Buổi sáng hôm đó (năm 2001), sau khi húp xong tô phở tái “ngọt tận xương” trên đường Tôn Thất Tùng gần tòa soạn (248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM), tôi vào cơ quan với vẻ mặt phè phỡn của một thằng “đầy đủ dinh dưỡng”, chuẩn bị họp giao ban. Vừa bước chân qua cổng tòa soạn, tôi đã gặp ngay ánh mắt liếc “sắc như dao cạo” của anh Đ.T.T, Phó Tổng Biên tập báo Thanh Niên, người được mệnh danh là “sát thủ” trong cơ quan. Linh cảm có điều chẳng lành, tôi lặng lẽ ôm túi xách vượt qua “bãi chông vô hình” đó, lủi vội lên lầu, chuẩn bị họp.
Buổi giao ban chưa bắt đầu, tôi đã biết chuyện gì đang xảy ra: các anh em đồng nghiệp trong ban Chính trị - Xã hội đang chuyền tay nhau đọc, bàn luận rôm rả về vụ án chấn động dư luận vừa mới xảy ra tối hôm trước.
Thì ra, tại vũ trường Metropolis trên đường Nguyễn Cư Trinh (P. Nguyễn Cư Trinh, gần tòa soạn báo Thanh Niên, Q.1, TP.HCM) đã diễn ra một cuộc thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm giang hồ, 1 người chết ngay tại chỗ, vũ khí dùng trong cuộc chiến này không phải là dao, mã tấu như thường lệ, mà là súng –hàng nóng- đúng kiểu Mafia nước ngoài.
Tờ báo Tuổi Trẻ in đậm bài trên trang nhất, với hình chụp sinh động, ngay tại hiện trường… như “đấm một phát kinh hồn” vào mặt tôi. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tối hôm qua, tôi vẫn còn lòng vòng rong chơi ở khu vực Q.1, TP.HCM đến 10 giờ đêm mới về nhà mà? Vụ việc xảy ra ngay sát nách Báo Thanh Niên mà tôi không biết, đúng là một cú tát không thể nào đau hơn đối với phóng viên Hữu Phú, người thường tự cho là mình điều tra “nóng”, điều tra “sống” “cứng cựa” trong làng báo TP.HCM. Lia mắt xuống chỗ đề tên tác giả bài báo, tôi “choáng” thêm một lần nữa: tên tác giả là không phải là H.L, V.H.Q hay L.A.Đ, những phóng viên nội chính “có số má” ở tờ Tuổi Trẻ, mà là… C.M.C, một phóng viên tôi vẫn xem là kẻ “ngoại đạo” vì anh ta ở ban Bạn Đọc hay Nhịp Sống Trẻ gì đó, không phải phóng viên nội chính, nên tôi cho rằng chưa “xứng tầm” đối thủ với tôi. Chẳng lẽ mình “hết thời” như My Tyson, bị một “tay đấm” thuộc loại amateur của Tuổi Trẻ hạ đo ván? Không lý nào, tôi biết tay C.M.C này, tuy ngoài đời anh ta là một võ sư Karatedo (chấp 8 thằng như tôi đánh 1 lúc), nhưng làm phóng viên nội chính thì đâu phải cứ giỏi võ là hay? Phải có đầy đủ các mối quan hệ và hiểu biết, kinh nghiệm trong lĩnh phực rất phức tạp này. Tôi chẳng lạ gì C.M.C, anh ta không phải là một phóng viên trẻ, mới nổi, một “mầm non” bí ẩn nào đó của báo Tuổi Trẻ đang nhú mà tôi chưa kịp để ý. Sao… “đau” thế này?
Mất vài giây định thần, đọc kỹ bài báo thêm một lần nữa, tôi mới hiểu ra: À, lúc vụ việc xảy ra, C.M.C đang ở ngay hiện trường, sẵn tiện tác nghiệp luôn. Như vậy thì không phải lỗi của tôi. Có là thánh mới đoán được, biết được sẽ có một vụ thanh toán như trong phim sẽ diễn ra ngay tại đó, vào giờ đó? Chỉ trừ khi là có tay trong điểm chỉ hoặc chính là người trong cuộc hay là… tình cờ. Vâng, đây là tình cờ, chắc chắn là như vậy! Nhưng, tình cờ hay cố ý gì thì Báo Thanh Niên cũng thua một trận quá đẹp, “ngửa bụng”, và trách nhiệm nằm ở chỗ… tôi. Anh T. “gầm gừ” với tôi là phải.
