img

"Có những địa phương như Bắc Ninh, Hà Nam, đi từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh bằng ô tô, thời gian không vượt quá 1 giờ. Quy mô một đơn vị hành chính cấp tỉnh mà "chưa đi đã tới, chưa nhìn đã hết" là quá bé nhỏ" - ĐBQH Phạm Văn Hòa phân tích.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Dù mới chỉ ở bước nghiên cứu song vấn đề trên đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, nhất là khi cuộc cách mạng về tinh giảm bộ máy đang được thúc đẩy quyết liệt.

Những lần "khắc nhập, khắc xuất" trong lịch sử

Nhìn lại lịch sử, cùng với việc mở rộng và thu hẹp lãnh thổ quốc gia thời phong kiến ở Việt Nam các đơn vị hành chính lãnh thổ được phân chia và hình thành.

Các đơn vị hành chính lãnh thổ thời phong kiến ở Việt Nam có nhiều sự thay đổi về tên gọi qua các thời kỳ và đi vào ổn định từ năm 1881 dưới thời nhà Nguyễn với ba cấp đơn vị hành chính (tỉnh, huyện, xã) như ngày nay.

Theo đó, từ năm 1831 đến năm 1832, trong nỗ lực cải cách bộ máy nhà nước, vua Minh Mạng lần đầu tiên chia nước ta thành 31 đơn vị hành chính dưới chính quyền trung ương, bao gồm 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên. Dưới tỉnh là phủ, huyện và cấp thấp nhất là xã.

Thời kỳ 1945-1946, nước ta có 69 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương. Năm 1961, Quốc hội mở rộng địa giới Hà Nội, sáp nhập thêm một số xã của Hà Đông, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hưng Yên.

Năm 1962, 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc; tỉnh Kiến An nhập vào thành phố Hải Phòng; tái lập 2 tỉnh Lai Châu, Sơn La từ Khu tự trị Thái Mèo và thành lập tỉnh Nghĩa Lộ thuộc khu tự trị Tây Bắc.

Năm 1963, tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng hợp nhất thành tỉnh Quảng Ninh. Năm 1965, 2 tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên hợp nhất thành tỉnh Bắc Thái; 2 tỉnh Hà Nam, Nam Định hợp nhất thành tỉnh Nam Hà, 2 tỉnh Hà Đông và Sơn Tây hợp nhất thành tỉnh Hà Tây.

Năm 1968, 2 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng; 2 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú. Cuối năm 1975, 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn hợp nhất thành tỉnh Cao Lạng; 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình hợp nhất thành tỉnh Hà Nam Ninh; 2 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình hợp nhất thành tỉnh Hà Sơn Bình; 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang hợp nhất thành tỉnh Hà Tuyên; 3 tỉnh Lào Cai, Nghĩa Lộ (trừ 2 huyện Bắc Yên, Phù Yên nhập vào tỉnh Sơn La) và Yên Bái hợp nhất thành tỉnh Hoàng Liên Sơn; 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh.

Năm 1976, thêm một loạt phía Nam tiến hành hợp nhất. Lúc này, cả nước có 38 tỉnh, thành phố. Năm 1978, Quốc hội phê chuẩn mở rộng địa giới Hà Nội, sáp nhập thêm 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây của tỉnh Hà Sơn Bình, một phần huyện Mê Linh và Sóc Sơn. Cùng năm, tách tỉnh Cao Lạng thành 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Cả nước có 39 tỉnh thành. Năm 1979, thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, tương đương cấp tỉnh, cả nước có 40 tỉnh thành.

Chuyện tỉnh, chuyện huyện: "Chưa đi đã tới" thì lấy đâu ra dư địa phát triển?- Ảnh 1.

Thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, xu hướng tách tỉnh lại bắt đầu. Lần lượt các tỉnh đã được nhập trước đó lại được tách ra, như Hà Sơn Bình tách ra thành 2 tỉnh là Hà Tây và Hòa Bình; tỉnh Hà Nam Ninh tách ra thành 2 tỉnh Nam Hà, Ninh Bình; tỉnh Hà Tuyên tách ra thành 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang; tỉnh Hoàng Liên Sơn tách ra thành 2 tỉnh Lào Cai, Yên Bái; tỉnh Nghệ Tĩnh tách ra thành 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; tỉnh Gia Lai - Kon Tum tách ra thành 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum...

Có tỉnh sau khi tách lần một thì thời gian sau lại tách lần hai như Nam Hà tách ra từ Hà Nam Ninh, sau đó Nam Hà lại tách thành Hà Nam và Nam Định...

Nhìn chung, khi tách tỉnh thì quan điểm chung vẫn là chia nhỏ theo địa lý, địa hình, văn hóa để quản lý được tốt hơn, để phát huy tiềm lực, thế mạnh từng địa phương, thay cho gộp kiểu "nhà chung" vốn cồng kềnh, nhiều ý tưởng, lại dễ sinh cục bộ, khó quản lý. Tuy nhiên, khi nhập tỉnh, các nhà quản lý cũng có cơ sở giải thích như nhập tỉnh để tinh gọn bộ máy, nhân lực, để phát huy sức mạnh tổng hợp theo vùng, địa phương, để phát huy thế mạnh đầu tư...

