img

Chuyện tình "vợ nhặt" và vết xăm ngày yêu của cặp đôi U90, nửa thế kỷ chưa một lần cãi vã

Lê Nga

Cả đời sống lang thang, trôi dạt trên sông Hồng, nhưng ông Nguyễn Văn Thành (84 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thủy (83 tuổi) lại có câu chuyện tình đẹp như cổ tích khiến nhiều người ngưỡng mộ. Cuộc đời mỗi con người luôn đi kèm những khát vọng và giấc mộng xa vời, song có những con người hạnh phúc của họ thật bình dị. Bởi hạnh phúc đôi khi chỉ là được bình yên chăm sóc nhau lúc trái gió trở trời…

Một “mái nhà phao” hai trái tim vàng

Men theo con đường nhỏ ở bãi bồi sông Hồng dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội), chúng tôi tìm đến “căn nhà” nhỏ của vợ chồng ông Thành đang sinh sống trong những ngày không biết bao người điêu đứng vì dịch Covid -19…

Tách biệt với 28 hộ dân ở đây, tổ ấm của họ là ngôi nhà phao bé xíu lênh đênh trên sông nước. Để đến được nơi, chúng tôi phải đi qua cây cầu nhỏ bằng gỗ nối giữa bờ sông và “nhà” của ông bà. Thấy có khách, ông Thành từ trong bước ra, bắc cầu cho chúng tôi vào.

img

Tổ ấm đơn sơ chỉ khoảng 15m2 nhưng ấm áp của 2 ông bà.

Do đã có tuổi nên ông Thành bị chứng lãng tai nên mọi người nói gì đều cần có bà Thủy phiên dịch lại. Bà Thủy nói vui với chúng tôi: “Ông bị lãng tai nên khổ lắm, nhà có hai vợ chồng nhưng nói chuyện lúc nào cũng phải hét lên như đang cãi nhau. Có khi ở bên kia sông nghe được nhưng chưa chắc ông đã nghe thấy”.

Nên duyên vợ chồng đã 51 năm nhưng ông bà vẫn luôn dành cho nhau sự quan tâm, chăm sóc như hồi mới yêu. 3 năm trở lại đây, đôi mắt bà Thủy bị viêm màng thống nên không còn nhìn thấy, ông Thành cặm cụi lo từng miếng cơm, manh áo cho người vợ của mình.

Ban ngày ông ở nhà lo cơm nước, phụ giúp bà Thủy những việc sinh hoạt cá nhân. Tối đến, lúc mọi người yên giấc là giờ ông Thành bắt đầu công cuộc mưu sinh của mình. Ông đi nhặt phế liệu từ 9 giờ tối đến 4-5 giờ sáng hôm sau mới về. Là một người vợ, thấy ông vất vả, bà Thủy buồn lòng và không khỏi xót xa: “ Tôi thương ông ấy lắm, cứ lọ mọ đêm hôm, nhưng chân không đi thì mồm không có cái ăn. Nhiều người thương nên cho, chứ ông mắt kém lại lãng tai thì nhặt được bao nhiêu đâu”.

Mặc dù không có với nhau được người con nào, nhưng trong căn nhà nhỏ của ông bà vẫn luôn tràn ngập tiếng cười. Đó là tiếng cười của tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống, của tình yêu thương, hạnh phúc bình dị.

Cầm chiếc quạt phe phẩy cho bà, trên cánh tay của ông Thành vẫn còn nguyên dòng chữ “26-9-69”. “Đây là ngày tôi gặp được bà nhà, đó là ngày đầy ý nghĩa đối với chúng tôi. Tình cảm của tôi cũng như vết xăm này, dù thế nào cũng không phai mờ theo năm tháng”.

img

Trên cánh tay ông Thành vẫn in dấu ngày tháng họ về chung sống với nhau.

Nói đến đây, bỗng nhiên ánh mắt ông Thành hướng về phía người vợ bé nhỏ của mình với nỗi lo âu. Ông lo rằng một ngày nào, ông không còn được ở bên cạnh chăm sóc cho bà. “Tôi chỉ sợ nếu tôi ra đi trước, ai là người lo cơm nước cho bà ấy? Bà ấy có thấy đường đâu mà đi, mà nấu để ăn”, giọng ông Thành như nghẹn lại.

