Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV, TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã có những chia sẻ với Tạp chí Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL) về kết quả đạt được trong nhiệm kỳ XIII cũng như định hướng chiến lược cho nhiệm kỳ XIV.
ĐS&PL: Thưa Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền, nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia lần thứ XIII đã khép lại với nhiều dấu ấn quan trọng, xin Chủ tịch khái quát về những kết quả hoạt động nổi bật của Hội trong nhiệm kỳ qua?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Có thể khẳng định, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Luật gia Việt Nam đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ. Nhiệm kỳ 2019-2024 Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện trên các mặt hoạt động. Các cấp Hội Luật gia đã bám sát các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII đã đề ra, nhất là những quan điểm được thể hiện trong Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 1/7/2022 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.
Với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp hội và hội viên, trong nhiệm kỳ qua Hội Luật gia Việt Nam đã hoàn thành tốt các phương hướng và nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XII đã đề ra, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội tiếp tục được nâng lên một bước.
Một trong những kết quả nổi bật là vai trò tích cực của Hội trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Theo đó, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, chất lượng các hoạt động được nâng cao, nội dung các hoạt động thiết thực, bám sát với yêu cầu thực tế và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Hội chủ trì xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại; tham gia tổng kết thi hành các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng trong lĩnh vực xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp;
Với vị trí là một tổ chức tập hợp đông đảo luật gia có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động pháp luật, trong nhiệm kỳ, Hội đã được mời tham gia vào Ban soạn thảo, Tổ biên tập 22 dự án luật, pháp lệnh, nghị định và văn bản quy phạm pháp luật khác, trong đó có các dự án luật quan trọng như: Luật Kiểm toán, Luật Đất đai, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xử lý vi phạm hành chính…
Trong nhiệm kỳ, việc tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội nghị góp ý, phản biện xã hội đối với các văn bản quy phạm pháp luật được các cấp hội luật gia xác định đây là thế mạnh của Hội, đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động, đặc biệt là những dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi tác động rộng, trực tiếp đến đời sống của nhân dân.
Công tác tham gia tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tôn trọng, chấp hành pháp luật được các cấp Hội triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Trong 5 năm qua, Trung ương Hội đã tổ chức được 126 hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu góp ý vào các chương trình, dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định quan trọng. Đối với một số văn bản luật lớn, quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…, Trung ương Hội đều tổ chức nghiên cứu, sâu, rộng để thu thập được nhiều ý kiến tham gia góp ý, phản biện.
Hay công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý ngày càng hiệu quả và bền vững, qua đó phát huy thế mạnh của đội ngũ luật gia. Trong nhiệm kỳ, các cấp hội đã thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí 542.500 vụ việc, tư vấn pháp luật có thu phí hơn 21.500 vụ việc, tham gia tố tụng hơn 76.500 vụ và đại diện ngoài tố tụng được hơn 10.700 vụ việc.
Còn với công tác tham gia tiếp công dân ở Trung ương và địa phương; tư vấn, giải quyết khiếu nại và hòa giải ở cơ sở được thực hiện thường xuyên, đạt được nhiều kết quả được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, trong đó tham gia hoà giải hơn 337.600 vụ việc.
Công tác tham gia cải cách tư pháp được thực hiện tích cực, có nhiều đóng góp cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội.
Cùng với đó, công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế đã được tăng cường cả về chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, đặc biệt là đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam thông qua Hội Luật gia dân chủ quốc tế, Hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội luật các nước ASEAN, Trung tâm Luật hòa bình của Liên bang Nga...
Trong 5 năm qua đã nhiều lần ra tuyên bố phản đối những vi phạm của nước ngoài và ủng hộ quan điểm, lập trường của Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Hội đã phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức nhiều hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông, qua đó góp phần thông tin đến giới luật gia quốc tế về chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo, góp phần thiết thực vào công tác vận động, đấu tranh, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc.
ĐS&PL: Ngày 1/7/2022 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới, xin Chủ tịch cho biết ý nghĩa của Chỉ thị này đối với Hội Luật gia trong nhiệm kỳ vừa qua cũng như các cấp Hội đã quán triệt và triển khai Chỉ thị này ra sao?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Chỉ thị 14 khẳng định rõ Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị- xã hội – nghề nghiệp hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Qua đó, Hội Luật gia Việt Nam và các cấp Hội, hội viên Hội Luật gia trên cả nước đã tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Chỉ thị nhấn mạnh, cần phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam; cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội Luật gia Việt Nam, tiếp tục củng cố, kiện toàn, xây dựng Hội ngày càng vững mạnh về tổ chức. Qua đó, phát huy hơn nữa vai trò của Hội trong tình hình mới.
Sau khi có Chỉ thị 14 của Bộ Chính trị, ngày 12/10/2022 Hội Luật gia đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện. Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự hội nghị có đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành ở Trung ương.
Để triển khai thực hiện Chỉ thị, Đảng đoàn Quốc hội ban hành kế hoạch số 862-KH/ĐĐQH15 ngày 12/8/2022, Ban cán sự đảng Chính phủ ban hành kế hoạch 1829-KH/BCSĐCP ngày 04/5/2023, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam ban hành Kế hoạch số 145-KH/ĐĐ ngày 08/9/2022, Hội Luật gia Việt Nam ban hành Chương trình hành động số 163/CTr-HLGVN ngày 30/5/2023, 60/63 tỉnh, thành ủy và 56/63 UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản triển khai.
Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, củng cố, phát triển tổ chức Hội và việc chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 14, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức 19 Đoàn công tác làm việc với cấp ủy, chính quyền một số bộ ngành và địa phương như: Đảng ủy Công an Trung ương; Tỉnh ủy Lâm Đồng, Bình Dương, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Bến Tre, Đắk Nông, Phú Thọ, Đà Nẵng, Trà Vinh, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Nghệ An, Đồng Nai, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
ĐS&PL: Thưa Chủ tịch, Chỉ thị số 14 có nêu rõ: “Phát huy vai trò của Hội Luật gia trong công tác đối ngoại nhân dân..; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tuyên truyền giới thiệu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ra nước ngoài, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch…”. Xin Chủ tịch cho biết nhiệm kỳ qua Hội đã thực hiện nhiệm vụ này ra sao?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Trong nhiệm kỳ này, quán triệt quan điểm của Đảng đối ngoại nhân dân là một trong 3 trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là nhiệm vụ Phát huy vai trò của Hội Luật gia trong công tác đối ngoại nhân dân được nêu trong Chỉ thị 14, Hội Luật gia đã phát huy hiệu quả của các hình thức hoạt động có mục tiêu đấu tranh, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ.Cụ thể là, Hội đã vận động và phối hợp với Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) và một số tổ chức của Liên bang Nga để tổ chức các cuộc Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề “Tranh chấp trên biển Biển Đông và nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế”, “Thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông: Vì hoà bình và phát triển trên cơ sở luật pháp quốc tế” để dưa ra những đề xuất về các cơ chế hợp tác quốc tế mới nhằm thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp về Biển Đông một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong bối cảnh việc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông chưa đạt được kết quả mong đợi, đồng thời các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đều đã và đang chủ trương thúc đẩy các giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông. Những đề xuất, kiến nghị được nêu ra tại Hội thảo cũng như kết luận của chủ trì hội thảo đều thể hiện sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội Luật gia Châu Á-Thái Bình Dương (COLAP), Hội luôn tích cực vận động để đưa chủ đề hòa bình, trong đó có vấn đề căng thẳng, tranh chấp tại Biển Đông vào nội dung thảo luận tại các cuộc hội nghị COLAP để các thành viên COLAP có tiếng nói thông qua tuyên bố hội nghị ủng hộ quan điểm, chính sách của Việt Nam trong giải quyết các căng thẳng, tranh chấp tại Biển Đông.
Đối với nguyên tắc phi chính trị của Hiệp hội luật các nước ASEAN (ALA), Hội đã rất tích cực tham gia các hoạt động của hiệp hội có mục tiêu hài hòa pháp luật và dịch vụ pháp lý trong bối cảnh đa dạng về thể chế chính trị, lịch sử văn hóa, kinh tế, xã hội trong khu vực.
Đối với các tổ chức nghề luật của các quốc gia khác có quan hệ hợp tác với Hội, Hội duy trì các hoạt động chia sẻ thông tin để tăng cường sự hiểu biết của bạn bè quốc tế về quan điểm, đường lối, chính sách và thành quả xây dựng, phát triển đất nước.
Đối với công tác hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, hội đã chủ động huy động nguồn hỗ trợ cho các lĩnh vực hoạt động hướng tới phục vụ nhân dân như phổ biến, tư vấn pháp luật.
ĐS&PL: Từ những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, xin Chủ tịch cho biết phương hướng và mục tiêu trọng tâm của Hội trong nhiệm kỳ lần thứ XIV là gì?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Nhiệm kỳ XIV sẽ là giai đoạn quan trọng để Hội hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược, đặc biệt là các nội dung được đề cập trong Chỉ thị 14.
Theo đó, đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng; tập trung tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức về vai trò của Hội Luật gia Việt Nam. Các cấp Hội và hội viên quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tập trung quán triệt, triển khai Chỉ thị số 14, Kế hoạch số 862 của Đảng đoàn Quốc hội và Kế hoạch 1829 của Ban cán sự đảng Chính phủ về triển khai thực hiện Chỉ thị số 14… nâng cao nhận thức của các cấp Hội và hội viên về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội Luật gia Việt Nam.
Với Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị, thời gian tới các cấp Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục phát huy, thực hiện tốt những nội dung Chỉ thị đề ra; phân tích, đánh giá kỹ những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa tốt để tiếp tục thực hiện tốt hơn; bổ sung những vấn đề mới từ thực tiễn thời gian qua và từ yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn Hội Luật gia các cấp ngày càng vững mạnh về tổ chức; nâng cao chất lượng công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; giám sát, phản biện xã hội; nghiên cứu khoa học pháp lý.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; tham gia tiếp công dân và hòa giải ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cho hội viên và nhân dân, đồng thời chú trọng tuyên truyền, quảng bá về Hội.
Hội cũng sẽ đẩy mạnh vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước. Đồng thời, các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ được triển khai sâu rộng hơn nữa, với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong việc tiếp cận thông tin pháp luật.
Cùng với đó, tiếp tục tham gia tích cực, có hiệu quả vào công tác cải cách tư pháp, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Song song với đó là đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế để nâng cao uy tín của Hội trên trường quốc tế.
ĐS&PL: Xin Chủ tịch chia sẻ thêm về những kỳ vọng đối với Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2024-2029)?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Tôi kỳ vọng rằng nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ là giai đoạn bứt phá của Hội Luật gia Việt Nam. Với sự đoàn kết, quyết tâm của toàn thể hội viên và sự quan tâm, đồng hành từ các cấp lãnh đạo, Hội sẽ ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng góp phần vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, cũng như đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Như vậy, với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, các cấp Hội và Hội viên Hội Luật gia Việt Nam sẽ chung sức, đồng lòng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
ĐS&PL: Xin cảm ơn Chủ tịch!