Từ cuối thập niên 80 đến nay, xu hướng tách tỉnh diễn ra ở nhiều giai đoạn. Cùng với đó là tách huyện, tách xã. Cho đến năm 2004, việc tách tỉnh vẫn tiếp tục diễn ra với việc tỉnh Lai Châu cũ tách ra thành 2 tỉnh Lai Châu mới và Điện Biên. Tỉnh Đắk Lắk tách thành Đắk Lắk mới và Đắk Nông, thành lập thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Đến 2008, khi Hà Tây hợp nhất vào Hà Nội, con số 63 tỉnh, thành ổn định từ đó đến nay.

Sáp nhập để tạo không gian phát triển mới

Hiện nay, Việt Nam có 57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế.

Về cấp chính quyền trung gian cấp huyện, tính đến tháng 6/2024, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, cả nước có 705 đơn vị hành chính cấp huyện (523 huyện, 46 quận, 51 thị xã, 84 thành phố thuộc tỉnh và một thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương).

Theo GS.TS. Trần Ngọc Đường - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc đặt vấn đề sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện lúc này là phù hợp, đặc biệt thời điểm trước Đại hội XIV của Đảng chín là thời cơ chín muồi để thực hiện.

Mô hình tổ chức chính quyền trên thế giới chú trọng xây dựng chính quyền 2 đầu mạnh là tỉnh mạnh và cơ sở (xã, phường) mạnh. Còn chính quyền trung gian ở giữa do chính quyền tỉnh đưa về một khu vực hoặc vùng nào đó thuộc một vài xã, phường để đại diện chính quyền tỉnh quản lý ở khu vực, cơ sở đó. Trên thực tế, mô hình chính quyền này đã được chứng minh là tiến bộ, hiện đại.

Chuyện tỉnh, chuyện huyện: "Chưa đi đã tới" thì lấy đâu ra dư địa phát triển?- Ảnh 2.

GS.TS. Trần Ngọc Đường - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đánh giá về việc bỏ cấp huyện, GS. TS Trần Ngọc Đường cho rằng để đánh giá lợi, hại của việc bỏ cấp huyện cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ, đồng thời để thực hiện cho tốt chủ trương này bởi lâu nay chúng ta quen với mô hình chính quyền địa phương 3 cấp (tỉnh, huyện, xã).

Nhưng bước đầu, nếu bỏ cấp huyện cũng có nhiều thuận lợi. Thứ nhất, sẽ tạo ra không gian tương đối rộng hơn để phát triển kinh tế - xã hội mà không bó hẹp trong quận, huyện nào đó. Đồng thời, tạo ra môi trường rộng lớn hơn để thu hút tiềm năng, nguồn lực phát triển. Nguồn lực huy động của cả tỉnh sẽ lớn hơn để phục vụ phát triển. Bên cạnh đó, bỏ được một khâu trung gian đó sẽ giúp môi trường quản lý thông thoáng hơn, thuận lợi hơn. 

Thứ hai, với việc bỏ chính quyền cấp huyện sẽ giảm mạnh tầng nấc trung gian, giảm mạnh chi tiêu thường xuyên cho ngân sách Nhà nước, giảm các thủ tục hành chính trung gian. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần xây dựng bộ máy "Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả".

Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay thì việc quản lý Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở là xã, phường thuận lợi hơn rất nhiều. Đây chính là điều kiện thực hiện hết sức thuận lợi.

Tuy nhiên, việc này bước đầu cũng có thể tạo ra một số cản trở do nhận thức chưa đầy đủ nên nghi ngại, lo lắng về quản lý Nhà nước có thực hiện được không, chính quyền cấp trên, cấp dưới xa nhau như thế liệu có quan liêu hay không. Những nghi ngại này xuất phát từ thực tiễn nhưng hoàn toàn có thể tìm cách thức hiệu để giải quyết.

Có tỉnh "chưa đi đã tới, chưa nhìn đã hết"

Còn theo ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thực tế nhiều quốc gia trên thế giới, dù có diện tích, dân số lớn hơn Việt Nam rất nhiều nhưng số tỉnh, thành lại ít hơn chúng ta.

"Nói không ngoa thì Việt Nam với 63 tỉnh, thành và hơn 700 đơn vị cấp huyện phải vào top nhiều nhất thế giới. Chính vì việc có quá nhiều đơn vị hành chính dẫn đến biên chế cho hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, địa phương quá cồng kềnh và chi ngân sách quá lớn. Chưa kể gây ra những phiền hà trong quản lý, rối rắm trong thủ tục hành chính, thậm chí là cản trở quá trình phát triển", ông Hòa nói.

