Đằng sau khu lăng mộ Hoàng Cao Khải cũng như hiện trạng hiện nay vẫn còn không ít chuyện có một không hai được lan truyền…
Chúng tôi hỏi thăm mãi mới tìm được lăng mộ nằm sâu trong con ngõ 255 Tây Sơn. Đi qua khu chợ cóc đông đúc mới thấy lăng hiện ra trong tình trạng cửa khóa then cài. Cô Trần Thị Lương (53 tuổi) - bán hàng nước ngay trước cổng lăng mộ cho hay: “Muốn vào bên trong lăng mộ thì liên hệ với ông Năm - Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phòng cụm dân cư số 9 mở cửa cho”.
Trong lúc chờ đợi ông Năm xuất hiện, cô Lương kể: “Tôi ở đấy từ bé, chứng kiến sự thay đổi nơi đây cũng như lăng mộ này. Trước, lăng mộ vắng vẻ, hoang tàn, bốn bề trống không, chỉ là các cột đá chống lên, bên trên trần đá. Sau này, bảo vệ xây tường gạch bịt kín như bây giờ, hàng rào quanh lăng cũng do người dân xây”.
Ông Nguyễn Văn Năm (67 tuổi) vừa mở cánh cổng sắt vừa nói: “Còn phải mở cánh cửa xếp nữa mới đi vào trong lăng được. Chúng tôi phải làm mấy lượt khóa như này để bảo vệ lăng, nếu không người dân sẽ chiếm dụng không gian khu này làm nơi chứa đồ”.
Thấy phía bên trên chính diện lăng có một tấm bảng đề “Trụ sở tuần tra nhân dân cụm 9” của Công an phường Trung Liệt, chúng tôi tò mò hỏi ông Năm. Ông cho hay: “Nơi đây trở thành trụ sở tuần tra an ninh nhân dân, nơi mọi người đến khai báo tạm trú tạm vắng từ lâu và cũng may mắn trở thành nơi làm việc của chúng tôi nên không có chuyện người dân vào đây sinh sống như lăng Hoàng Trọng Phu (con trai Hoàng Cao Khải) và cũng không bị tàn phá quá nghiêm trọng”.
Đứng trên bậc thềm của lăng, ông Năm nói: “Trước đây, ở khoảng sân lăng có hàng tượng đá, voi đá uy nghi nhưng nay chỉ còn lại ba pho tượng. Khổ một nỗi, cả ba pho tượng này giờ cũng đều sứt đầu, mẻ tai rồi bị chôn đến gần bụng do sân đã nhiều lần tôn cao”.
Bên trong lăng mộ Hoàng Cao Khải trở thành trụ sở tuần tra nhân dân cụm 9, phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội.
Dẫn chúng tôi vào phía bên trong lăng, ông Năm chỉ bên trái là mộ của Hoàng Cao Khải, bên phải là bà Phạm Thị Tố - vợ ông. Nếu không có sự chỉ dẫn của ông Năm chúng tôi cũng không thể nhận ra ngôi mộ nằm ở đâu bởi hai bên ngôi mộ được che kín bằng một tấm ván gỗ to, mỏng.
Ông Năm cũng cho hay: “Quần thể lăng mộ Hoàng Cao Khải vốn rộng tới 17ha, bao gồm 14 công trình kiến trúc lớn nhỏ như lăng Hoàng Cao Khải, lăng Hoàng Trọng Phu, đồi Nghinh Phong, hồ Tẩm Nguyệt (phía trước lăng Hoàng Cao Khải), khu đền thờ họ Hoàng... nằm rải rác ở khu vực phía tây của gò Đống Đa”.
Ông Nguyễn Văn Năm - Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phòng cụm dân cư số 9, phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội.
Theo ông Năm quần thể lăng mộ gồm nhiều công trình nay gần như trở thành một phế tích tan hoang, bị chia cắt nằm rải rác ở những vị trí khác nhau. Có những công trình bị bàn tay của “hậu nhân” làm cho “biến tướng” tới mức khó có thể tìm được những dấu tích xưa cũ như sập đá bị phá bỏ. Bàn đá trên đồi Nghinh Phong nay nằm trọn trong nhà một hộ dân. Ông Năm thở dài buồn rầu: “Xưa, Hồ Tẩm Nguyệt trước đền thờ Hoàng Cao Khải rất sâu, nước trong vắt. Người dân ở quanh vùng đến gánh nước về ăn, nhưng nay trở thành hố nước đọng và là nơi sinh sống của đàn vịt, ngan bởi nhiều nhà mua về thả đó ăn dần. Không những vậy, không gian xung quanh lăng mộ và hồ Bán Nguyệt bị biến thành chợ tạm. Mùa hè oi bức bốc lên một mùi hôi tanh nồng nặc”.
