Dê lạc, vợ lạc, đường cũng lạc

Chỉ có 130m đường, uy tín, danh dự của một chủ tịch xã ở Quảng Bình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều đó tưởng chừng khó xảy ra nhưng đó lại là sự thật khiến người dân lắc đầu ngán ngẩm. Người trong cuộc có lẽ cũng nhận thấy sai lầm của mình, nhưng tất cả đã quá muộn để sửa sai hay thay đổi.

img

Nghe chuyện, tôi lấy làm tiếc. Bởi lẽ, để làm 130m đường, số tiền bỏ ra đâu phải quá nhiều để có được sự khang trang cho ngôi nhà của ông chủ tịch xã và hàng xóm nhà ông. Nếu trường hợp chưa đủ tiền, có thể làm tạm đường gạch, đường đất, cát, chưa sang trọng nhưng đàng hoàng, tự tin mỗi khi ông và người thân đặt chân lên con đường mồ hôi, công sức của chính mình và gia đình.

Đó là con đường được nối từ đường làng, chạy thẳng về nhà riêng của ông Chủ tịch UBND xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), chỉ phục vụ đi lại cho gia đình ông Chủ tịch và 3 gia đình hàng xóm. Đáng nói, đoạn đường này không có trong kế hoạch cũng như nghị quyết của HĐND xã. Nguồn kinh phí làm con đường này được trích từ tiền trái phiếu Chính phủ và nguồn mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Sự việc khiến nhiều người dân địa phương bất bình, bởi lẽ trên địa bàn này còn rất nhiều tuyến đường chưa được bê tông hóa, đi lại khó khăn; khu vực đông dân cư và cần thiết hơn, nhưng xã vẫn lấp ruộng, "ưu ái" làm đường nối về nhà ông chủ tịch.

Ngay khi nhận được phản ánh, UBND huyện Minh Hoá đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành để xác minh, làm rõ sự việc. Sau khi có kết luận thanh tra, mới đây, hội đồng kỷ luật UBND huyện này vừa bỏ phiếu thông qua hình thức kỷ luật đối với Chủ tịch UBND xã Xuân Hoá, kỷ luật về mặt Nhà nước đối với ông Chủ tịch xã bằng hình thức cảnh cáo.

Trước đây, cũng tại Quảng Bình, nhiều cán bộ xã Hoàn Trạch (huyện Bố Trạch) đã bị kỷ luật, cách chức sau khi đưa nhiều người thân quen, họ hàng vào danh sách hộ nghèo và hợp thức hóa đất công thành tài sản cá nhân, trong đó, ông Chủ tịch xã mất chức vì để vợ, con đi "lạc" vào hộ nghèo!

Ở xứ Thanh cũng từng có chuyện nực cười, 12 con dê cấp cho hộ nghèo, giúp bà con huyện miền núi giảm nghèo nhanh và bền vững, không biết tại sao lại được chở thẳng vào trang trại nhà ông Bí thư huyện… Tưởng chỉ "dê lạc", "vợ lạc", giờ, cả đường cũng lạc!

Hơn trăm mét đường bằng tiền Nhà nước, 12 con dê giảm nghèo hay những tiêu chuẩn của các gia đình đáng được nhận hỗ trợ, thật ra giá trị vật chất không lớn.

Nhưng, các vị lãnh đạo các địa phương này đã tự đánh mất danh dự, uy tín của chính mình. Sai, đương nhiên phải chịu hình phạt thích đáng, tuy nhiên, xà xẻo của dân, vơ vào túi mình, có lẽ các quan địa phương này khó mà ngẩng mặt với thiên hạ. Không biết còn nơi nào có chuyện tương tự như vậy mà vẫn chưa bị phát hiện?

img