Chuyện "thâm cung bí sử" ở làng vàng mã cha truyền con nối
Mấy chục năm gắn bó với nghề rồi làm sao mà bỏ được. Khó dứt ra lắm!
Chúng tôi tìm về làng vàng mã Phúc Am và Duyên Trường, thuộc huyện Thường Tín vào một sáng cuối đông. Không khí hai dọc “con phố” vàng mã nổi tiếng ấy bận rộn và hối hả khi các nghệ nhân đang tất bật hoàn thành các đơn hàng giao cho khách phục vụ nhu cầu lễ hội đầu năm
Trong quan niệm của người xưa, việc đốt vàng mã thể hiện sự gắn kết giữa thế giới người sống và thế giới người âm, họ gửi cho tổ tiên tiền vàng để tiêu pha, đi lại với ý nghĩa tâm linh. Tuy nhiên, theo thời gian, việc đốt vàng mã đang bị đẩy đi quá xa khi người ta cho rằng gửi cho người âm càng nhiều càng quý.
Quan niệm vì thế cũng thay đổi theo kiểu “trần sao âm vậy”, người ta gửi tất cả những gì của thế giới người sống cho những người đã khuất thông qua việc đốt vàng mã. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, sự biến tướng của việc đốt vàng mã khiến nhiều người không khỏi lo ngại. Những năm trở lại đây, không khó để bắt gặp tại các đình, đền, phủ,… vào các dịp lễ hội cảnh cả ô tô lễ vật vàng mã cháy ngùn ngụt trong lò “bát quái”. Trước thực tế này, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn số 31 đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Tuy nhiên, đề nghị này lại gây nhiều tranh cãi, và ảnh hưởng không nhỏ tới chính những đã gắn bó với nghề thủ công làm vàng mã. Trước câu chuyện đốt vàng mã đang bị biến tướng và tranh cãi có nên giảm hay bỏ tục lệ này không, PV báo Người Đưa Tin đã về làng Phúc Am và Duyên Trường, thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội để tìm hiểu về hoạt động sản xuất vàng mã, thị hiếu của khách hàng và tâm tư, nguyện vọng của người làm nghề.
Biến tướng hay không người làm nghề không biết… nhưng có cầu thì sẽ có cung
Đã ngoài 70 tuổi, mái tóc bạc màu nhưng ánh mắt bà Quý vẫn tinh anh, bàn tay vẫn thoăn thoắt dán từng chi tiết nhỏ lên hình mã. Bà tâm sự: “Nhà tôi bén duyên với nghề vàng mã từ năm 1995, thấm thoắt cũng đã 23 lăn lộn với nghề rồi. Hồi xưa, ông nhà tôi làm nghề giỏi và đam mê lắm. Nhưng từ hồi sức khỏe yếu không làm được, ông tiếc lắm. Sau đó, ông truyền nghề cho hai con trai. Tôi bây giờ cũng nhiều tuổi rồi, sức khỏe cũng không được như trước, nhưng ngơi tay ra thì khó chịu lắm, nên vẫn tranh thủ hộ các con”.
Ngơi tay làm, chị Hoa – con dâu bà Quý vừa tranh thủ nấu cơm trưa cho cả nhà, vừa chia sẻ: “Thật ra, làm nghề này đòi hỏi sự khéo léo và cũng cần có hoa tay nữa. Tôi là con gái làng bên làm nghề sơn mài, từ khi lấy chồng về đây mới làm vàng mã. Hồi mới làm, tôi cũng khá bỡ ngỡ, nhưng nhìn mọi người làm một vài lần là biết. Nhìn vậy chứ quen tay thì không khó lắm đâu. Đến bây giờ, tôi cũng theo nghề được 14 năm rồi”. Anh Báu - con trai bà Quý tiếp lời: “Sau khi học hết phổ thông, tôi về phụ bố mẹ rồi nối nghề làm vàng mã luôn. Vợ chồng anh trai tôi cũng theo nghề này. Sau chừng ấy thời gian gắn bó, giờ khó mà dứt ra được”. Cũng theo lời anh Báu, làm nghề vàng mã này ngốn rất nhiều công sức và chi phí: “Lời lãi thu về không được bao nhiêu đâu. Ví dụ, một mô hình ngựa cỡ lớn bán ra khoảng 300-400 nghìn đồng, nhưng tiền vốn và tiền nhân công bỏ ra đã mất h ơn 200 nghìn rồi, nếu bán được giá thì tiền lãi thu được khoảng 30 nghìn, còn không chỉ được 20 nghìn thôi. Nói chung, cứ có việc thì mình làm, dù lời lãi không được bao nhiêu nhưng gắn bó bấy nhiêu năm rồi thì ráng theo nghề rồi tích tiểu thành đại”.
Nói về nhu cầu, thị hiếu hiện nay của khách hàng đối với các vật lễ vàng mã, chị Hoa cho biết: “Hồi xưa, mọi người sắm sửa vàng mã đơn giản lắm, chỉ là vài bộ quần áo, tiền vàng biếu các cụ khi làm giỗ, còn bây giờ tín ngưỡng, lễ hội nhiều hơn, nhu cầu sử dụng vàng mã cũng tăng theo, nên người làm nghề này có thêm công ăn việc làm. Bây giờ, khách hàng yêu cầu sản phẩm thế nào, chúng tôi đều cố gắng đáp ứng được. Ví dụ như các mô hình tivi, nhà lầu, ngựa to, ngựa nhỏ, chúng tôi làm theo yêu cầu và xu hướng của khách hàng. Phú quý sinh lễ nghĩa, có cầu thì ắt có cung nên những người làm nghề như chúng tôi phải đáp ứng thôi. Nếu mình không đáp ứng thì người khác họ lại làm, khi ấy mình sẽ mất khách. Còn vấn đề biến tướng hay không thì chúng tôi không biết”.
