Với quyết tâm tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào tỉnh, mang lại động lực tăng trưởng cho kinh tế địa phương.
Theo Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, trong quý I/2023, có 4 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký là 28,1 triệu USD, tăng 3 dự án và gấp 2,9 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Luỹ kế đến ngày 20/3/2023, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 176 dự án FDI được cấp phép đăng ký và còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 10,39 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong tháng 3/2023 Tập đoàn Sunny (Trung Quốc) đã làm việc với Chính phủ và tỉnh Thái Nguyên về Dự án xây dựng Trung tâm công nghiệp Sunny Group với diện tích từ 26 - 40ha tại khu công nghiệp Yên Bình, Thành phố Phổ Yên với tổng mức đầu tư từ 2 -2,5 tỷ USD.
Mục tiêu đầu tư sản xuất ống kính camera, thiết bị quang học dùng cho ô tô và các sản phẩm quang học khác.
Giám đốc bộ phận Quản lý tổng hợp Sunny Opotech Việt Nam Tang Zefeng: Chỉ trong thời gian ngắn “đóng đô" tại địa bàn, Sunny Optech Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ to lớn của tỉnh Thái Nguyên nói chung và thành phố Phổ Yên nói riêng trong quá trình hoạt động. Đồng thời, công ty cũng nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan ban ngành và các tầng lớp xã hội trong quá trình xây dựng nhà máy cũng như về phương diện các chính sách ưu đãi. Chúng tôi luôn tin tưởng rằng chính quyền và doanh nghiệp có mối liên kết chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau. Trong tương lai phát triển của Sunny Optech Việt Nam, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cấp lãnh đạo, ví dụ như chính sách ưu đãi thuế doanh nghiệp, như trong khâu xét duyệt thủ tục hành chính có thể tạo điều kiện để doanh nghiệp xin cấp giấy chứng nhận một cách nhanh chóng nhất…
Chỉ cần có thể giảm thiểu chi phí đầu tư, giảm thiểu rủi ro đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tôi tin rằng sẽ có nhiều hơn nữa các công ty Trung Quốc muốn đến Việt Nam và Thái Nguyên để đầu tư và xây dựng”.
Là địa phương thu đầu tư FDI tốt, điều này cũng minh chứng cho sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư kinh doanh của Thái Nguyên cũng như sự kỳ vọng vào phục hồi kinh tế của tỉnh.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hà Văn Dương – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh quan điểm của tỉnh là chỉ thu hút những nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh, có sản xuất sạch, không vi phạm quy định về môi trường và ưu tiên sản xuất công nghiệp điện tử.
Theo ông Dương, hiện thu hút đầu tư tại Thái Nguyên đã chuyển dần từ “lượng” sang “chất” – tức là chuyển từ ưu đãi, mời chào, sang chọn lọc để phù hợp với đặc điểm của từng địa phương nhằm tạo sự lan toả và giá trị gia tăng của nguồn vốn thu hút.
“Sự thay đổi này đã làm cho dòng vốn thu hút vào các khu công nghiệp không ồ ạt như trước, thu hút đầu tư sẽ được sàng lọc kỹ hơn, dự án thu hút chất lượng hơn”, ông Dương nói và cho biết, những dự án thu hút mới và tăng vốn đầu tư thời gian qua đều là những lĩnh vực Thái Nguyên đang khuyến khích đầu tư.
Cũng theo ông Dương, vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự, các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái... của tỉnh Thái Nguyên.
Ông Phan Chiến Thắng - Giám đốc Truyền thông cộng đồng và quan hệ đối ngoại, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo cho biết: “Với vị trí địa lý tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, cơ sở hạ tầng cùng hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào chất lượng cao và đặc biệt tầm nhìn và cam kết hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến với Thái Nguyên, doanh nghiệp chúng tôi vô cùng tin tưởng vào tiềm năng phát triển của tỉnh nhà.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, tôi rất ấn tượng với câu nói của đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên: “Chính quyền tỉnh Thái Nguyên cam kết luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư bất kể mới hay cũ, đầu tư trong hay ngoài khu công nghiệp đều sẽ nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời trong quá trình thực hiện các dự án”.
Có thể thấy, với những lợi thế sẵn có và bằng năng lực sáng tạo, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự tham mưu tích cực của các cơ quan chuyên môn, sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã trở thành địa phương có môi trường “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho các nhà đầu tư trong đó có Núi Pháo”.
Nghi quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã định hướng về phát triển kinh tế, trong đó chú trọng phát triển công nghệ cao; cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng trong xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm phát triển nhanh và bền vững; ưu tiên thu hút nhóm ngành công nghiệp có tiềm năng lợi thế của tỉnh, gắn với kiểm soát và bảo vệ môi trường…
Song, câu chuyện phát triển công nghiệp và đô thị hóa đồng thời cũng tạo nên áp lực lớn về môi trường. Đây là bài toán khó đối với doanh nghiệp và các cấp quản lý.
“Vì vậy, ngay từ khi phê duyệt, lựa chọn các dự án đầu tư, tỉnh Thái Nguyên luôn có yêu cầu cao về đánh giá tác động môi trường. Một số dự án có quy mô lớn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, hoặc công nghệ không tiến tiến đều không tiên tiến đều không được tỉnh Thái Nguyên lựa chọn”, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.
Theo ông Dương, tỉnh Thái Nguyên xác định rõ mục tiêu phát triển kinh tế luôn gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế về sự phát triển bền vững và sức khỏe của nhân dân. Đó vừa là nhiệm vụ, cũng vừa là mục tiêu xuyên suốt.
Mục tiêu này cũng được nêu rõ tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh (khóa XIII) khi đã thông qua Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020 - 2025, quyết tâm xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển bền vững, văn minh, theo hướng đô thị xanh, hiện đại.
Xúc tiến đầu tư là hoạt động đóng vai trò quan trọng để thu hút nguồn vốn FDI. Chia sẻ thêm về kế hoạch trong hoạt động xúc tiến năm 2023 của tỉnh Thái Nguyên, ông Dương cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư.
Trong đó, tập trung xúc tiến đầu tư vào các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, là thành viên tham gia các Hiệp định FTA đa phương với Việt Nam (CPTPP, RCEP, EVFTA) như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…thông qua các hình thức trực tiếp và trực tuyến, gửi tài liệu, video giới thiệu tiềm năng lợi thế tới các nhà đầu tư; thông qua các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài và các bộ, ngành liên quan khác; các tổ chức xúc tiến đầu tư, đại diện xúc tiến đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Tiếp đến, tỉnh sẽ xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư. Tiếp tục cập nhật những hình ảnh, quảng bá các buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước có sự chọn lọc và kế thừa, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư như các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, giới thiệu địa điểm đầu tư, định hướng quy hoạch của tỉnh cho các nhà đầu tư; Đối thoại trực tiếp giữa Chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp để khơi thông, giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND Tp.Sông Công Vũ Duy Nghĩa cho biết, gần đây việc đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng sớm tạo mặt bằng sạch bàn giao cho các nhà đầu tư cũng được xem là một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư phát triển của thành phố.
Thành phố triển khai quyết liệt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về thu hồi đất; cương quyết thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với các hộ gia đình, cá nhân cố tình không chấp hành.
Song song với đó, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số cũng đã góp phần tích cực trong việc tạo môi trường thuận lợi, cho các nhà đầu tư công tác, làm việc trên địa bàn qua đó năm 2021 thành phố Sông Công được xếp hạng đầu tiên về chỉ số năng lục cạnh tranh cấp huyện DDCI.
Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.
Theo kế hoạch, tỉnh cũng sẽ xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư. Ông Dương cho hay, định kỳ, lãnh đạo tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng, rà soát, đề xuất ban hành danh mục dự án ưu tiên mời gọi đầu tư theo hướng tinh gọn, đúng quy hoạch theo từng lĩnh vực giúp cho các nhà đầu tư dễ dàng trong việc tìm hiểu đầu tư.
Bên cạnh đó, xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư như ban hành mới các tài liệu như Sách Thái Nguyên – Tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư; Danh mục các dự án ưu tiên mời gọi đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh bằng các thứ tiếng: Việt – Anh – Nhật – Hàn; video giới thiệu quảng bá, tiềm năng của tỉnh; Bản đồ quy hoạch về các lĩnh vực của tỉnh, tờ rơi dưới dạng bản in và bản điện tử.
Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư cho các cán bộ, viên chức làm công tác xúc tiến đầu tư thông qua việc tham dự các khoá đào tạo do bộ, ban ngành trung ương cũng như địa phương tổ chức.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.
“Tỉnh cũng sẽ phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có tiềm năng thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư trực tuyến, trực tiếp với các đối tác trọng điểm có nguồn lực thực sự đến đầu tư tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ thông tin”, ông Dương nêu rõ.
Bà Nguyễn Thị Thuận – Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên cho biết, để góp phần vào mục tiêu chung thu hút doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh, Cục Thuế Thái Nguyên đã triển khai rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế theo quy định của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.
Cục Thuế tỉnh tập trung quyết liệt thực hiện cải cách hành chính về thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp.
Hàng năm, Cục Thuế Thái Nguyên cũng triển khai đồng bộ các chương trình giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực: đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, miễn giảm, hoàn thuế... thường xuyên kiểm tra, rà soát các thủ tục hành chính thuế để đề xuất thay đổi hoặc xóa bỏ những thủ tục không còn phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Cục Thuế cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính của ngành thuế, hướng tới mục tiêu chung của ngành.
Kết quả, Cục Thuế Thái Nguyên đã hoàn thành việc triển khai hóa đơn điện tử trên địa bàn toàn tỉnh sớm hơn 2 tháng so với quy định. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có hơn 8.500 tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử.
NGUOIDUATIN.VN |