năm nay, cherry Mỹ được mùa nhưng quan trọng hơn chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra, Mỹ không xuất hàng sang Trung Quốc nữa nên có nhiều hàng để bán rẻ sang các nước khác.
“Đấy! “Đánh nhau” ở đâu chả biết chứ thế này... hóa ra mình lại được ăn rẻ”, vừa vui vẻ tiếp chuyện tôi, cô nhân viên vừa thoăn thoắt san những trái cherrry căng mọng từ những thùng lớn được vận chuyển từ Mỹ ra các khay nhỏ để bày biện lên tủ kính.
Người bán đôi khi còn tìm hiểu lý do đằng sau mức giá lạ thường chứ người mua thì cứ rẻ là mua, là vui, là săn lùng. Mấy ai biết, chỉ sau những dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump khai màn cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, thứ hoa quả đắt đỏ ngoài tầm mua của họ trước, giờ bỗng trở thành món hàng... mua ngay không phải nghĩ.
Tuy nhiên, thực sự cuộc chiến thương mại từ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có phải chỉ đơn thuần mang đến niềm vui như trái cherry vậy?
Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến thị trường thế giới chao đảo vào sáng 2/8 với tuyên bố áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9. Lý do mà ông đưa ra đơn giản là vì Trung Quốc nhượng bộ quá ít trong đàm phán và không giữ lời hứa mua nông sản của Washington cũng như ngừng bán thuốc giảm đau Fentanyl sang Mỹ.
Không lâu sau đó, ngày 5/8/2019, Trung Quốc thông báo ngừng mua nông sản Mỹ, hạ giá đồng nhân dân tệ xuống đáy trong vòng 11 năm qua. Tổng thống Trump cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ.
Và ngay sau đó, ngày 24/8/2019, Trung Quốc thề đấu đến cùng với Mỹ trong thương chiến.
Hy vọng về sự xuống thang của cuộc thương chiến Mỹ - Trung phần nào được nhen nhóm sau khi Tổng thống Donald Trump ngày 26/8 cho biết Trung Quốc đã liên lạc với các quan chức thương mại Mỹ để đề nghị nối lại đàm phán, đồng thời gọi đây là diễn biến rất tích cực đối với thế giới. Tuy nhiên, đây chỉ là những tín hiệu vui ban đầu cho những thách thức dài lâu với nền kinh tế của hai quốc gia lớn cũng như toàn cầu.
Hơn một năm qua, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc chiến thương mại căng thẳng. Những “đòn” tăng thuế qua lại giữa hai nước bắt đầu từ hồi tháng Một năm ngoái khi Mỹ tăng thuế lên mặt hàng máy giặt và pin năng lượng nhập khẩu.
Hơn một tháng sau đó, Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế lên mặt hàng thép và aluminum nhập khẩu ở mọi quốc gia. Việc áp thuế của Mỹ áp đặt với mọi quốc gia, tuy nhiên trong đó Trung Quốc là nhà xuất khẩu thép lớn nhất thế giới.
Vào giữa tháng 6 vừa qua, căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington leo thang hơn khi ông Trump tuyên bố áp thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Và những diễn biến leo thang chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong nửa đầu tháng 8 đã gieo rắc hoảng sợ cho các thị trường và ngân hàng trung ương trên khắp thế giới.
Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra, chắc chắn Việt Nam không thể tránh khỏi những ảnh hưởng. Ở giai đoạn đầu của cuộc chiến này, khi Mỹ mới áp đặt tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc, có thể Việt Nam chưa chịu tác động trực tiếp nhưng ảnh hưởng sẽ rõ rệt ở giai đoạn sau khi Trung Quốc đã có những đòn đáp trả Mỹ.
Nói như một số nhà phân tích, dưới tác động của chiến tranh thương mại, khi Mỹ hạn chế nhập hàng Trung Quốc vì hàng Trung Quốc giá cao, Việt Nam sẽ có điều kiện tốt để thâm nhập vào thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, nhận định này chỉ chính xác khi Trung Quốc ngồi yên chịu trận mà không đáp trả lại phía Mỹ. Nhưng thực tế diễn ra không hoàn toàn “màu hồng” như vậy.
Chia sẻ với báo Người Đưa Tin về những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tới Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: “Ta thấy rằng hiện nay nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng và Trung Quốc đang là một trong những nước xuất siêu lớn nhất sang Việt Nam vì thế nên cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ tác động luôn đến các ngành kinh tế của chúng ta, đặc biệt là dệt may, da giày.
60% nguyên liệu của chúng ta là nhập khẩu, Trung Quốc lại là một trong những nhà cung ứng vật liệu nhiều nhất trong lĩnh vực dệt may và da giày thế nên nếu sản phẩm của Trung Quốc bị đánh thuế cao ở thị trường Mỹ thì Trung Quốc sẽ đánh thêm thuế xuất khẩu vào các mặt hàng xuất sang các nước khác có cùng loại hàng, chủng loại hàng với các loại xuất sang thị trường Mỹ”.
“Vì vậy, chắc chắn nguyên vật liệu chúng ta mua từ Trung Quốc sẽ bị đánh thuế cao lên và thuế cao lên thì giá sản phẩm của chúng ta phải tương đương với Trung Quốc.
