Nép mình vào góc con hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM), quán trà nhỏ mang tên Zen Tea mời gọi thực khách bằng tiếng chuông gió vang vang cùng hương trà thơm ngát. Không náo nhiệt như những quán trà, tiệm cà phê nổi tiếng, nơi đây có một lượng khách quen đặc biệt. Họ là những thực khách đang tìm kiếm không gian riêng để sống chậm lại, chiêm nghiệm giá trị bản thân, giá trị cuộc sống.
Họ gọi quán trà đặc biệt này là ngôi nhà chung. Bởi, khi bước chân vào quán, khách như bước vào chính ngôi nhà của mình. Khách tự chọn thức uống, tự phục vụ và không cần trả tiền, các loại trà tại quán cũng không có giá. Người có lòng, muốn đóng góp để duy trì sự hoạt động của quán có thể gửi tiền tùy tâm vào thùng đóng góp tùy tâm bằng gỗ được đặt trước cửa quán.
Quán trà nhỏ nép mình bên mảng xanh dịu mát được giới trẻ lựa chọn để sống chậm, chiêm nghiệm cuộc đời.
Anh Phạm Hoàng Sơn (30 tuổi, người đồng sáng lập quán trà) cho biết, quán trà theo đuổi giá trị của tình yêu thương và lòng vị tha. Do đó, khách đến quán đều được các thành viên tại đây đối đãi như người thân trong gia đình.“Chúng tôi mong muốn khách đến quán như đến với ngôi nhà của mình. Từ lúc lên ý tưởng cho đến lúc đi vào hoạt động, quán luôn thống nhất tôn chỉ trở thành ngôi nhà chung của mọi người. Các bạn trẻ có thể đến thưởng trà, thậm chí ở lại quán, cùng vượt qua những nỗi buồn trong cuộc sống”, anh Sơn cho hay.
Anh cũng cho biết, quán trà là một dự án vì cộng đồng. Quán ra đời từ sự đóng góp công sức, hiện vật, tiền bạc của bạn bè anh và các mạnh thường quân. Do đó, anh và những người sáng lập luôn muốn quán là của cộng đồng. Anh nói: “Ngay từ ban đầu, khi thành lập quán, chúng tôi đã xác định là sẽ cho đi nhiều hơn nhận lại. Do đó, quán không hướng đến mục tiêu kinh doanh. Khách đến thưởng trà không phải trả tiền và không có người phục vụ. Quán muốn cho những người đến đây cảm thấy, quán là nhà, người ở đây là anh em của mình. Đến đây, khách không phải đến để mua bán mà chỉ đóng góp cho ngôi nhà chung của mình”.
Anh Sơn, người đồng sáng lập quán trà cho hay, anh luôn muốn quán trở thành mái nhà chung cho mọi người.
Thế nhưng, để theo đuổi mục đích ấy thật không dễ dàng. Anh Sơn kể, 6 tháng đầu, mô hình quá mới, hầu như không ai biết. Quán chỉ là nơi sống chậm của các thành viên, người yêu trà, muốn tìm không gia yên tĩnh. Sau đó, khi quán giúp được nhiều bạn trẻ vượt qua những hoang mang, áp lực cuộc sống, nơi đây được biết đến nhiều hơn, có nhiều người đồng hành hơn.
Song, lúc này, quán lại xuất hiện nhiều thị phi. Bởi, nhiều người chưa hiểu mục đích của quán nên buông lời gièm pha, cho rằng quán kinh doanh trá hình. Thậm chí, có người thấy quán miễn phí nên đến đây với tâm thế lợi dụng, phá đám… “Tuy nhiên, quán vẫn giữ vững tinh thần và không oán trách bất cứ ai. Sau này, khi hiểu giá trị thực sự quán muốn hướng đến, những người này không còn dị nghị, đả phá mà quay lại ủng hộ quán hết mình”, anh nói thêm.