Nghề làm vàng mã tưởng chừng là nhàn hạ hơn so với các nghề khác nhưng thực tế thì không phải như vậy. “Công việc cũng đều đều, tuy nhiên 3 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm có nhiều lễ hội nên công việc cũng bận rộn hơn. Nhiều hôm thức trắng đêm làm để kịp giao hàng cho khách. Tuy nhiên, để hoàn thành một sản phẩm mất rất nhiều công sức, thời gian. Ngoài hai vợ chồng làm chính, gia đình tôi còn thuê thêm 4,5 nhân công nữa. Đợt này đang vào mùa vụ, mọi người ra đồng nên hai vợ chồng cũng tất bật hơn”, chị Hoa chia sẻ thêm.
Anh Báu cũng cho biết, gia đình anh và nhiều hộ khác cũng đã biết thông tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyên mọi người hạn chế đốt vàng mã. Tuy nhiên, điều này cũng không ảnh hưởng quá lớn đến công việc của người dân làng nghề vàng mã này. Bởi lẽ: “Mấy chục năm gắn bó với nghề rồi làm sao mà bỏ được. Khó dứt ra lắm! Còn bây giờ là tình trạng chung rồi, nếu cơ quan quản lý cấm thì cấm chung, chứ không riêng gì nhà tôi nên cũng phải chấp nhận thôi. Chúng tôi là người cung cấp, đang theo nghề, còn có khách đặt thì chúng tôi vẫn làm tới nơi tới chốn”. Nói rồi, anh chỉ tay sang những mô hình ngựa, voi,… màu sắc sặc sỡ được sắp xếp gọn gàng đều đang chờ ngày để mang đi đền, đi phủ.
Chuyện về chàng trai trẻ đam mê nghề... phục vụ “người âm”
Nhiều năm trở lại đây, về làng vàng mã nổi tiếng Duyên Trường, huyện Thường Tín, nhiều người cũng khá quen với hình ảnh những người trung niên cặm cụi cắt dán các vật lễ mà không ít bóng dáng người trẻ. Được người làng giới thiệu, chúng tôi đã gặp được Nguyễn Văn Lộc – chàng trai trẻ có niềm đam mê với nghề vàng mã. Học hết cấp 3, thay vì học lên hay tìm kiếm ngành nghề khác như bao bạn bè cùng trang lứa, chàng trai sinh năm 1992 lại quyết định nối nghiệp bố mẹ làm vàng mã. Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng Nguyễn Văn Lộc đã theo nghề vàng mã được gần 10 năm. Anh chia sẻ: “Bén duyên với nghề từ khi còn học lớp 10 nhưng dạo ấy mới chỉ phụ bố mẹ khi có thời gian rảnh rỗi. Học hết lớp 12, tôi quyết định không học lên mà ở nhà theo nghề của bố mẹ. Theo thời gian làm nghề, tôi trở thành nhân lực chính trong xưởng của gia đình, có thể đảm nhận được hết tất cả các khâu”. Chàng trai sinh năm 1992 cho biết: “Muốn theo được nghề vàng mã đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ và kiên trì, nếu không thì khó mà theo được. Bây giờ, trong làng cũng không còn nhiều người trẻ theo nghề này, mà chủ yếu là những người trung tuổi. Bạn bè tôi cũng đều rời làng tìm việc làm mới, chứ không theo nghề này”.
Hỏi Lộc tại sao không đi ra ngoài làm mà nối nghiệp truyền thống của gia đình, anh bảo: “Vốn dĩ, bản thân tôi rất đam mê và có niềm yêu thích với công việc này. Hơn nữa, nghề này cũng khá nhẹ nhàng và có thu nhập ổn định”.
Vừa nói, bàn tay Lộc vẫn thoăn thoắt cắt dán từng chi tiết lên những món vật lễ cho người âm… Anh cười bảo: “Nghề đã chọn mình rồi, thì bản thân mình cũng phải gắng tâm huyết nghề”. Với bàn tay khéo léo của mình, chàng trai trẻ ấy có thể hoàn thiện những lễ vật nhỏ như tiền vàng, mũ… chỉ trong vòng 10 – 15 phút, còn với những mô hình ngựa, voi lớn thì thông thường sẽ mất nửa ngày để hoàn thành. Và, những sản phẩm với nhiều công sức và tâm huyết của Lộc và bao người làm nghề vàng mã vẫn đang từng ngày được mọi người trân trọng gửi sang thế giới bên kia…
Dẫu còn nhiều tranh cãi về chuyện đốt vàng mã nhưng với những người làm nghề, họ vẫn luôn tâm huyết với công việc đã nuôi sống họ bấy lâu nay. Gác lại những phấp phỏng, lo âu về chuyện giảm hay bỏ đốt vàng mã, họ với bàn tay khéo léo của mình, họ vẫn tiếp tục làm “con ong” cần mẫn, chăm chút hoàn thiện đơn hàng vật lễ khách đã đặt. Từng chuyến hàng mã liên tục chạy khắp làng để chuyển cho thương lái các tỉnh đổ về.