Từ đó, lợi thế mà chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mang lại cho ta như một số người nói chỉ là ở thể giả định giai đoạn đầu, tức là khi Mỹ đánh thuế và Trung Quốc ngồi yên chịu trận.
Nhưng đến bây giờ ta thấy thực tế Trung Quốc đã không ngồi yên. Những tác động của cuộc chiến đã ảnh hưởng tới Việt Nam!”, ông Kiên phân tích.
Điều tương tự cũng xảy ra với ngành dệt may, ngay cả trong trường hợp Việt Nam tìm đến các nhà xuất khẩu khác thay thế như Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc, Việt Nam cũng vẫn mất đi một lợi thế khi giá thành của các sản phẩm ở các nước này chắc chắn sẽ cao hơn hàng Trung Quốc vì cước phí vận chuyển, thời gian vận chuyển đắt hơn.
Vị Phó Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội cũng nhận định rằng một tác động khác mà chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây ảnh hưởng tới Việt Nam là khi Mỹ hạn chế nhập khẩu hàng Trung Quốc thì mặt hàng đầu tiên mà Trung Quốc hạn chế nhập khẩu từ Mỹ đó là nông sản.
Khi không xuất sang được Trung Quốc, nông sản Mỹ sẽ tìm đến thị trường Việt Nam với giá hấp dẫn, gây sức ép cho các mặt hàng nông sản trong nước.
“Như chúng ta đã thấy những biểu hiện đầu tiên của hàng nông sản Mỹ với mức sản xuất công nghiệp đã tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Các lô hàng nông sản đầu tiên, giá rẻ của Mỹ đã nhập vào Việt Nam.
Và trong đó, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam yếu nhất, dễ bị tổn thương nhất và khi bị tổn thương thì nhiều người bị ảnh hưởng nhất. Đây là quan ngại lớn cho các cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Kiên cho biết.
“Có khoảng 38 triệu người đang hoạt động trong ngành nông nghiệp và khoảng 6-7 triệu người lao động trong ngành dệt may, da giày. Những người lao động này sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều”, ông Kiên chia sẻ.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Đức Kiên, TS. khoa học Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã, đang và chắc chắn sẽ để lại nhiều tác động tiêu cực tới Việt Nam.
Phân tích rõ hơn, ông Lược đưa ra một nguy cơ tiềm ẩn khi hàng hóa Trung Quốc không xuất được sang Mỹ vì thuế cao, nhiều gian thương nước này sẽ “mượn” đường Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh bị đánh thuế.
“Khi không thể xuất khẩu thép sang Mỹ, nhiều công ty Trung Quốc chuyển nhà máy thép sang nước ta hoặc chuyển thẳng thép sang nước ta và đề là sản phẩm “Made in Việt Nam” để xuất sang Mỹ nhằm tránh thuế cao.
Hành động này có thể khiến Mỹ trừng phạt bằng cách đánh thuế ở mức cao, tới hơn 400% cho một số sản phẩm thép Việt Nam xuất sang Mỹ gây bất lợi cho ngành thép”, ông Lược cho biết.
Song song với nguy cơ trên, ông Lược cho rằng, một thách thức khác đặt ra là việc Mỹ hạ giá đồng Nhân dân tệ. Điều này có thể để lại tác động tiêu cực, khiến sức cạnh tranh của kinh tế Việt Nam gặp khó.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tác động đến Việt Nam theo cả hai hướng tiêu cực và tích cực. Theo TS. Võ Đại Lược, trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam có thể trở thành mối quan hệ mà cả Mỹ và Trung Quốc đều hướng tới. Trong cuộc chiến đối đầu với Trung Quốc, Mỹ có thể gia tăng hợp tác với Việt Nam cả về thương mại cũng như các mặt khác và Trung Quốc cũng có những động thái tương tự với Việt Nam. Nước ta luôn thực hiện chính sách cân bằng giữa các nước lớn và khi các nước lớn cạnh tranh và gia tăng hợp tác với Việt Nam, điều này hẳn nhiên tạo ra ưu thế lớn.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng quá trình cạnh tranh giữa Mỹ-Trung, trong giai đoạn ngắn hạn, người tiêu dùng được lợi nhưng trong dài hạn thì đất nước bị ảnh hưởng. Có điều này là bởi lẽ các ngành sản xuất của chúng ta khó có thể sớm chuyển đổi để đạt được yêu cầu cạnh tranh cao đến mức độ như vậy.
Nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục căng thẳng thì tác động tiêu cực mà nó gây ra lớn hơn là tích cực bởi nó có thể dẫn đến rối loạn kinh tế thế giới, suy thoái kinh tế thế giới và điều này khiến các nước đều chịu ảnh hưởng.
Vậy nên tính về từng việc, từng điểm thì Việt Nam cũng có thể có được lợi ích nhất định nhưng tính về tổng thể lâu dài thì cuộc chiến này, cuộc chiến giữa hai đối tác lớn của Việt Nam, chắc chắn sẽ không có lợi cho Việt Nam.