Chó Shiba Nhật đóng “cậu Vàng”: Sao phải ồn ào!

Chú chó Shiba casting trúng tuyển vai chính trong bộ phim Cậu Vàng dựa trên nguyên tác truyện ngắn Lão Hạc gây nhiều tranh cãi. Với tôi, nếu phù hợp hà cớ gì phải phản đối?

img
img

Lại câu chuyện hàng nội hàng ngoại.

Bấy lâu nay người ta cứ đinh ninh một chân lý là người Việt phải dùng hàng Việt. Câu chuyện ấy mãi chẳng có hồi kết và được dịp làm nóng lại khi bộ phim Cậu Vàng chuẩn bị bấm máy.

Thay vì quan tâm đến nội dung, dư luận đổ dồn sự bận tâm đến việc nhà sản xuất chọn một chú chó ngoại quốc thuần chủng giống Nhật có tên gọi Shiba vào vai “cậu Vàng” của Lão Hạc.

Một bộ phận khán giả cho rằng ngoài bộ lông màu vàng, chó Shiba không có bất kỳ điểm nào liên quan đến hình tượng cậu Vàng trong nguyên tác văn học.

“Cậu Vàng” trong những trang truyện của nhà văn Nam Cao sống cùng ông lão cô độc, khổ hạnh ở căn nhà dột nát, mỗi ngày chỉ tiêu hết có 3 hào gạo, “mà gia sự vẫn còn đói deo đói dắt”.

Còn “cậu Vàng” của đạo diễn Trần Vũ Thủy là một chú Shiba lông vàng mượt mà, thân hình ngắn và khá mập mạp có giá vài ngàn đô đắt đỏ.

Tôi cho rằng chó Shiba Nhật Bản đóng vai “cậu Vàng” Việt Nam không có gì là không phù hợp!

Phim ảnh là nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh, nghệ thuật phản ánh đời sống, làm đẹp đời sống chứ nghệ thuật không phải là tấm gương soi chiếu hiện thực.

Vậy một chú chó Shiba lông vàng, mũm mĩm thỏa mãn cái nhìn của khán giả sẽ tốt hơn hay một chú chó Việt có ngoại hình kém bắt mắt sẽ tốt hơn? Một khi đã lên màn hình, dù chân thực nhưng phải duy mĩ, khán giả ra rạp chiếu phim chẳng phải muốn nhìn thấy những thước phim đẹp cùng dàn diễn viên bắt mắt hay sao?

Lấy lí do vì “cậu Vàng” trong tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao là một chú chó sống cùng ông lão nghèo đói ở làng quê Việt Nam đầu thế kỷ XX nên không thể bóng bẩy và mập mạp thì tôi cho rằng điều đó hoàn toàn vô lí.

Vậy chẳng lẽ nguyên mẫu nhân vật thế nào thì các đạo diễn và nhà làm phim phải xây dựng y hệt?

Nghĩa là họ phải chọn một chú chó thuần Việt gầy trơ xương và nhem nhuốc?

Tôi dám chắc bản thân sẽ chẳng đủ kiên nhẫn để xem hết một bộ phim mà ở đó nhân vật chính không được đầu tư chỉn chu về ngoại hình chứ chưa nói đến nội dung hay hay dở! Đấy là còn chưa kể khi “cậu Vàng” “thê thảm” thì nhiều người lại có dịp “khóc mướn” rằng "cậu" có khi đang bị bạo hành!

Tôi xin mạn phép được mượn câu nói của nhà văn Nam Cao trong tác phẩm Đời thừa rằng: “Sự cẩu thả trong bất kì nghề gì cũng là một sự bất lương. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Và với điện ảnh, không thể có sự cẩu thả!

Tôi được biết phía ê-kíp sản xuất đã tuyển chọn và huấn luyện 2 chú chó thuần Việt trong vòng 2 năm nhưng họ không thu được kết quả như mong đợi bởi 2 chú chó ấy đã quen với lối sống tự nhiên.

Thế mới sinh ra chuyện casting, chú chó Shiba thỏa mãn các yêu cầu của đạo diễn như: Chó đực, thông minh, phản ứng nhanh nhẹn, thân thiện, “ăn” hình và vượt qua nhiều bài kiểm tra, đủ điều kiện trúng tuyển.

Tôi cho rằng, làm nghệ thuật không thể vì ý kiến của đám đông mà lựa chọn những điều không phù hợp để làm ảnh hưởng chất lượng phim ảnh.

Khán giả là người biết cái hay cái dở của phim nhưng khán giả không phải là người am tường chuyên môn để thay đạo diễn quyết định.

Các nhà làm phim, ê-kíp và chuyên gia họ là những người đã được đào tạo bài bản, họ hiểu vấn đề và đương nhiên họ phải có trách nhiệm tìm ra điều tốt nhất để khiến đứa con tinh thần của họ hoàn hảo nhất có thể.

Họ lựa chọn và đưa ra kết quả ấy là cả một quá trình dài chứ không phải sự lựa chọn trong tham số ngẫu nhiên.

Đóng phim Cậu Vàng không nhất thiết “cậu Vàng” phải là thuần Việt hay Shiba Nhật Bản, quan trọng là khi ra mắt khán giả, “cậu Vàng” sẽ chứng tỏ khả năng của mình ra sao, độ chuyên nghiệp trong diễn xuất như thế nào và những điều “cậu Vàng” thể hiện đem đến cho khán giả một dấu ấn đặc biệt!

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

img