Vào họp giao ban, không cần nói nhiều, tôi nhận trách nhiệm đi cứu vãn tình thế và chạy ra ngay hiện trường, bỏ luôn cuộc họp khi chưa kết thúc.
Vũ trường Métropolis nằm ngay ngã ba đường Trần Hưng Đạo – Cống Quỳnh (đoạn nối với đường Nguyễn Cư Trinh) đóng cửa im ỉm, cây xăng phía đối diện vắng vẻ, thưa bóng người… Dò hỏi những người dân cư ngụ xung quanh khu vực, ai cũng biết là tối hôm qua có một vụ án kinh thiên động địa xảy ra khiến một người chết ngay tại chỗ. Nhưng, hỏi thêm chút nữa thì… không ai biết gì. Bực mình quá, tôi xông vào công an phường Nguyễn Cư Trinh, tìm trưởng Công an phường hỏi cho rõ ngọn ngành.
Trưởng Công an phường đi vắng (chắc họp án với cấp trên), chỉ còn Phó Công an phường tiếp tôi, những thông tin tôi có thể nhận được tại đây chỉ là những thông tin sơ khởi lúc ban đầu, chẳng hơn gì thông tin trên báo Tuổi Trẻ đã đăng tải. Những băng nhóm nào đã “đụng” nhau một cách khốc liệt như thế? Nguyên do tại sao? Tất cả những thông tin tôi cần biết đó vẫn là một ẩn số, chỉ có thể nằm ở chỗ Nguyễn Mạnh Trung –Phó phòng Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM, phụ trách trọng án. Tôi liền gọi cho Nguyễn Mạnh Trung thì nhận được câu trả lời: “Anh đang họp Phú ơi, bây giờ chưa thể cung cấp thông tin gì được. Lúc khác nhe”. Quái, bình thường tôi và Nguyễn Mạnh Trung cũng khá thân thiết, khi có trọng án xảy ra, dù các phóng viên báo khác chưa có được thông tin nào thì tôi cũng có được đôi phần, đủ để “làm vốn” “đè” các anh em đồng nghiệp. Lần này… sao vậy? Không hiểu!
Thôi kệ, Nguyễn Mạnh Trung không cung cấp thì… “tao” tự tìm hiểu vậy. Từ cái tên, địa chỉ chính xác của nạn nhân duy nhất lấy tại Công an phường, tôi tìm được đến nhà anh ta ở khu vực đường Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM.
Không khó để tôi nhận ra đây chính là “xóm cũ” của Bình “Kiểm” – một tay giang hồ khét tiếng ở Sài Gòn, dám thách thức cả Năm Cam. Có chặt đầu tôi đi thì tôi cũng khẳng định tên giang hồ vừa chết có “dây mơ rễ má” với Bình “Kiểm”. Và, nếu đã có liên quan đến Bình “Kiểm” thì chắc chắn có quan hệ đến Năm Cam. Mà nếu đã quan hệ đến Năm Cam, thì sẽ quan hệ… tùm lum! Phức tạp rồi đây, vụ án này “không phải dạng vừa” đâu, không phải chỉ là một cuộc thanh toán thông thường giữa các tay anh chị “cắc ké”… Nghĩ đến đây là tôi đã mỉm cười “thỏa mãn”, cỡ C.M.C thì không thể đào sâu vụ án này, V.H.Q hay L.A.Đ thì tôi… “bóp mũi” (do hai phóng viên này mới tham gia vào lĩnh vực Nội chính, chưa có đủ kinh nghiệm và hiểu biết về những mối quan hệ phức tạp, đan xen, chồng chéo trong lĩnh vực này)! Đây chính là lúc tôi thể hiện “khả năng” của mình: Điều tra nóng từ những thông tin thu thập tại hiện trường.
