Cả nước đang phải đón một cái Tết thật đặc biệt, cũng không ít người chẳng chút mảy may lo sợ về dịch bệnh, mà chen chân tụ tập…
Nơi mà tôi trông thấy nhiều người tụ tập nhất trong những ngày qua, chính là tại các cơ sở thờ tự, đền, chùa và một số công trình văn hóa tâm linh khác.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu, dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh… Hàng nghìn y bác sĩ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch lại tiếp tục “căng mình” trong cuộc chiến khẩn trương.
Những tưởng, người Việt Nam sẽ đón một cái Tết bình lặng, “ai ở đâu, ở yên đó”, đoàn tụ online, chúc Tết online, thậm chí, du Xuân online,... Nhưng không, ngay từ thời khắc chuyển giao đất trời trong đêm 30, đến những ngày đầu Xuân năm mới, nhiều đền, chùa trở thành “điểm hẹn” đông nghẹt du khách đến lễ bái, cầu may. Có những cá nhân còn không đeo khẩu trang, hoặc đeo khẩu trang nhưng thường xuyên kéo xuống cằm cho… dễ thở - đeo cũng như không.
Giới trẻ đi chùa Hà (Hà Nội) cầu duyên nhân ngày 14/2 (tức mùng 3 Tết).
Nhiều y bác sĩ, nhiều chiến sĩ và các tình nguyện viên đã nhiều ngày, nhiều tháng vẫn chưa được nếm bữa cơm gia đình, nhiều sinh viên, người lao động không được về quê đón Tết đoàn viên,… nhưng có những người vẫn đang tạo ra nhiều mối nguy tiềm ẩn, khiến cả xã hội phải “chạy theo” mà kinh hãi.
Tôi rất lấy làm lạ!
Chẳng lẽ, trước đó, bài học từ đầu tháng 3/2020 tại Hàn Quốc, khi mặc dù Seoul đã có kế hoạch chống dịch rất kỹ càng, chu đáo, nhưng chỉ vì hoạt động hành lễ đông người trong một không gian riêng, kín đáo của nhà thờ đã khiến dịch bùng phát rất nhanh, vẫn chưa đủ thức tỉnh?
Tất cả nghi thức tín ngưỡng thông thường có thể sẽ vô hại trong tình huống bình thường, nhưng khi một người đang mang trong mình mầm bệnh như virus Sars-CoV-2, đó thực sự là điều kiện “lý tưởng” để phát tán virus trong thời gian cực ngắn nhưng gây ảnh hưởng với quy mô cực lớn.
Dẫu biết rằng, đối với người Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh. Dưới góc độ pháp lý, Hiến Pháp 2013 và Luật Tín ngưỡng 2016, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng và Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đó.
Tuy nhiên, trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, mỗi người dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ chính mình và cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm.
Trong bối cảnh này, việc tụ tập đông người dễ trở thành nguồn lây lan dịch bệnh cho nhiều người, mọi nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành và toàn xã hội trước đó, sẽ đều “đổ sông đổ bể”.
Không chỉ lễ chùa, nhiều người còn vô tư tháo bỏ khẩu trang và chụp ảnh.
Dù không muốn nhắc đến những chuyện này với một ánh nhìn tiêu cực, nhưng chúng ta cần thẳng thắn, để lường trước những nguy cơ, không thể chỉ vì một vài phút thỏa mãn niềm đam mê tín ngưỡng của bản thân mà đánh đổi thời gian, công sức, tiền bạc của cả một hệ thống.
Có thể những kẻ ích kỷ ấy “điếc không sợ súng”, không biết sợ virus Sars-CoV-2 bằng việc lỡ hẹn với khói hương nghi ngút, nhưng vẫn cần được nhắc nhở thường xuyên hơn về hai từ “ý thức” và “trách nhiệm xã hội”.
Thà rằng, một năm không đi lễ chùa, còn hơn chen chân đi lễ rồi kéo theo hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người phải đi cách ly (tương tự như vụ việc ở nhà thờ tại Hàn Quốc). Rồi cứ để dịch bệnh có cơ hội nhăm nhe sức khỏe của ngày càng nhiều người hơn, cũng đồng nghĩa với việc, chúng ta dần “thỏa hiệp” với virus, để chúng xâm chiếm ngày càng mạnh mẽ…
Bà ngoại tôi trước nay cũng từng là một người có niềm tin tín ngưỡng rất mạnh mẽ, nhưng đứng trước thông tin về tình hình dịch bệnh, bà cũng phải bỏ lỡ những chuyến du Xuân tại các địa điểm tâm linh, mà không quên nhắc nhở con cháu, hãy ở yên trong nhà, bởi, cốt là phải để tâm hướng thiện, chứ không phải chỉ cần bưng lễ lớn, lễ nhỏ đến chen chân trước cổng chùa, mới được gọi là thành tâm.
An toàn sức khỏe là trên hết!
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả!