img

Năm 2004, Thế giới Di động được thành lập và xuất hiện trên thị trường với cửa hàng siêu thị điện thoại đầu tiên tại 89A Nguyễn Đình Chiểu, Tp.HCM.

Các năm tiếp theo, hàng loạt thương hiệu được Thế giới Di động thành lập và phát triển, ra đời với chuỗi hàng trăm cửa hàng trên 63 tỉnh thành như Điện Máy Xanh (ra đời năm 2010), Bách Hoá Xanh (thử nghiệm năm 2015), Bigphone tại Campuchia (năm 2017), thâu tóm chuỗi bán lẻ điện máy Trần Anh (năm 2018) và lấn sân vào hệ thống nhà thuốc An Khang (năm 2018). Và mới đây nhất, ngày 22/10, Thế giới Di động tiếp tục ra mắt chuỗi bán lẻ ủy quyền chuyên bán các sản phẩm Apple chính hãng TopZone.

Việc liên tục vận hành những chuỗi cửa hàng mới trên nhiều lĩnh vực, một phần cho thấy tiềm lực lớn mạnh của MWG. Song song với đó, những câu chuyện lùm xùm xung quanh việc quản trị hệ thống, thương hiệu của Thế giới Di động cũng xảy ra với tần suất dày đặc hơn.

img

Ngay từ đầu tháng 8/2021, Thế giới Di động đã gửi công văn đến một loạt đối tác là những người cho thuê mặt bằng nhằm thông báo về việc không tính tiền thuê và không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn không kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước.

Đồng thời, Thế giới Di động cũng đơn phương tuyên bố không tính tiền thuê 70% và chỉ thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch.

Lý giải cho quyết định này, Thế giới Di động cho rằng việc phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng đã làm cho các cửa hàng của hệ thống này không phát sinh doanh thu hoặc doanh thu sụt giảm, gây ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh.

Ông Trần Kỷ Mùi - chủ mặt bằng 50m2 ở thị xã An Nhơn, Bình Định là một trong những đối tác của Thế giới Di động nhận được công văn kể trên. Ngày 15/10/2021, ông Mùi tiếp tục nhận được công văn chấm dứt hợp đồng thuê trước hạn của TGDĐ. Công ty đưa công văn nêu lý do việc kinh doanh tại địa điểm này không hiệu quả về chi phí nên chấm dứt hợp đồng theo các trường hợp bất khả kháng.

Không đồng ý với việc TGDĐ đơn phương giảm trừ tiền thuê, ông Mùi từng có ý gửi đơn kiện. Ông cho biết đã thuê luật sư chuẩn bị mọi tình huống pháp lý, mục tiêu đòi lại tiền thuê đúng theo hợp đồng hoặc lấy lại mặt bằng cho bên khác thuê.

Trước đó, ông cho biết sẵn sàng giảm giá thuê mặt bằng, dựa trên sự đồng thuận giữa 2 bên, với điều kiện TGDĐ có thiện ý. Tuy nhiên, công văn được gửi từ tập đoàn có vốn điều lệ hơn 4.500 tỷ đồng thể hiện rõ ràng sự "không thiện ý" trong vấn đề đàm phán với đối tác của mình.

img

Không chỉ riêng ông Trần Kỷ Mùi, sau khi nhận được công văn của TGDĐ qua Zalo, nhiều đối tác cho thuê mặt bằng lên tiếng phản đối khi TGDĐ liên tiếp ra công văn yêu cầu được giảm tiền thuê mặt bằng trong thời gian đóng cửa hoặc bị hạn chế bán hàng. Dù chưa được sự đồng ý của chủ nhà, công ty này tự ý giảm trừ 70-100% tiền thuê khi tiến hành thanh toán. Với phương án cấn trừ tiền giảm giá vào các tháng tiếp theo, một số chủ nhà nợ ngược TGDĐ hàng chục triệu đồng.

Một chủ mặt bằng tại quận 12, Tp.HCM cho biết TGDĐ vẫn nợ tiền thuê nhà tháng 8 và tháng 9 là 176 triệu đồng. Thế nhưng, công ty lại tự ý trừ theo như nội dung công văn từ ngày 2/8 đưa ra, dẫn đến việc chủ nhà nợ ngược lại hơn 136 triệu đồng.

Một chủ nhà cho TGDĐ thuê mặt bằng tại Tp.Thủ Đức cũng cho biết trước có nhiều bên ngỏ ý muốn thuê giá 150 triệu đồng/tháng, trả liền cả năm nhưng vẫn chọn cho TGDĐ thuê giá rẻ hơn 30 triệu đồng và trả theo quý. Theo chủ nhà, bà nghĩ TGDĐ là doanh nghiệp tầm cỡ, cư xử xứng tầm. Bà nói nếu biết trước có ngày TGDĐ hành xử vậy sẽ không cho thuê.

img

Đàm phán giảm tiền thuê mặt bằng được Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài từng nhiều lần nhắc đến như một "quân át chủ bài" trong việc giảm chi phí hoạt động, đặc biệt trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh, phải tiết giảm chi phí để trụ vững qua "cơn bão" Covid-19.

Tại sự kiện Shark Tank Forum diễn ra cuối tháng 11/2020, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch TGDĐ cho biết hàng nghìn cửa hàng TGDĐ và Điện Máy Xanh đang duy trì tỉ lệ chi phí mặt bằng trên doanh thu không quá 2%.

"Tỉ lệ thuê mặt bằng trên doanh thu của chúng tôi chỉ khoảng 1,5-2%. Mặt bằng nào bất thường sẽ bị "xử" ngay. Tất nhiên có nhiều cửa hàng phải đóng cửa vì doanh thu không tương xứng với tiền thuê mặt bằng", ông Nguyễn Đức Tài nói.

"Theo các bạn làm tài chính, tiền thuê mặt bằng là chi phí cố định, không thay đổi được. TGDĐ nói cố định thì kệ nó chứ, tôi sẽ cho nó biến động. Chúng tôi đi một vòng và lấy về 200 tỷ đồng tiền giảm giá thuê", ông Tài nói tại sự kiện Shark Tank Forum 2020.

img

Những “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ như TGDĐ, FPT Shop, Digiworld, CellphoneS, PNJ… luôn đặt cửa hàng tại những mặt đường có vị trí tốt để kinh doanh. Tại Hà Nội, Tp.HCM hay các tỉnh thành khác, những vị trí đắc địa, đông dân cư và các trung tâm thương mại đều được “thống trị" bởi loạt chuỗi bán lẻ nên mức giá thuê cũng thường cao hơn mặt bằng chung.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, TGDĐ đã chi trước hơn 456 tỷ đồng tiền thuê cửa hàng, bao gồm 420 tỷ đồng trả trước ngắn hạn (thời hạn không quá 1 năm) và 36 tỷ đồng dài hạn (trên một năm).

Như vậy, tính trung bình doanh nghiệp trả trước hơn 10 triệu đồng cho mỗi cửa hàng.

img

Tiếp câu chuyện đàm phán thuê mặt bằng của Thế giới Di động, ngày 23/10, ông Trần Kỷ Mùi cho biết ngôi nhà ở góc ngã tư Trần Phú – Ngô Gia Tự, phường Bình Định, thị xã An Nhơn của ông đã được Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu ký hợp đồng thuê ngay sau khi ông thanh lý hợp đồng với TGDĐ. Mức giá mà FPT Long Châu đưa ra cao hơn 20%.

Theo thỏa thuận giữa hai bên, TGDĐ sẽ trả mặt bằng vào ngày 15/11. Nhà thuốc Long Châu sẽ chính thức vào thuê từ ngày 27/11, chỉ 12 ngày sau khi hợp đồng thanh lý với TGDĐ được thực hiện.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc Trải nghiệm Khách hàng và Marketing FPT Retail - đơn vị vận hành chuỗi nhà thuốc Long Châu, cho biết quyết định thuê mặt bằng ở Bình Định do lô đất của ông Trần Kỷ Mùi nằm ở vị trí đẹp trên địa bàn.

