Trong xã hội mà tội phạm ngày càng manh động, khó kiểm soát, cái oái oăm nhất là khi đứng trước lằn ranh sinh tử, người ta vẫn phải băn khoăn, đắn đo có nên chống trả tên trộm hay không?
Chẳng ai ưa mấy tên trộm, dù đó là trộm vặt hay trộm có tổ chức. Bố tôi đã từng nói, trộm vào nhà đâm chết không tha. Thế nhưng thực tế, rất nhiều người đã vướng vòng lao lý chỉ vì trong giây phút tự vệ có phần... quá tay. Mà cái định nghĩa "quá tay" ấy nói cho cùng cũng khiến người khác phải hoang mang bởi không biết định lượng như thế nào là đủ...
Giả sử, trong đêm tối, khi gia đình bạn đang say giấc thì bỗng phát hiện có kẻ lạ đột nhập vào nhà, bạn sẽ xử lý thế nào?
Nếu như, đó là Nguyễn Hải Dương – kẻ thủ ác gây nên thảm án ở Bình Phước, cướp đi sinh mạng của 6 người trong cùng một gia đình đã từng coi hắn như người thân? Nếu như, đó là Lê Văn Luyện – tên sát nhân dám xuống tay giết cả hai vợ chồng chủ tiệm vàng Bích Ngọc cùng bé gái 18 tháng tuổi để cướp số vàng hơn 1,27 tỷ đồng?
…
Trộm cướp ngày càng nguy hiểm và manh động, chúng ta chẳng thể “không chống cự được thì nằm hưởng thụ” như nhiều người vẫn tếu táo. Trong thời khắc lựa chọn giữa sự sống – cái chết, việc bình tĩnh để tính toán sao cho khôn ngoan, không vi phạm pháp luật có lẽ không khả quan với đại đa số người dân. Bởi đó là thời điểm, bản năng con người mạnh hơn tất cả mọi thứ.
Mới đây, một người phụ nữ ở Long An vừa sống dậy sau khoảnh khắc sinh tử lại phải đối mặt với án tù vì đã chém chết tên trộm đột nhập vào nhà lúc nửa đêm – kẻ máu lạnh vừa sát hại chồng chị.
Khi chị quăng con dao trúng đầu tên trộm, chị có thể làm gì khác để bảo vệ bản thân mình và con? Không lẽ khi tên trộm – lúc này đã là tên sát nhân cầm dao truy đuổi, chị phải dành ra vài phút tỉnh táo để suy nghĩ làm cách nào vừa trốn chạy được, lại vừa không vướng vào vòng lao lý vì quy định của pháp luật?
Nhưng cho đến thời điểm này, chưa ai, chưa cơ quan nào dám khẳng định, hành vi của chị là đúng. Và hành vi của chị, vẫn đang được cơ quan công an điều tra, xem xét.
Nhìn ra thế giới, ở Mỹ, chủ nhà được phép sử dụng vũ lực hợp lý để ngăn chặn bất cứ kẻ nào có hành vi lấy đi đồ đạc, vật phẩm thuộc quyền sở hữu hoặc đã được người sở hữu giao thẩm quyền bảo vệ món đồ đó hoặc ngăn chặn người lạ đang cố tình hoặc đã đột nhập vào nhà ở, khu vực thuộc quyền sở hữu. Thậm chí ở một số bang còn cho phép người dân sử dụng vũ khí với mục đích tự vệ.
Mặc dù, khái niệm “vũ lực hợp lý” chưa có quy định rõ ràng nhưng nó được định nghĩa là người sử dụng vũ lực phải tương xứng với mối đe dọa mà người này gặp phải.
Hay ở Anh, cơ quan công tố Anh và xứ Wales CPS có 12 quy định và ghi chú về quyền lợi hợp pháp của người dân khi trộm đột nhập vào nhà. Theo đó, người dân Anh không cần phải chờ đợi cho kẻ đột nhập tấn công rồi mới hành động để tự vệ. Luật pháp Anh cũng không quy định rõ ràng về khái niệm “vũ lực hợp lý” mà chúng được đánh giá linh hoạt tùy vào từng vụ án khác nhau.
Còn ở Italy, luật pháp nước này từ lâu đã công nhận quyền tự vệ chính đáng với trường hợp đột nhập vào nhà. Với trường hợp có kẻ gian vào nhà, người dân nước này được phép dùng vũ lực nếu họ có bằng chứng hợp lý về mối đe dọa, nỗi sợ hãi và sự lo lắng về an nguy tính mạng khi bị kẻ gian uy hiếp.
Quay trở lại câu hỏi ban đầu, ở Việt Nam, người dân sẽ phải xử lý thế nào nếu gặp kẻ thủ ác, đối mặt với nguy hiểm tính mạng của mình và người thân?
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.