img

Chữa căn bệnh “sợ lên non” của giáo viên vùng khó

Cẩm Mịch

Tình trạng thiếu giáo viên nhưng không được tuyển dụng hoặc không có nguồn tuyển vẫn đang là vấn đề nổi cộm tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt đối với những vùng khó. Ngành giáo dục vẫn đang trăn trở, xoay xở tìm lời giải cho bài toán khó này.

Giáo viên sợ lên vùng khó là có cơ sở

Theo báo cáo của bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), hiện nay cả nước đang thiếu trên 71.000 giáo viên mầm non, phổ thông, trong đó giáo dục mầm non thiếu nhiều nhất là hơn 45.000, tiểu học thiếu hơn 12.000. Tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương thường xảy ra ở những khu vực đô thị đông dân cư, có nhiều khu công nghiệp mới, miền núi, vùng kinh tế - xã hội khó khăn.

Trong khi một số địa phương chưa được phê duyệt bổ sung biên chế giáo viên, thì tại nhiều địa phương, dù có chỉ tiêu biên chế nhưng lại không có giáo viên để tuyển dụng, với lý do là tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng cao hơn so với trình độ của giáo viên đang dạy hợp đồng tại địa bàn.

img

Theo luật Giáo dục 2019, giáo viên mầm non phải đạt trình độ từ cao đẳng trở lên và giáo viên tiểu học là trình độ đại học. Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên nhưng không có nguồn tuyển, một số chuyên gia kiến nghị các cơ quan liên quan xem xét hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng và gia hạn cho các giáo viên này tiếp tục học tập để nâng chuẩn.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thiếu nguồn tuyển giáo viên ở một số địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng khó khăn hiện nay còn xuất phát từ nguyên nhân chính sách đãi ngộ chưa phù hợp. Ngoài vấn đề lương, điều kiện dạy và học thiếu thốn ở các vùng khó khăn cũng khiến nhiều sinh viên sư phạm e ngại khi đăng ký thi tuyển biên chế.

img

Theo chính những giáo viên “cắm bản”, ngày càng không có nhiều đồng nghiệp mặn mà với vùng khó, bởi rất nhiều nguyên nhân. Thầy Ksor Y Giêng - giáo viên trường tiểu học & THCS Ea Lâm (huyện Sông Hinh, Phú Yên) - bộc bạch: “Theo tôi, mặc dù Nhà nước đã có chính sách thu hút giáo viên về vùng khó khăn, nhưng những điều này chỉ mang tính chất nhất thời, mỗi giáo viên chỉ được hưởng trong 60 tháng thôi. Trên thực tế, điều những giáo viên lên vùng khó cần nhất lại không chỉ nằm ở những con số nhất thời đó, nên giáo viên mới hiện nay rất ngại lên vùng khó khăn.

Tôi cảm nhận, ở những nơi khó khăn đó, bây giờ, thách thức lớn nhất không phải vấn đề khó khăn về kinh tế của người dân nơi công tác mà là cái khổ “trăm sự nhờ thầy cô”, học sinh chỉ có thầy cô lo dạy dỗ, bố mẹ hầu như không quan tâm... Đó là sự “cô đơn” của người thầy trong việc giáo dục một đứa trẻ, làm giáo dục mà “cô đơn” như vậy thì rất khó để rèn giũa. Chính vì thế, các thầy cô sợ lên vùng khó khăn là hoàn toàn có cơ sở!”.

Cô giáo Lò Thị Tuyết - giáo viên mầm non vùng khó tại Điện Biên - cũng chia sẻ: “Cái khó về cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế - xã hội thì ở lâu cũng có thể quen dần, nhưng gian khổ nhất đối với giáo viên ở đây, chính là rào cản ngôn ngữ. Tôi còn nhớ, những ngày đầu mới về bản nhận lớp, cả điểm trường chỉ có một lớp học ghép cho tất cả trẻ em 3 - 5 tuổi. Một giáo viên với 37 học sinh ở các độ tuổi khác nhau, lại chưa biết giao tiếp bằng tiếng phổ thông khiến giờ học khó đạt hiệu quả”.

Dạy khối tiểu học tại cùng điểm trường với cô Tuyết, thầy giáo Lò Văn Nam bộc bạch: “Tôi chủ nhiệm lớp 1+2, trong lớp chia 2 bảng để dạy chương trình riêng. Tuy nhiên, với 100% học sinh là con em dân tộc Cống tại đây, ở nhà, các con chỉ giao tiếp với bố mẹ bằng tiếng mẹ đẻ nên để dạy cho các con nói được tiếng phổ thông là đã thành công lớn. Ở một số huyện, các giáo viên đôi khi còn phải mang cả kẹo đến dỗ, học sinh mới chịu đi học...”.

