Ai cũng ngại nói về chuyện "phòng the" của mình, nhưng chẳng ai ngại nếu đó là chuyện của một cô gái giời ơi đất hỡi mà ngoài đời mình không quen. Tình dục, từ một thứ cấm kị, trở thành "miếng trầu" trong câu chuyện.
Cấm đoán và giải trí
Có một nghịch lý rất buồn cười là ở Việt Nam, nói chuyện nghiêm túc về tình dục và giới tính thì người ta bụm miệng, đỏ mặt, còn khi lén lút (hay công khai) truyền tay nhau những đường link clip sex bị lộ của người nổi tiếng thì lại rất hào hứng, chẳng chút ngại ngùng.
Thực ra thì điều này cũng dễ hiểu. Ở Việt Nam, mọi người coi tình dục như là một chuyện gì đó cấm kị và đáng hổ thẹn. Bạn không bàn đến vấn đề tình dục chốn đông người hay trong những cuộc hội thoại nghiêm túc (trừ khi bạn muốn gây cười bằng vài trò đùa tục tĩu). Chuyện “phòng the” là thứ mà chỉ có hai người biết với nhau, còn cả thế giới thì nên quay đi giả điếc. Người lớn không nên nhắc đến, trẻ con thì chắc chắn không được biết, còn thanh niên thì bị cấm đoán đủ đường.
Thế đấy.
Nhưng điều mà chắc ai cũng biết, là thứ gì càng cấm đoán thì lại càng có sức hấp dẫn lạ thường. Là vì chúng ta coi đó là chuyện không nên làm, nên khi nó xảy ra (với mình hay với một người nổi tiếng có clip bị tung lên mạng), việc đó bỗng chốc biến thành một công cụ để giải trí, để huênh hoang với bạn bè và bàn tán giữa đám đông.
Ai cũng ngại nói về chuyện “phòng the” của mình, nhưng chẳng ai ngại nếu đó là chuyện của một cô gái giời ơi đất hỡi mà ngoài đời mình không quen. Tình dục, từ một thứ cấm kị, trở thành “miếng trầu” trong câu chuyện.
Giáo dục giới tính?
Tôi vẫn nhớ hồi lớp 7, trường cấp hai có tổ chức một số các buổi giáo dục giới tính cho học sinh. Một lớp được chia ra thành hai nhóm - nhóm nam và nhóm nữ - và mỗi nhóm sẽ có những bài học riêng. Tôi không biết bên nhóm nam được dạy cái gì, nhưng giáo dục giới tính ở nhóm nữ tập trung chủ yếu vào những vấn đề như dậy thì, kỳ kinh nguyệt hay cách chăm sóc da khi có mụn. Thậm chí, tôi còn được nhận một lọ sữa rửa mặt được tài trợ mà chẳng bao giờ dùng.
Hồi đó mới 13 tuổi, tôi nghĩ rằng trường mình hay thật, còn có cả những bài học như vậy. Nhưng sau này nhìn lại, tôi mới nhận ra rằng những buổi giáo dục đó thật hời hợt và thậm chí có phần sai lệch. Sai lệch từ việc tách riêng con trai và con gái. Để quan hệ và sinh ra một đứa trẻ, cần đến hai người chứ đâu phải cứ có tử cung hay dương vật là xong?! Tại sao lại chỉ dạy về một cơ quan sinh dục, mà không cho những đứa 13 tuổi đó hiểu được cơ chế thực sự là như thế nào?
Tôi nghĩ rằng một bạn con gái cũng cần được biết lúc nào dương vật sẽ cương cứng và xuất tinh, hay một bạn trai cũng nên biết về kỳ kinh nguyệt và làm thế nào để tránh thai? Những kiến thức đó rất quan trọng cho cả hai giới chứ!
Chưa kể, nói là được dạy về kỳ kinh nguyệt, nhưng lúc đó mình cũng chỉ được biết rằng hàng tháng mình sẽ chảy máu vì một hoạt động kì bí nào đó ở trong tử cung và khi đó thì cần dùng băng vệ sinh. Không ai giải thích cho những cô bé 13 tuổi rằng một chu kì là như thế nào, lúc nào sẽ chảy máu, lúc nào thì có khả năng thụ thai, vân vân và mây mây.
