Hơn 90 tuổi, cụ ông Nguyễn Thanh Xuân (SN 1931), trú tại xóm Liên Sơn 1, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Thấy có người đến chơi, ông từ từ bước trong nhà ra tiếp đón. Khi biết mục đích của những vị khách, ông trầm ngâm hồi lâu, không phải vì đã quên mà bởi vì là ký ức quá đặc biệt.
Dù đã hơn 90 tuổi nhưng cụ ông Nguyễn Thanh Xuân vẫn đang rất khỏe mạnh và minh mẫn.
Đó là cuối tháng 8/1969, ông và một đồng nghiệp nữa của phòng tư liệu, xưởng phim Quân đội 4 được Tổng cục Chính trị điều đi làm nhiệm vụ đặc biệt. “Thời điểm chiến tranh, việc điều động đột xuất không lạ. Nhưng nhiệm vụ mà ngay cả ban lãnh đạo cũng bị giấu kín thì chúng tôi không tránh khỏi lo lắng”, ông Xuân kể.
Hành trang ông mang theo là hai chiếc máy quay hiện đại nhất thời bấy giờ, gồm một chiếc Con-vat của Liên Xô và một chiếc máy quay HP của Trung Quốc. Xe chở ông tới Phủ Chủ tịch. Một cảm giác hồi hộp xen lẫn lo lắng đan xen trong người chiến sĩ.
Mấy ngày đầu, thấy người đi ra đi vào nhiều, các ông đã hoài cảm có điều xấu nhưng chưa biết là gì. Cho đến một hôm, thư ký của Bác Hồ là đồng chí Vũ Kỳ vào tận nơi rồi nói sức khỏe của Bác Hồ không ổn định và Bộ Chính trị yêu cầu tổ làm phim Quân đội sẽ ghi lại những hình ảnh cuối cùng của Người.
“Nhận được thông tin này, chúng tôi đều rất lo lắng. Tuy nhiên sau đó nghe tin Bác Hồ sẽ xuất hiện trước toàn dân trong ngày Quốc khánh 2/9 nên ai cũng thở phào. Gần một ngày sống trong thấp thỏm, đến ngày 30/8, chúng tôi được lệnh vào nhà sàn vì “sức khỏe Bác tốt hơn”. Ngày đầu tiên, cả hai tác nghiệp nhưng không được vào sát giường của Bác nên chỉ quay ở vòng ngoài”, ông Xuân kể.
Ông không nghĩ rằng những thước phim mình quay là tư liệu cuối cùng về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến ngày 1/9/1969, nhiệm vụ vẫn được thực hiện nghiêm túc, ai cũng nghĩ Bác sẽ khỏe hơn. Một chiếc ghế đặc biệt cũng đã được chuẩn bị cho Bác trong ngày 2/9. Thế nhưng, tình hình xấu đi đúng vào ngày 2/9. Vào sáng hôm đó, Bác trút hơi thở cuối cùng.
“Lúc đó ai cũng khóc, tôi cũng khóc. Nhưng vì nhiệm vụ nên tôi cố gắng ghi lại hình ảnh thiêng liêng này. Thế mà cứ đưa máy lên là nước mắt giàn giụa, ướt nhòa cả thước ngắm máy quay. Khi đó, tôi cứ mở ống kính ở độ rộng nhất và cứ thế mà quay bằng cảm tính. Tôi cũng không biết là quay chuẩn không nữa, nhưng khi đó vì quá đau xót nên cứ làm trong vô thức”, ông Xuân nhớ lại.
Đến trưa, khi xe cứu thương chở thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh về Viện Quân y 108, ông Xuân lại được phân công ghi lại hình ảnh các chuyên gia Liên Xô tìm cách bảo vệ thi hài. Sau khi quay xong gần 5.000 mét phim nhựa lịch sử về những giây phút cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông giao toàn bộ hình ảnh cho Xưởng phim quân đội để quản lý và bảo mật.
Những tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được ông Xuân cất giữ cẩn thận.
Sau này, nghĩ về hoàn cảnh đặc biệt đó, cụ ông Nguyễn Thanh Xuân cảm giác lo sợ khi chất lượng của những thước phim không đạt được như ý muốn. Tuy nhiên, vì mục đích ban đầu là quay phim “tư liệu” nên toàn bộ phim quay trong những ngày cuối cùng của Bác và trong lễ tang đều được thu lại, giấu kín.
“May mắn là sau 20 năm, những thước phim ấy đã được đưa ra sử dụng. Bộ phim “Những giây phút cuối đời Bác Hồ” do đạo diễn Phạm Quốc Vinh, xưởng phim Quân đội thực hiện, dựa trên những thước phim mà chúng tôi đã quay. Hôm công chiếu, tôi cũng được Trung ương và xưởng phim mời ra Hà Nội để xem lại những hình ảnh cũ”, cụ Xuân kể.
Ngồi trong khán phòng, nhìn những hình ảnh thân thương về Bác, nhìn lại nếp nhà sàn cũ, nhìn lại đôi dép cao su, chiếc ba toong, nhìn những người đồng đội, đồng chí và nhìn những dòng người đứng lặng trong suốt quãng đường dài từ Nhà hát lớn đến ngã 3 Tràng Tiền khi linh cữu Bác đi qua… ông không cầm được nước mắt.
Nhiều năm trôi qua, ông vẫn luôn ghi nhớ lời dặn dò của Bác Hồ, lấy đó làm tấm gương cho con cháu.
Sau khi nghỉ hưu, cứ đến những ngày kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đều đi một vòng quê nội, ngoại để dâng hương hoa và tưởng niệm đến Người. Cho đến nay, sắp đến dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), khi chân đã mỏi, đầu gối đã đau nhưng ông vẫn luôn ngóng về Người.
“Tôi đặc biệt hơn với các đồng đội là đồng hương với Bác, được mang danh con cháu Bác Hồ thì dù được phân công nhiệm vụ gì, dù khó khăn thế nào cũng phải hoàn thành. Để mai này khi được gặp Bác lần nữa, tôi có thể tự hào báo cáo với Bác về những điều đã làm được, xứng đáng với sự tin yêu của Bác khi còn sống”, cụ Xuân nói.
Rất đông người dân mang hoa đến tưởng nhớ Bác nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Quang Lộc, Chủ tịch UBND xã Kim Liên cho biết, thời điểm này toàn bộ người dân Kim Liên đều đã sẵn sàng chuẩn bị cho ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Đây là một ngày trọng đại của dân tộc, đối với người dân Kim Liên càng ý nghĩa hơn bao giờ hết. Trong những ngày tháng năm lịch sử này, khắp các đường làng ngõ xóm ở quê nội và quê ngoại Bác Hồ, người dân xã Kim Liên không ai bảo ai, tự phân công trách nhiệm cùng nhau sửa sang, trang hoàng nhà cửa treo cờ Tổ quốc, băng rôn để đón mừng Lễ kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông Lộc nói.
A.N