Gieo đam mê cho giáo viên lên vùng khó

img

Chia sẻ về những khó khăn của giáo viên, bà Võ Thị Phượng - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk) - cho biết: “Hiện nay, toàn tỉnh thiếu khoảng 1.000 giáo viên bậc mầm non, đặc biệt ở vùng khó. Tình trạng thiếu giáo viên nhưng không được bổ sung kịp thời đã tạo áp lực lớn cho đội ngũ giáo viên hiện có trong việc chăm sóc giáo dục trẻ.

Giáo viên trẻ ở vùng thuận lợi được luân chuyển, điều động vào vùng khó cũng gặp phải rất nhiều khó khăn nên không yên tâm công tác, có cơ hội là lại xin ra.

Chẳng hạn, không có nhà công vụ, khi được điều động vào, giáo viên phải ở lại trường, điểm trường, cả tuần mới về nhà một lần. Một số điểm trường lẻ còn chưa đảm bảo điện, nước, đường sá đi lại rất khó khăn... Bên cạnh đó, lương cũng không đáp ứng yêu cầu. Những yếu tố đó phần nào tác động, gây trở ngại đến việc thu hút giáo viên về vùng khó”.

“Nếu giảm tiêu chí, tiêu chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học thì cũng chỉ thu hút được một phần rất nhỏ giáo viên về vùng khó. Điều quan trọng là phải có chế độ đãi ngộ tương xứng, tạo điều kiện nhà công vụ, sinh hoạt, di chuyển,... để yên tâm công tác. Nếu không, một số giáo viên dễ nản và không muốn gắn bó.

Chỉ tiêu biên chế cũng hạn chế, cần bổ sung thêm chỉ tiêu, đặc biệt ở vùng khó, tăng tỉ lệ giáo viên/lớp theo quy định, còn ở vùng thuận lợi cần có cơ chế xã hội hóa phù hợp. Tại một số huyện, thiếu giáo viên, nhưng không có chỉ tiêu, không đủ quỹ lương chi trả,... nhiều bất cập nên không thể tuyển được giáo viên” - bà Phượng phân tích thêm.

Trao đổi với PV Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL), ông Thái Văn Thành - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An - cũng chia sẻ: “Miền núi thiếu giáo viên do vùng sâu, vùng xa có nhiều điểm trường, học sinh mầm non và tiểu học không thể di chuyển xa. Cái khó của học sinh vùng khó là ngay cả việc vận động được học sinh đi học đã là vất vả đối với giáo viên. Địa phương đã và đang tăng cường chuẩn hóa, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi mở thêm trường tư thục, đồng thời, có chính sách động viên, khích lệ, thu hút giáo viên lên miền núi.

img

Quan trọng nhất là tạo đam mê, lòng yêu nghề cho giáo viên, tận tâm và dành tất cả tình yêu cho trẻ em miền núi, gắn bó với học trò, không nỡ rời xa miền núi để về miền xuôi. Khi đó, giáo viên có niềm vui trong công việc, có động lực để gắn bó. Quan tâm bồi dưỡng đội ngũ miền núi khác với giáo viên miền xuôi, có những chuyên đề riêng, trước hết là nâng cao trình độ, thứ hai là có những phương pháp giáo dục phù hợp với đặc trưng học sinh dân tộc thiểu số. Bên cạnh những quan tâm về cơ sở vật chất, về điều kiện, Nhà nước cũng cần có những chính sách động viên tinh thần, khen thưởng kịp thời”.

“Cuối cùng, phải xây dựng mô hình miền xuôi hỗ trợ miền núi, đưa giáo viên cốt cán ở miền xuôi lên miền ngược, phối hợp với tổ chuyên môn của trường, “kết nghĩa” và hỗ trợ thường xuyên, để giáo viên miền núi cảm thấy ấm lòng. Mặt khác, nhờ những buổi như vậy, giáo viên miền xuôi thấy được sự hy sinh, vất vả của giáo viên miền núi, từ đó có trách nhiệm lớn hơn, suy nghĩ về vai trò, trách nhiệm của mình và cống hiến, hỗ trợ nhiều hơn cho giáo viên miền núi.

Sau 5 - 10 năm, địa phương cũng tính đến chế độ đãi ngộ, luân chuyển về vùng thuận lợi, còn những giáo viên có nguyện vọng tiếp tục cống hiến thì động viên và khuyến khích” - ông nhấn mạnh.

“Địa phương hóa” giáo viên vùng khó

Theo GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, tăng cường “địa phương hóa” giáo viên vùng khó có thể trở thành giải pháp đắc lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.

PV: Thưa Giáo sư, thực trạng thiếu giáo viên tại các địa phương, đặc biệt tại vùng khó, hiện nay đang là vấn đề “nóng”. Thực trạng trên có thể xuất phát từ những nguyên nhân nào?

GS.TS Phạm Tất Dong: Trước hết, xưa nay, chúng ta đang “đứng ở bên ngoài nhìn vào trong”, chúng ta chưa từng làm nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu tâm tư và nguyện vọng của giáo viên miền núi, xem các thầy cô thực sự đang thiếu gì và cần gì. Trước khi đưa ra một chính sách, cũng cần có nghiên cứu, nếu không, sẽ lại đưa ra những chính sách không cần thiết.

