img

Chuyện lạ đời ở xứ Thanh: Huyện yêu cầu “phong tỏa” tài khoản khiến cán bộ xã 2 tháng đi làm không lương

Xuân Chinh

Huyện cho xã tạm ứng ngân sách để hoàn trả tiền cho người dân nhằm khắc phục sai phạm của nhiều cán bộ địa phương này xảy trong trong quá khứ để “yên dân”. Tuy nhiên, đến hẹn không hoàn trả theo cam kết, chủ tịch UBND huyện ở Thanh Hóa đã ký văn bản yêu cầu kho bạc “phong tỏa” không cho xã rút tiền ngân sách, khiến cán bộ, công chức … xã 60 ngày làm việc không lương, phụ cấp. Đây là câu chuyện “vô tiền khoáng hậu”, lần đầu tiên xảy ra tại địa phương này, khiến những người trong cuộc đang “đau đầu”, chưa tìm ra cách giải quyết thỏa đáng, triệt để.

Chuyện “vô tiền khoáng hậu” ở xứ Thanh.

Kết luận giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa đối với các công dân xã Thiệu Công và kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thiệu Hóa xác định, một số cán bộ xã Thiệu Công giai đoạn 1997 - 2006 đã thu tiền trái quy định để “hợp thức hóa” cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 79 hộ dân trên địa bàn, tổng số tiền gần 120 triệu đồng.

Năm 2018, sau khi nhận, thụ lý khiếu nại của bà Nguyễn Thị Vịnh và một số công dân xã Thiệu Công, ông Trịnh Văn Súy - Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa đã ban hành quyết định khiếu nại, trong đó xác định việc các ông Trịnh Văn Minh (kế toán ngân sách xã từ 1994 – 2006), ông Nguyễn Văn Hồng (cán bộ chính sách xã từ năm 1987 – 2001), Lê Văn Nghệ (thủ quỹ ngân sách xã từ năm 1989 – 2014) và ông Tạ Quốc Hương (cán bộ ủy nhiệm thu UBND xã Thiệu Công từ năm 1994 – nay) đã thu trái quy định số tiền 1,7 triệu/hộ để hợp thức hóa đất đai của 34 hộ dân trên địa bàn, với tổng số tiền là gần 50 triệu đồng. Yêu cầu, nhưng người này phải hoàn trả lại số tiền trên cho UBND xã Thiệu Công (theo lãi suất ngân hàng), để xã hoàn trả lại cho người dân.

Quá trình giải quyết khiếu nại, xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm, ngày 28/8/2018, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa đã có văn bản chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Thiệu Hóa để điều tra theo thẩm quyền.

Quá trình điều tra, CQĐT phát hiện, giai đoạn từ 1997 - 2006, ngoài số tiền đã nêu trong quyết định giải quyết khiếu nại, những cán bộ trên còn thu tiền trái quy định của 45 hộ dân khác trên địa bàn, với tổng số tiền gần 70 triệu đồng. Kết luận điều tra xác định, hành vi thu tiền của những cán bộ xã Thiệu Công giai đoạn trên đã có đầy đủ yếu tố cấu thành tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, các hành vi phạm tội của những cán bộ trên đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (10 năm). CQĐT quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với sai phạm của các cán bộ UBND xã Thiệu Công giai đoạn 1997 – 2006, nhưng cung cấp thông tin tài liệu cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết vụ việc, khắc phục hậu quả.

Cho rằng quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện và kết luận điều tra của CQĐT Công an huyện Thiệu Hóa không thỏa đáng, các công dân xã Thiệu Công vẫn tiếp tục khiếu kiện lên cấp trên.

Ngày 28/12/2018, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh ông Nguyễn Đình Xứng tại buổi tiếp, đối thoại với bà Vịnh và các công dân xã Thiệu Công. Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa thống nhất giải quyết theo hướng hoàn trả lại tiền cho các hộ dân phải tính theo lãi suất tiền vay do ngân hàng công bố.

Văn bản của Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cũng tính đến phương án “tạm ứng tiền” khi xã chưa thu được tiền sai phạm từ cán bộ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Do không đòi được tiền thu trái quy định của những cán bộ trên (đã nghỉ hưu), khiến UBND xã Thiệu Công đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan.

img

Ảnh: Ông Trịnh Duy Sở - Chủ tịch UBND xã Thiệu Công trao đổi với PV.

Huyện “phong tỏa” tài khoản của xã có trái luật?

Ngày 5/1/2019, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa đã có quyết định cho UBND xã Thiệu Công tạm ứng 3,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng để chi trả bồi thường cho 79 hộ dân xã Thiệu Công (bao gồm cả tiền gốc và lãi). Lãnh đạo Đảng ủy, HĐND và UBND xã Thiệu Công có văn bản cam kết, sẽ hoàn trả lại số tiền đã tạm ứng cho ngân sách huyện trước ngày 30/6/2019.

Nhận được tiền do cán bộ xã Thiệu Công thu trái quy định để hợp thức hóa đất đai, người dân địa phương này cũng chấm dứt khiếu kiện. Tuy nhiên, từ đây một sự việc “bi hài” xảy ra, nó chưa từng có trong tiền lệ trong lịch sử quản lý Nhà nước, điều hành công việc giữa cấp huyện – xã tại tỉnh Thanh Hóa.