Trước mắt, cứ tạm thua Tuổi Trẻ cái đã, tôi về tòa soạn viết bài “dọn rác” cho… “báo địch”, tường thuật lại vụ án, thêm mắm dặm muối cho “đậm đà, vừa ăn”. Chủ yếu là để thông báo cho bạn đọc biết báo Thanh Niên đã tham gia vào phanh phui vụ án, tạo đà cho những bài viết tiếp theo sau đó –nếu có…
Nộp bài xong, tính từ lúc này thì tôi có một ngày rưỡi để “lượm” báo Tuổi Trẻ (thuở ấy làm báo giấy, ngày hôm sau báo đăng, đăng xong thì phải chờ ngày hôm sau nữa mới có báo để đăng được bài tiếp theo). Còn nếu tôi không “lượm” được đối thủ, thì không cần phải bàn cãi, người bị “lượm” sẽ chính là… tôi, bởi BBT Báo Thanh Niên.
Không để mất thời gian, tôi liền điện thoại cho anh Q.T, Phó Tổng Thư ký tòa soạn, Báo Công an TP.HCM, mời anh ấy đi ăn cơm trưa, rồi đi massage. Tay T. này “máu” lắm, ba cái vụ ăn xong rồi chơi này thì “ảnh” khó lòng từ chối, nhất là đi với thằng “quỉ” như tôi. Quả nhiên, Q.T hồn nhiên sa bẫy, hồn nhiên nhận lời, hồn nhiên đi với Hữu Phú…
Nguyễn Mạnh Trung không chịu cung cấp "bất cứ thứ gì” cho tôi thì chắc chắn vụ án này “có vấn đề” nghiêm trọng, liên quan lớn, phức tạp hoặc sợ “lộ sáng” ai đó… Tôi mà không lấy được thông tin từ Nguyễn Mạnh Trung thì cỡ như V.H.Q hay bất cứ ai khác đừng có hòng. V.H.Q, sau khi thay thế H.L ở vị trí phóng viên Pháp luật - Nội chính báo Tuổi Trẻ TP.Hồ Chí Minh (trước đó viết mảng giáo dục) đã phải chạy sang gặp tôi, nhờ tôi dẫn đi làm việc, thiết lập mối quan hệ cả năm trời mới trụ nổi được trong mảng này (hai đứa tôi là bạn học cùng lớp trong trường đại học), đến bây giờ vẫn phải nhận thông tin hỗ trợ từ tôi. Tất nhiên, V.H.Q không phải là đối thủ! L.A.Đ thì… không phải nói, cũng đi theo tôi một thời gian dài, thuộc thế hệ đàn em!
Nhưng, Q.T thì khác, anh ấy đi làm báo trước tôi, thuộc nhóm đàn anh. Trước khi là thư ký tòa soạn, Q.T đã có thời gian khá dài làm phóng viên, rất thân với Nguyễn Mạnh Trung. Bây giờ, Q.T đang là sĩ quan cấp tá trong lực lượng Công an TP.HCM, mối quan hệ với Nguyễn Mạnh Trung càng thân thiết. Những thông tin tôi không thể có từ cơ quan điều tra, Q.T có thể có, vì là “ngưởi trong nhà”. Gặp Q.T để moi móc, dò hỏi thông tin của vụ án là một giải pháp tốt lúc bấy giờ, nếu không được nhiều thì chắc cũng được ít, làm đầu mối để lần ra những thông tin tiếp theo…
Thế nhưng, ăn cơm rồi, đang nằm trong tiệm hớt tóc thư giãn, nói chuyện rôm rả về vụ án đang “hót”, mà tôi vẫn không thể “moi” được thông tin gì từ Q.T , khả dĩ có thể mở cho tôi một “đường máu” để đột phá trong vụ này… chỉ là những đoán định vu vơ, y như “mấy bà” ngoài chợ…
Đang bế tắc, không lối thoát, thì bất ngờ điện thoại của tôi reo vang, bên kia đầu dây là giọng của H.L, cựu phóng viên nội chính báo Tuổi Trẻ: “Ông hỏi thằng A Lý đó!”. Xong, “ông nội” này cười khà khà rồi cúp máy. Hình như tôi đã bỏ sót một cái gì, cứ mải suy già đoán non, tìm kiếm lục lọi hết các băng nhóm giang hồ ở Việt Nam, xem băng nào lại dám “chơi một cú lớn” giữa trung tâm TP.HCM như vậy, tôi lại bỏ sót những băng nhóm giang hồ không phải là người Việt Nam. Chính xác, để có thể đối đầu trực diện, trực tiếp với Năm Cam trong giới giang hồ lúc bấy giờ ở Việt Nam, không băng nhóm nào có đủ bản lĩnh, chỉ có thể là các băng nhóm “có yếu tố nước ngoài”. Lật lại những thông tin đã thu thập, lưu giữ được từ trước đến nay trong đầu, tôi càng tin rằng: A Lý đang hợp tác làm ăn mật thiết với giang hồ Sài Gòn, mà người đứng đầu là Năm Cam. Có thể trong quá trình hợp tác làm ăn, A Lý đã xảy ra mâu thuẫn quyền lợi gì đó với Năm Cam (A Lý là người thuê Bar Tân Hải Hà của Năm Cam), và đôi bên đã “đụng” nhau nảy lửa. Giả thiết này rất “sáng giá”, đáng để bỏ công “đào sâu”. Dù đúng hay sai, nó cũng có thể giúp ta tìm được manh mối hoặc loại bỏ hoài nghi.