Quán nhỏ nên phù hợp với những người thích yên tĩnh, tránh sự náo nhiệt của cuộc sống xô bồ.
Anh Sơn cho biết, cách đây 3 năm, anh đã có ý tưởng thành lập quán trà trả tiền tùy tâm. Đó là thời điểm anh gặp nhiều sóng gió trong cuộc đời. “Trước khi thành lập quán, tôi là người thành đạt. Ở tuổi khá trẻ, tôi đã có nhà, xe hơi ở TP.HCM. Công việc thu nhập cao, ổn định khiến tôi không cần phải suy nghĩ mỗi khi dùng tiền. Thế nhưng, tôi lại chưa có một lần được ngủ ngon vì lúc nào cũng phải căng óc ra để suy nghĩ, kiếm tiền. Thế rồi nhiều biến cố ập đến, tôi bị tai nạn giao thông, chuyện tình cảm đổ vỡ… Tôi ngồi nhìn lại và tự hỏi, công việc, cuộc sống của mình có khiến mình hạnh phúc không, đáng sống không”, anh Sơn kể.
Cuối cùng, sau nhiều đắn đo, anh chọn cách buông bỏ tất cả. Anh xin nghỉ việc đem lại cho anh tiền bạc, quyền lực, bạn bè. Anh chia sẻ: “Từ chỗ có tất cả trở về tay trắng khiến tôi như rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Ngày trước, tôi dùng tiền không cần suy nghĩ, bây giờ rơi vào cảnh đi siêu thị phải cân đo đong đếm, tính toán mua cái gì được nhiều nhưng tốn ít tiền nhất. Có hôm, tôi phải ăn mì gói rồi khóc một mình. Lúc đó, tôi có nhà ở thành phố mà cứ như người vô gia cư vì không dám về. May mắn có một người chị cho ở nhà thuê”.
Để duy trì sự hoạt động của quán, khách đến thưởng trà có thể đóng góp tùy tâm vào thùng gỗ được đặt trước cửa ra vào.
Thế nhưng, các biến cố ấy lại cho anh rằng, các mối quan hệ trước đó anh có được đều dựa trên tiền bạc, giàu sang, uy quyền chỉ là phù du. Trong tuyệt vọng, anh quyết định sống chậm lại để tìm ra giá trị bản thân, giá trị cuộc sống. Cuối cùng, khi nhận ra chỉ có tình yêu thương, lòng vị tha là còn mãi, anh quyết định thành lập quán trà trả tiền tùy tâm để lan tỏa giá trị trên. Anh lý giải: “Tôi thấy giới trẻ, đặc biệt là từ 25-30 tuổi đang rất hoang mang trong cuộc sống. Độ tuổi này, các bạn bắt đầu đi làm và thấy cuộc đời có những cái quá khác so với cái được học trên ghế nhà trường. Thông thường, lúc này, các bạn sẽ cảm thấy hoang mang rồi bị đời sống vật chất cuốn đi, biến mình thành con rô bốt”.
“Do đó, tôi muốn quán trở thành không gian để các bạn sống chậm lại, quay lại bên trong để hiểu bản thân mình, hiểu đâu là chân giá trị. Khi hiểu được như vậy và quay ra cuộc đời bằng chính con người thực, cống hiến bằng chân giá trị của mình, các bạn sẽ tự tin hơn. Thế nên, gọi là quán trà, nhưng trà chỉ là cái cớ để mọi người đến quán ngồi lại với nhau, chia sẻ những giá trị cuộc sống”, anh phân tích thêm. Anh Sơn khẳng định, khi quán đi vào hoạt động, anh và các thành viên đã phát hiện, giúp nhiều bạn trẻ vượt qua những hoang mang đầu đời.
Thức uống tại đây hầu hết là các loại trà lá, trà thảo dược. Đến quán, khách có thể tự tìm cho mình chỗ ngồi phù hợp cũng như các loại trà cụ yêu thích.
H.N