Liên tiếp trong những ngày qua, hình ảnh Nguyễn Hữu Linh (1958, cựu Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng) bị camera trong thang máy ghi lại hình ảnh “nựng” bé gái trong thang máy được người dân lưu lại ở khắp mọi nơi nhằm gây sức ép, buộc đối tượng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều nội dung kêu gọi cần đưa vụ việc ra ánh sáng, tránh chuyện bị “chìm xuồng” tạo tiền lệ xấu.
Ngày 18 – 19/4, hình ảnh những chiếc xe ô tô diễu hành trên đường phố cùng dòng chữ “Thành phố đáng sống phải nhốt sạch ấu dâm”, kèm theo ảnh ông Nguyễn Hữu Linh được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Ngay sau đó, hàng nghìn người trong diễn đàn về ô tô đã bày tỏ quan điểm đồng tình, đồng thời muốn nhân rộng cách làm này để những đối tượng dâm ô, lạm dụng trẻ em phải cúi đầu nhận tội.
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin về sự việc này, luật sư Hà Trọng Đại – Công ty Luật The Light (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng bày tỏ thái độ rất bức xúc về hành vi của ông Linh. Đồng thời, luật sư bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, điều tra, xác minh làm rõ hành vi của ông này, nếu có căn cứ cấu thành tội phạm thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Đặt địa vị vào phần lớn người dân hiện đang rất bất bình về hành vi của cựu Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, luật sư Đại hiểu rằng, người dân vì quá bức xúc, lo ngại vụ việc bị “chìm xuồng” nên “trưng” ảnh ông Linh nhằm mục đích gây sức ép, buộc đối tượng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Song, dưới góc độ pháp lý, luật sư Đại cho biết ở nước ta, Hiến pháp là đạo luật gốc, các bộ luật phải căn cứ vào Hiến pháp để cụ thể hóa. Do vậy, quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền nhân thân là nguyên tắc Hiến định.
Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa đường lối đổi mới của Ðảng ta trong giai đoạn cách mạng tiếp theo nhằm đưa đất nước tiếp tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Do đó, Bộ luật Dân sự 2015 đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền nhân thân là thể chế hóa các quan điểm của Ðảng về quyền con người, quyền công dân...
Ðồng thời, Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã quy định đầy đủ các quyền nhân thân mà Hiến pháp năm 2013, các Ðiều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã quy định thể hiện đầy đủ bản chất Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; cũng phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước ta hiện tại và tương lai trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội,...
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là một trong những quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ và cụ thể hóa tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015.
"Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh, tại khoản 1 quy định:
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý”.
Như vậy, theo Bộ luật Dân sự 2015, việc một cá nhân hay tổ chức bất kỳ sử dụng hình ảnh của người khác cho mục đích nào đó (không phân biệt thương mại hay phi thương mại) mà chưa được phép của người có quyền cá nhân đối với hình ảnh đó thì được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Hiện vụ việc Ông Linh cũng chưa có kết luận điều tra và chưa bị Toà án tuyên là có tội thì ông Linh vẫn có đầy đủ các quyền của một công dân cũng như có quyền về hình ảnh của mình.
Chiếu theo quy định của bộ luật hình sự, nếu ông Linh không bị khởi tố và có đơn đề nghị hoặc khởi hiện vụ án dân sự yêu cầu bồi thường danh dự, nhân phẩm thì rất có thể những người đăng tải, cắt ghép hình ảnh cá nhân của Ông Linh sẽ bị điều tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật và phải bồi thường theo quy định.
“Tuy nhiên với áp lực như hiện nay, Ông Linh rất khó để thực hiện các quyền này. Ở khía cạnh pháp luật, người dân cũng không nên vì quá bức xúc mà có những hành động thái quá, tránh những hậu quả không mong muốn có thể xảy ra”, luật sư Đại nói thêm.