Sống trên đời, người ta chỉ lo liệu có đủ tình cảm để ở với nhau trọn kiếp. Nhưng ngược lại, nỗi lo của ông Thành bà Thủy là tuổi tác, ông bà sợ tuổi già khiến họ phải chia lìa nhau, một người còn lại sẽ không còn ai chăm lo sớm tối. Nghĩ thôi, chúng tôi cũng bất giác nén một tiếng thở dài trong nỗi suy tư về một kiếp người…

Nên duyên vợ chồng từ những tháng ngày cơ cực

img

PV Người Đưa Tin Pháp luật chia sẻ cùng bà Thủy.

Tuy đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Thành vẫn nhớ như in ngày gặp bà ở ga Hàng Cỏ. “Ngày xưa, tôi mồ côi cha mẹ nên năm 1969 ra Hà Nội xin ăn. Thấy bà ấy đang lụi hụi lấy tay gom gạo rơi vãi ở sau nhà ga để nấu lên ăn. Tôi mới đến hỏi chuyện và ngỏ ý muốn “về chung một nhà” với bà ấy”.

Bà Thủy cũng là trẻ mồ côi, đi xin ăn, không xin được ai nên ra nhà ga lượm thóc nấu ăn sống qua ngày. Đồng cảm với hoàn cảnh của nhau, ông bà quyết về chung một nhà để nương tựa vào nhau sống. “Tôi và ông ấy đều thân cô, thế cô, nên khi được ngỏ ý, tôi đồng ý luôn. Những lúc ốm đau còn có người chăm lo”.

Từ hai mảnh đời bất hạnh, khổ cực, họ ghép lại với nhau thành một gia đình nhỏ ấm áp, hạnh phúc. Tuy công việc mò cua bắt ốc chẳng được là bao, nhưng chí ít họ không còn thấy đơn độc nữa. Dù bữa đủ, bữa thiếu, mâm cơm chẳng có gì ngoài đĩa rau luộc và chén mắm nhưng họ đã nắm tay nhau đi qua hơn 5 thập kỷ và chưa từng một lần cãi vã.

img

Bữa cơm đơn sơ của 2 ông bà.

Họ đã gắn bó với nhau, cùng nhau trải qua bao nỗi cực nhọc của cuộc sống suốt theo chiều dài năm tháng. Đến bây giờ, tuy cuộc sống ngày một khó khăn hơn do tuổi già không còn sức lao động nữa, nhưng cặp đôi đã sống với nhau đến đầu bạc răng long này vẫn đầy tình yêu cuộc sống.

“Tôi chỉ mong sao cho mắt bà ấy không bị đau nhiều, có sức khỏe để còn sống với tôi lâu lâu chút”, ông Thành xúc động nói.

Chia tay ông bà vào lúc trời sẩm tối, khi bên kia cầu Chương Dương đã sáng đèn. Chúng tôi ngoảnh lại, thấy “ngôi nhà” nhỏ của ông bà tối đen, nhưng dường như ở đó vẫn ánh lên ánh sáng của tình yêu thương. Cuộc sống ngày càng hiện đại, xô bồ, con người ta dễ dàng vì đồng tiền mà buông bỏ nhau. Song đâu đó, vẫn còn chuyện tình “một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Hãy để tình yêu thương làm “kim chỉ nam” để cuộc sống thêm hạnh phúc và trọn vẹn. Bởi có lẽ, hạnh phúc bền bỉ lại đến từ những điều giản dị, thân thương đến vô thường.

“Dù thiếu thốn về vật chất, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ bỏ rơi người còn lại. Ông ấy và tôi giống như “chiếc áo rách vai” và “quần có mảnh vá”, không thể sống thiếu nhau. Chúng tôi chỉ mong có sức khỏe để được sống bên nhau”, bà Thủy bộc bạch.

L.N

img