Cam kết là vậy, nhưng do không thu được tiền của những người mắc sai phạm (họ đã nghỉ hưu, thậm chỉ có người đã gần đất xa trời” nên UBND Thiệu Công đánh “thất hứa” với huyện, không có tiền để trả lại số tiền đã vay.

Bị “phong tỏa” ngân sách, không rút được tiền, hàng chục cán bộ, công chức, cán bộ bán chuyên trách xã, thôn, xóm của xã Thiệu Công từ tháng 3 – 4/2020 không nhận được lương, phụ cấp. Việc này khiến cuộc sống gia đình họ gặp nhiều khó khăn, đảo lộn, thậm chí nhiều người hoang mang, lo lắng.

Là người đứng đầu chính quyền xã Thiệu Công, ông Trịnh Duy Sở - Chủ tịch UBND xã đã phải trực tiếp gặp gỡ, làm công tác tâm lý, động viện cán bộ, công chức xã, nhất là cán bộ bán chuyên trách cấp thôn xóm để họ tiếp tục “gánh vác trách nhiệm” khi nhiều tháng không lương, không phụ cấp.

Ông Trịnh Duy Sở – Chủ tịch UBND xã Thiệu Công cho biết thêm, việc sai phạm của những cán bộ xã Thiệu Công là do lịch sử để lại, nó xảy ra khi ông Sở chưa làm lãnh đạo địa phương. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh và huyện, lãnh đạo xã đương nhiệm đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi số tiền từ các cá nhân sai phạm (bao gồm cả lãi tính theo ngân hàng” nhưng không có kết quả. Vì vậy, UBND xã Thiệu Công cũng không biết lấy đâu ra tiền mà hoàn trả cho ngân sách huyện.

“Nếu biết sự việc như thế này lúc đó chúng tôi cũng không xin huyện ứng tiền để trả cho dân. Nếu có bị kỷ luật người đứng đầu vì việc này tôi cũng xin chịu. Tòa án Nhân dân huyện Thiệu Hóa và Toàn án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đều không thụ lý, giải quyết vì cho rằng đây không phải là vụ án dân sự. Anh em chúng tôi cũng hết cách rồi” - ông Sở phân trần.

Theo ông Sở, để giải quyết vấn đề tình thế, ngày 27/4, trước tình hình nhiều tháng cán bộ, công chức làm việc không lương, UBND huyện Thiệu Hóa, kho bạc Nhà nước huyện đã nới lỏng “lệnh phong tỏa” cho UBND xã Thiệu Công rút tiền từ ngân sách để chi trả lương, phụ cấp tháng 3 – 4/2020. Nhưng, từ tháng 5 trở đi xã này sẽ phải tiếp tục đối mặt với tình trạng không có tiền trả lương cho cán bộ, công chức.

img

Ảnh: Trụ sở UBND huyện Thiệu Hóa.

Biết sai nhưng vẫn phải làm!

Ông Nguyễn Viết Tiến, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Thiệu Hóa cho biết, thực hiện ý kiến của ông Nguyễn Đình Xứng – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao huyện Thiệu Hóa chỉ đạo xã Thiệu Công thu hồi tiền của các cán bộ sai phạm trả lại cho người dân.

Sau khi lãnh đạo xã đã ký vào tờ trình xin tạm ứng, cam kết trả lại ngân sách huyện, huyện phải xử lý ngay để trả cho dân nên cho tạm ứng. Từ đó, Phòng đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa ký quyết định cho UBND xã Thiệu Công tạm ứng ngân sách.

PV Người Đưa Tin Pháp Luật đặt câu hỏi với Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch và Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa: Việc huyện ban hành văn bản “tạm dừng chi ngân sách xã Thiệu Công” dẫn tới việc cán bộ, công chức UBND xã Thiệu Công trong nhiều tháng không có lương phụ cấp có đúng quy định của luật cán bộ công chức, luật lao động không?

Ông Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Biết là không đúng rồi, làm thì phải trả công. Theo luật lao động và luật công chức là nó sai nhưng phải dùng áp lực”.

Ông Trịnh Văn Súy – Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa thông tin thêm, sự việc này người dân xã Thiệu Công khiếu nại từ lâu. Sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại, xác định có dấu hiệu tội phạm nên huyện đã chuyển hồ sơ cho CQĐT xử lý. Do hết thời hiệu pháp luật, không xử lý được các cán bộ sai phạm về mặt hình sự, huyện quay trở về xử lý theo kết luận giải quyết khiếu nại.

Theo ông Súy, luật quy định hạn chế việc cho tạm ứng ngân sách, nhưng để giải quyết việc cấp bách, sau khi văn phòng UBND tỉnh thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh Than Hóa phải hoàn trả cho nhân dân (kể cả tạm ứng tiền) nên huyện Thiệu Hóa đã cho xã Thiệu Công tạm ứng ngân sách và lãnh đạo xã cũng cam kết sẽ hoàn ứng cho huyện. Lãnh đạo UBND xã Thiệu Công đương nhiệm đang đứng ngoài cuộc, chưa làm hết trách nhiệm việc đòi tiền những cán bộ thu sai giai đoạn 1997 – 2006 để hoàn trả cho dân và sau này là hoàn trả ngân sách.

“Rõ ràng mình làm cái này (phong tỏa tài khoản_ PV) thì vướng luật khác, nó sẽ vướng luật lao động. Nhưng, nó cần tạo áp lực, mình đang thực hiện luật ngân sách, vay thì phải trả, mình không thu hồi thì càng sai” - ông Súy cho biết thêm.

X.C

img