Theo tìm hiểu được biết, lăng Hoàng Cao Khải được xây dựng theo kiểu chữ “Đinh”, dài 8m, cao 6m, toàn bộ công trình đều bằng đá cẩm thạch trắng được chạm khắc tinh xảo. Đá xây dựng lăng được chở về từ phủ Quốc Oai (Hà Tây cũ) và qua bàn tay chế tác của các hiệp thợ nổi tiếng quanh vùng núi An Hoạch (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Các cột, trụ, xà, bẩy, cửa võng, diềm, tường, nền đều bằng đá và được chạm trổ trau chuốt. Họa tiết chủ yếu được chạm khắc trên đá là hoa sen, lá thông, đầu rồng đặc trưng của thời Nguyễn. Đôi rồng đá ngự trước cửa lăng dù đã bị xô lệch, hư hại nhiều chỗ nhưng vẫn giữ được được vẻ đẹp uy nghi.
Trò chuyện một hồi, ông Năm nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi lăng Hoàng Trọng Phu (con của Hoàng Cao Khải) nằm cách lăng này không xa. Chúng tôi tìm đến và nhận thấy tình trạng lăng Hoàng Trọng Phu cũng tương tự như lăng Hoàng Cao Khải.
Lăng Hoàng Trọng Phu được đánh giá dù xây sau lăng cha mình nhưng lại có quy mô đồ sộ hơn. Toàn bộ mặt cắt ngang của lăng dài 15m, được chia làm nhiều khu nhỏ. Bên ngoài là một gian nhà đá với mái lục giác, hoa văn cầu kỳ, cao trên 7m tính từ nền. Tuy nhiên, lăng mộ bằng đá độc đáo này cũng một thời bị xâm hại nghiêm trọng, trưng dụng làm nhà ở, làm nơi buôn bán và nơi đặt bản tin. Chẳng còn thấy đâu dáng dấp của một công trình đá đẹp nhất đất kinh kỳ mà nó chỉ còn lại dấu tích là những khối đá lớn được chạm khắc những hoa văn tinh xảo, màu trắng của đá cũng biến thành màu đen do khói than, củi.
“Chính quyền địa phương phải mất một thời gian dài mới thuyết phục được người dân chuyển đi nơi khác. Bên cạnh đó, những ngôi mộ của con cháu nhà họ Hoàng dần bị cắt xén, có mộ bị nhà xây chồng lên”, ông Năm cho hay.
Ngược dòng lịch sử, với những giá trị của quần thể di tích kiến trúc này, từ hơn 70 năm trước đã có chủ trương giữ nguyên hiện trạng ấp Thái Hà và khu lăng mộ Hoàng Cao Khải. Trong quyết định xếp hạng di tích ngày 28/4/1962 của Bộ Văn hóa Thể thao (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã đánh giá: “Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương”.
Bên cạnh đó, các nhà sử học Việt Nam từng đánh giá đây là công trình đá đồ sộ thứ hai, chỉ sau Thành nhà Hồ bởi khu lăng mộ có kiến trúc độc đáo, nhiều công trình tinh xảo, đạt đến trình độ kĩ thuật cao trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt. Còn giới nghiên cứu lịch sử người Pháp cho đây là một trong những công trình đỉnh cao của kiến trúc đá phương Đông.
Có giá trị về kiến trúc như vậy nhưng hiện nay, khu lăng mộ không được quan tâm bởi “Lăng mộ này chẳng có xếp hạng nên không được quan tâm bảo tồn. Nếu là di tích xếp hạng đã có ban quản lý đàng hoàng” - đây là lời của ông Năm chia sẻ. Thực tế, khu lăng mộ Hoàng Cao Khải được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1962. Vì nhiều lý do khác nhau, một di tích được xếp hạng song xuống cấp và gần như bị lãng quên...
Hoàng Cao Khải (1850-1933) tên thật là Hoàng Văn Khải, quê làng Đông Thái, thuộc xã Tùng Ảnh, huyện La Sơn (nay là Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Ông đỗ cử nhân năm Tự Đức thứ 21 (1868). Ông là nhà văn, nhà sử học, là đại thần dưới triều vua Thành Thái. Ông Hoàng Cao Khải khi về giá ở ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Để chuẩn bị cho hậu sự của mình, ông Hoàng Cao Khải đã cho khởi công xây dựng khu lăng mộ vào năm 1893. Hoàng Cao Khải là một đại thần và là vị Kinh lược sứ Bắc Kỳ cuối cùng mà người Pháp gọi là Phó Vương.
P.L - H.T