“Sau khi cân nhắc, tính toán với các tiêu chí lựa chọn địa điểm để mở cửa hàng dược phẩm, chúng tôi xét thấy giá thuê là mức giá có lợi cho các bên. Với khách hàng, đây là địa điểm dễ dàng tìm được nhà thuốc Long Châu để mua thuốc, với FPT Retail, vị trí này có tiềm năng sinh lợi tốt khi kinh doanh. Quan trọng nhất là chủ nhà cảm thấy hài lòng về mức giá", ông Bảo nói.

img

Nói về vai trò của mặt bằng, ông Bảo cho biết các hệ thống bán lẻ có nhiều kênh kinh doanh khác nhau. Trong đó, với kênh cửa hàng truyền thống, yếu tố vị trí, địa điểm, không gian cửa hàng… gọi chung là mặt bằng, đóng vai trò quan trọng.

Theo ông Bảo, mỗi chuỗi bán lẻ đều có bộ đánh giá tiêu chí mặt bằng tùy theo chiến lược ngắn hạn hay dài hạn của từng chuỗi. “Giữa các nhóm sản phẩm khác nhau sẽ có tiêu chí chọn mặt bằng khác nhau”, ông nói.

“Ngay trong FPT Retail, việc lựa chọn mặt bằng giữa FPT Shop và nhà thuốc Long Châu cũng có nhiều cấu phần khác nhau trong công thức đánh giá”, ông Bảo cho hay.

Ông nhấn mạnh, khi chọn địa điểm, quan trọng nhất là vị trí đó có phù hợp với chiến lược kinh doanh của công ty hay không, có góp phần mang lại nhiều giá trị cho khách hàng ở địa phương để từ đó khách hàng tin chọn hay không.

“Việc xem xét có ai đó từng thuê cùng vị trí cũng là tiêu chí đánh giá nhưng không quan trọng bằng việc xem xét vị trí đó có phù hợp với việc kinh doanh của FPT Retail nói chung hay Long Châu, FPT Shop nói riêng hy không”, ông nói.

img

img

Điều đầu tiên cần phải nói trong vụ việc này, đó là mục đích cắt giảm chi phí. Đối với Thế giới Di động, điều đó là hoàn toàn đúng, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp phải tiết giảm hầu hết các chi phí nhằm mục tiêu "chung sức bảo vệ công ăn việc làm của hơn 60 ngàn thành viên của Tập đoàn" như thông điệp của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài gửi tới các cổ đông.

Tuy nhiên, về cách thức thực hiện, những công văn như "tối hậu thư" của Thế giới Di động gửi đối tác liệu có đúng?

Rõ ràng, song hành cùng con đường phát triển của Thế giới Di động từ ngày thành lập tới nay có sự đóng góp không nhỏ của những cửa hàng với vị trí đắc địa - là lợi thế tuyệt đối so với các đối thủ cạnh tranh trong việc tiếp cận khách hàng, chiếm lĩnh thị trường và tạo nên thương hiệu.

Thế nhưng, khi khó khăn, Thế giới Di động lại chọn cách "ép giá", "mặc cả" và đơn phương trừ tiền khi thanh toán tiền thuê, đưa đối tác vào "sự đã rồi". Khi nền kinh tế dần phục hồi, khi các cửa hàng được mở cửa trở lại thì vai trò của các mặt bằng với vị trí tốt lại trở thành "quân át chủ bài" cho chiến lược mở rộng chiếm lĩnh thị trường. Một lần bất tín, vạn sự bất tin, liệu những người sở hữu mặt bằng khác sẽ tiếp tục tin tưởng, lựa chọn Thế giới Di động là "đối tác" trong thời gian tới?

NGUOIDUATIN.VN |