Tôi lập tức gọi điện thoại cho A Lý, số máy A Lý đã cho tôi trước đây không liên lạc được. Càng nghi, tôi tiếp tục gọi điện thoại cho Diệp Hiểu Vân…
Bên kia đầu dây, tiếng Diệp Hiểu Vân: “A lô, anh Phú hả?”. “Cho anh gặp A Lý”, “Có chuyện gì không anh? Bây giờ anh A Lý không có đây, em liên lạc lại với anh sau nhe?”. Bên cạnh Diệp Hiểu Vân có tiếng léo nhéo, ngọng nghịu của A Lý: “Ai? Ai vậy?” và tiếng Diệp Hiểu Vân đáp nhỏ “Anh Hữu Phú, báo Thanh Niên”… Tôi gào lớn lên trong máy: “Dừng dập máy, anh biết A Lý đang ở bên cạnh em. Chuyện khẩn cấp, nói chuyện qua điện thoại thôi mà… Nếu không nói bây giờ thì không bao giờ còn có cơ hội để nói nữa đâu. Em đưa máy cho A Lý nghe ngay đi, để anh nói chuyện trực tiếp với ảnh”. Sau một vài giây chần chừ, A Lý cũng cầm máy: “A lô, anh Phú hả?”. Không để A Lý có thời gian suy nghĩ, tôi vào đề ngay: “Anh đang gặp nguy hiểm phải không? Tôi muốn chúng ta gặp nhau trao đổi. Bây giờ, tôi dám khẳng định với anh là trong làng báo Sài Gòn, tôi là người duy nhất có thể gặp anh, cho anh một cơ hội giải thích với dư luận… Nếu anh không chịu gặp tôi, anh sẽ không bao giờ còn có cơ hội lấy lại được số tiền mà anh đã đầu tư ở Sài Gòn…”. Tôi “nổ” liên hồi kỳ trận, như súng liên thanh. Kệ, cứ “bắn” tới đi, được phát nào hay phát nấy, biết đâu "trúng” một phát… Không hiểu “rùa” thế nào, A Lý “trúng đạn” thật, sau một hồi nghe tôi nói mà không kịp nói gì (vì ông ta nói tiếng Việt rất kém, chỉ hiểu không là đã mệt rồi), A Lý đột nhiên trả lời: “Ok, mình gặp nhau đi!”.
Thế là tất cả mọi suy đoán của tôi đã đi đúng hướng. Băng nhóm giang hồ dám “chơi nhau tới bến” với Năm Cam đã được tôi xác định luôn là băng của A Lý. Và, mâu thuẫn giữa đôi bên chắc chắn là xoay quanh việc làm ăn chung, chia chác không đều hoặc giành giật địa bàn…
(còn tiếp)
Chuyện nghề, chuyện đời của phóng viên nội chính thập niên 2000: Tôi gặp ông Trùm A Lý
Tôi gặp ông trùm A Lý - Phần 1
Tôi gặp ông trùm A Lý - Phần 2
Tôi gặp ông trùm A Lý - Phần 3
Tôi gặp ông trùm A Lý - Phần 4
Tôi gặp ông trùm A Lý - Phần 5
Tôi gặp ông trùm A Lý - Phần 6
Tôi gặp ông trùm A Lý - Phần 7
Tôi gặp ông trùm A Lý - Phần 8