Trên thực tế, giáo viên miền núi gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, đời sống khó khăn, bất đồng ngôn ngữ trong giao tiếp, truyền đạt kiến thức và nhất là phải sống xa nhà... Đặc biệt, chúng ta không thể để những cô giáo trẻ “cắm bản” dành hết thanh xuân trên bản heo hút, không phải cô giáo nào cũng có thể nên duyên tại đây...

img

PV: Ông có đề xuất giải pháp nào để khuyến khích và thu hút giáo viên vùng khó?

GS.TS Phạm Tất Dong: Chính vì vậy, theo tôi, phương án hữu hiệu nhất chính là thực hiện “địa phương hóa” giáo viên vùng khó. Cụ thể, tăng cường tổ chức các lớp sư phạm ngay tại địa phương, đào tạo giáo viên “cắm” ngay tại “chốt”. Làm ở dưới xuôi được thì cũng có thể làm được ở trên bản Mông. Giáo viên là người bản địa sẽ hiểu rõ hơn về học sinh, phụ huynh và đặc biệt, không vấp phải trở ngại bất đồng ngôn ngữ.

Một số lãnh đạo ngành giáo dục thường nói, miền núi chỉ là môi trường thực tập cho giáo viên miền xuôi mới ra trường, sau khi hết 3-5 năm, đội ngũ này lại xin về miền xuôi, nếu cứ như vậy thì trên bản mãi mãi không không có giáo viên giỏi, kỳ cựu... Mà những giáo viên lâu năm thường có nhiều kinh nghiệm hơn.

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu và lắng nghe xem giáo viên vùng khó thực sự cần gì? Và đưa ra những chính sách thật rõ ràng, có chế độ đãi ngộ tương xứng với khả năng và tâm huyết để giáo viên yên tâm cống hiến.

PV: Một số chuyên gia gợi ý về việc, có nên giảm tiêu chí, tiêu chuẩn đối với giáo viên mầm non và tiểu học tại vùng khó. Xin ông cho biết quan điểm về gợi ý này.

GS.TS Phạm Tất Dong: Về nguyên tắc, xét về lâu dài, giáo viên ở tất cả các cấp bậc sẽ phải hướng đến chuẩn chung là bậc đào tạo đại học. Tuy nhiên, trong những năm tới, đối với giáo viên tại vùng khó, vẫn có thể có sự ưu tiên, giáo viên tại vùng khó hiện này chỉ cần được đào tạo sơ cấp mà sẵn sàng giảng dạy và tâm huyết đáng quý rồi.

Trên miền núi, giáo viên đôi khi không phải chỉ có nhiệm vụ dạy học trong nhà trường, mà còn nhiều nhiệm vụ dân vận khác, rất khó khăn, vất vả. Nhiều giáo viên được đào tạo trình độ đại học chưa chắc đã dạy hay, tâm huyết và gắn bó bằng những giáo viên được đào tạo trình độ trung cấp. Chính vì vậy, cũng cần có những quy định “mở” cho giáo viên.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

Đề xuất quy định mở cho giáo viên vùng khó

Ông trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - đề xuất: “Vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi có thể thi vào mầm non với trình độ trung cấp; còn tiểu học có thể là trình độ cao đẳng. Quảng Nam có đến 9 huyện là miền núi trên tổng số 18 huyện, thị xã, thành phố. Cho nên cũng phải có quy định mở riêng đối với giáo dục ở miền núi. Hiện nay, Quảng Nam đã đang và sẽ tổ chức thi tuyển giáo viên nhưng số đăng ký vào thấp hơn so với chỉ tiêu còn thiếu, nhất là mầm non và tiểu học”.

Hỗ trợ sinh hoạt phí đính kèm phân công về vùng khó

“Để “né” được tình trạng thu hút người tài vào sư phạm rồi lại “lãng phí” nhân lực đầu ra, thì cần “siết” thêm những quy định. Chẳng hạn, khi Nhà nước đã hỗ trợ về tài chính (Chính phủ vừa ban hành Nghị định 116/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm – PV) thì cũng cần cam kết luôn đầu ra cho sinh viên. Trong điều kiện hiện tại, chúng ta cũng có thể linh động, một sinh viên sư phạm sau khi ra trường, sẽ có thời hạn 2 năm để tự liên hệ, xin việc ở những môi trường mà bản thân mong muốn. Sau đó, nếu vẫn thất nghiệp thì Nhà nước có quyền điều động về bất cứ môi trường nào. Đây cũng sẽ là một trong những giải pháp để gỡ “nút thắt” thiếu giáo viên vùng khó” ThS. Nguyễn Đức Linh - Giảng viên trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương - gợi ý.

C.M

img