Nói không ngoa thì Việt Nam với 63 tỉnh, thành và hơn 700 đơn vị cấp huyện phải vào top nhiều nhất thế giới.
Chuyện tỉnh, chuyện huyện: "Chưa đi đã tới" thì lấy đâu ra dư địa phát triển?- Ảnh 3.ĐBQH Phạm Văn Hòa

Theo đại biểu này, các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí cụ thể để thực hiện, trong đó có thể xem xét, đánh giá xem các tỉnh có diện tích, dân số không đảm bảo, có những điểm tương đồng có thể sáp nhập với nhau để tạo nguồn lực, không gian mới cho phát triển. Việc quyết định cụ thể sẽ phải dựa trên nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các yếu tố, tiêu chí và do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Nhưng nên nghiên cứu để có thể đưa số đơn vị cấp tỉnh về mốc 40 hoặc dưới 40 tỉnh là phù hợp. Bởi thực tế hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là đường sá, đã phát triển mạnh, hệ thống thông tin liên lạc cũng đầy đủ, thông suốt, đảm bảo cho việc quản lý địa bàn rộng, dân số đông.

"Ngày trước, giao thông hạn chế, nếu tỉnh có diện tích lớn, người dân ở đầu tỉnh để vào tỉnh lị phải đi gần 200-300 km, mất rất nhiều thời gian. Nay giao thông phát triển vượt bậc, cùng với đó là công nghệ thông tin, khái niệm đường sá, liên lạc không còn là sức ép nặng nề. Trong khi đó, có những địa phương như Bắc Ninh, Hà Nam, đi từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh bằng ô tô, thời gian không vượt quá 1 giờ. Quy mô một đơn vị hành chính cấp tỉnh mà "chưa đi đã tới, chưa nhìn đã hết" là quá bé nhỏ, bó hep không gian và dư địa phát triển, không phù hợp với thời kỳ công nghệ số và giao thông tân tiến", ông Hòa phân tích.

Chuyện tỉnh, chuyện huyện: "Chưa đi đã tới" thì lấy đâu ra dư địa phát triển?- Ảnh 4.

ĐBQH Phạm Văn Hòa.

Đối với việc nghiên cứu bỏ cấp huyện thì đây là vấn đề liên quan mô hình chính quyền quốc gia 3 cấp hay 4 cấp. Như Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu ở thảo luận tổ trong kỳ họp Quốc hội, 80% các nước có mô hình chính quyền 3 cấp, tức là cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp xã.

Theo đại biểu này, đây là vấn đề rất mới, sẽ có nhiều động chạm, nhất là liên quan con người, do vậy cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá cụ thể để có phương án phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta đang tinh gọn bộ máy thì việc cắt giảm đơn vị trung gian như cấp huyện cũng là cần thiết.

Nhiều tỉnh không đạt tiêu chí về diện tích và dân số

Năm 2016, Ủy ban Thường Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1211 về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, n, sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 27 năm 2022 quy định: tỉnh miền núi, vùng cao có tiêu chuẩn dân số từ 900.000 người và diện tích từ 8.000 km2 trở lên; các tỉnh còn lại dân số từ 1.400.000 người và diện tích từ 5.000 km2 trở lên.

Nghị quyết cũng quy định, cấp tỉnh phải có số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc từ 9 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất là 1 thành phố hoặc 1 thị xã.

Căn cứ tiêu chí này và theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê tính đến năm 2024, có 8 tỉnh thành miền núi không đạt đồng thời cả 2 tiêu chí về diện tích và dân số là: Bắc Kạn (0,3 triệu người, 4.859,96 km2), Tuyên Quang (0,8 triệu người, 5.867,90 km2), Lào Cai (0,8 triệu người, 6.364,00 km2), Đắk Nông (0,7 triệu người, 6.509,30 km2), Cao Bằng (0,5 triệu người, 6.700,30 km2), Yên Bái (0,7 triệu người, 6.887,70 km2), Hà Giang (gần 0,9 triệu người, 7.929,50 km2), Hòa Bình (gần 0,9 triệu người, 4.591,00 km2).

Đối với các tỉnh thành khác, có 13 tỉnh không đạt đồng thời cả 2 tiêu chí về diện tích và dân số là: Quảng Trị (0,6 triệu người, 4.739,80), Hậu Giang (0,8 triệu người, 1.621,80 km2), Hà Nam (gần 0,9 triệu người, 860,90 km2), Bạc Liêu (1 triệu người, 2.669,00 km2), Ninh Bình (0,9 triệu người, 1.387,00 km2), Trà Vinh (1 triệu người, 2.358,20 km2), Vĩnh Long (1,1 triệu người, 1.475,00 km2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1,2 triệu người, 1.980,80 km2), Vĩnh Phúc (1,2 triệu người, 1.235,20 km2), Tây Ninh (1,2 triệu người, 4.041,40 km2), Sóc Trăng (1,3 triệu người, 3.311,80 km2), Hưng Yên (1,3 triệu người, 930,20 km2), Bến Tre (1,3 triệu người, 2.394,60 km2).

Ngoài ra, một số tỉnh không đáp ứng yêu cầu về số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc là từ 9 đơn vị trở lên, như: Lai Châu, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long...

Mạnh Quốc - Hoàng Bích

NGUOIDUATIN.VN | THỨ 6, 21/02/2025 | 12:27

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.