Đây là những kiến thức căn bản mà bất cứ một người con gái sắp bước vào giai đoạn dậy thì nên biết, vì chỉ khi hiểu cơ thể mình thì bạn mới có thể chăm sóc và bảo vệ nó một cách đúng đắn. Vậy nhưng, những thứ này tôi đều học được nhờ bố mẹ chỉ cho hoặc tự tìm hiểu.
Thiết nghĩ, đấy là trường tôi còn có giờ học giáo dục giới tính. Còn không biết bao trường trung học cơ sở và phổ thông khác trên cả nước không mảy may bận tâm đến vấn đề này, không biết bao bố mẹ và người lớn trong nhà cho rằng đây là chuyện con trẻ không nên biết.
Hậu quả của việc thiếu giáo dục, thiếu hiểu biết này là bao hệ lụy về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa. Là những đứa bé sơ sinh bị tống vào hộp các-tông và bỏ rơi ở chùa vì bố mẹ chúng không thể lo cho chúng, là tỉ lệ phá thai ở lứa tuổi vị thành niên cao một cách đáng sợ, là hằng hà sa số cá nhân đem chuyện riêng tư của một người ra làm trò tiêu khiển.
Ở một nơi xa xôi khác
Bạn trai tôi là người Hà Lan. Hà Lan nổi tiếng thế giới vì là một đất nước với những tư tưởng phóng khoáng và tiến bộ liên quan đến tình dục và giới tính. Những tư tưởng ấy bắt nguồn từ cách họ giáo dục học sinh trên ghế nhà trường.
Tôi thì không đi học phổ thông ở Hà Lan, cũng chưa từng dự một buổi học giáo dục giới tính nào của các trường ở đây. Những gì tôi biết được là từ bạn bè và những người quen xung quanh mình.
Học sinh Hà Lan được dạy về tình dục và giới tính một cách hết sức nghiêm túc, từ cách thức hoạt động của các cơ quan sinh sản của nam giới và nữ giới, cho đến các bệnh lây truyền qua đường tình dục, dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh chúng.
Bạn trai tôi kể rằng, ở trường, anh được dạy cách đeo bao cao su một cách chính xác nhất để giảm thiểu nguy cơ bao cao su bị rách hoặc không thực hiện đúng chức năng của nó. Anh biết cách tính chu kì kinh nguyệt và khoảng thời gian mà cơ thể phụ nữ có thể thụ thai được (anh thậm chí còn ghi lại trong excel với vài phép toán để tính cho đúng). Đây là những kiến thức mà tôi không chắc rằng nhiều học sinh biết nếu chỉ dựa vào những gì được dạy ở trường.
Tôi luôn nghĩ rằng ở Hà Lan, một phần nguyên nhân do tình dục không phải là một vấn đề cấm kị. Thái độ cởi mở của xã hội với vấn đề này đồng nghĩa với việc trẻ con lớn lên được trang bị đủ kiến thức để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn, và nếu chẳng may bị lây bệnh hay mang thai thì cũng không phải lén lút đến những cơ sở y tế thiếu uy tín vì xấu hổ và sợ điều tiếng.
Mưu cầu hạnh phúc
Tôi cho rằng giáo dục giới tính một cách tử tế không chỉ là để bảo vệ và đảm bảo rằng các bạn trẻ sau này ra ngoài xã hội sẽ sống một cách có trách nhiệm. Đó còn là cách để chúng ta có thể hạnh phúc. Ừ, quan hệ tình dục là để duy trì giống nòi - nhưng tình dục đồng thời cũng thỏa mãn ham muốn và đam mê của một con người, và nó đem lại hạnh phúc.
Bố mẹ tôi luôn nhấn mạnh với tôi rằng tình dục là một phần rất quan trọng của một mối quan hệ. Nếu không cảm thấy thỏa mãn về mặt này thì nó sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều thứ khác. Nó có thể khiến cho mình khốn khổ. Hiểu về tình dục, cũng là hiểu cách làm thế nào để có thể làm cho bản thân thỏa mãn và hạnh phúc.
Mà hạnh phúc về mặt thể xác cũng quan trọng như hạnh phúc về mặt tinh thần vậy.
Thế nhưng đến lúc nào thì mọi người ở Việt Nam mới được tự do theo đuổi cái hạnh phúc này?
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.