img

Chuyện vô sinh hiếm muộn: Chồng không dám nói thật, vợ gánh chịu tiếng oan

Mai Thu

Hạnh phúc của mỗi gia đình sẽ bền chặt hơn khi có những đứa trẻ, thế nhưng, không phải cặp đôi nào cũng có được sự trọn vẹn ấy vì không ít “đấng mày râu” ôm mặt khóc bởi hai chữ vô sinh, yếu sinh lý và… bất lực. Những giọt nước mắt trong phòng vô sinh hiếm muộn cứ thế lăn dài…

Khi phái mạnh khóc vì... “yếu”

Chúng tôi đến bệnh viện Nam Học và Hiếm Muộn Hà Nội trong những ngày nắng nóng gay gắt đầu tháng và ở đây, chúng tôi được nghe câu chuyện của những con người, những số phận thiếu may mắn. Hành trình tìm con đầy nhọc nhằn, nỗi đau không thể nói thành lời trở thành nỗi ám ảnh hằn trên gương mặt họ

Ngồi ở hành lang bệnh viện, cầm kết quả trên tay nhưng anh Nguyễn Xuân Vinh (SN 1985, Thanh Oai, Hà Nội) không dám ngẩng mặt lên nhìn ai. Bởi, anh sợ ánh mặt dò xét của những người xung quanh với rất nhiều câu hỏi đại loại: Nhìn khỏe anh đến đây làm gì? Sao anh lại khóc? Lỗi do anh hay do vợ anh?

Phải được sự động viên rất nhiều từ chị Trâm (vợ anh Vinh) anh mới có can đảm để giãi bày câu chuyện của đời mình: “Bác sĩ bảo tôi chỉ còn duy nhất 1% tinh trùng, khả năng vô sinh là rất cao. Không những thế, 1% tinh trùng ấy còn dị dạng, nếu như “liều” sinh con cũng sẽ không được bình thường. Cách tốt nhất là tôi đi xin con nuôi. Làm sao để tôi đối mặt được với chuyện này, đối mặt với gia đình hai bên”.

img

Nhiều nam giới bật khóc vì...vô sinh hiếm muộn.

Anh Vinh kể rằng, vợ chồng anh đã đi chữa hiếm muộn được 7 năm. Sau cưới 2 năm mà cái bụng vợ anh vẫn lép kẹp, ban đầu đi khám bác sĩ nói, anh có 40% tinh trùng còn vợ anh nội tiết không đều nên phải chờ. Đến năm thứ 3 vợ anh có bầu nhưng hạnh phúc chưa thực sự mỉm cười bởi vợ anh chửa ngoài dạ con, phải xử lý ngay.

“Năm đó, gia đình tôi đón Tết trong sự u buồn, chẳng ai nói với ai câu nào. Nhiều năm tiếp theo chúng tôi đi chạy chữa, làm IVF (thụ tinh nhân tạo) nhiều nơi nhưng không được. Bỏ mặc một thời gian, gần đây tôi đi khám lại và bác sĩ báo chỉ còn 1% tinh trùng. Vợ tôi không dám nói cho bố mẹ biết lý do là do tôi vì tính sĩ diện của tôi quá cao. Bản thân tôi cũng giấu bệnh để vợ phải chịu tiếng oan”, anh Vinh nói với tâm trạng u buồn.

Nghe chồng nói chị Trâm ngước đôi mắt buồn nhìn anh. Người phụ nữ ấy đã hoang mang và đau đớn khi thấy chồng khóc tu tu như một đứa trẻ vì không có tinh trùng, vì yếu. Anh Vinh khuyên vợ đi lấy chồng khác nhưng chị nào đành lòng. Chị muốn sát cánh bên cạnh dù chỉ còn 1% hy vọng. Nhưng, niềm hy vọng ấy giờ trở nên mong manh hơn khi anh nhận kết quả tinh trùng bị dị dạng. Nếu anh muốn cấy IVF cần làm rất nhiều xét nghiệm. Nhìn anh gục ngã khi nhận tờ kết quả, chị đau thắt tim, nhưng phải kìm lại những giọt nước mắt để làm chỗ dựa tinh thần cho anh. Chị hiểu, giờ đây chỉ có chị mới có thể vực anh dậy.

“Tôi rất nặng nề về chuyện có con nên có thời gian tôi không dám đến những bệnh viện hiếm muộn, bước vào căn phòng lấy tinh trùng. Tôi sợ người ta trêu mình thiếu bản lĩnh, sợ phải vào buồng kín để kích thích và có cảm hứng. Sợ ánh mắt tò mò và sợ ba chữ “yếu sinh lý”. Tôi biết, vợ vẫn luôn bên cạnh động viên nhưng có giây phút tôi yếu đuối. Lỗi do mình thì mình phải gánh chịu, sau hôm nay trở về tôi sẽ nói chuyện để bố mẹ hiểu và không đổ tiếng oan cho vợ nữa. Bản lĩnh kia không có thì tôi cũng không thể đánh mất lòng tự trọng”, anh Vinh bộc bạch.

Những chuyện éo le

Tại bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, không ít những câu chuyện cười ra nước mắt trong hành trình “kiếm” con của nhiều cặp vợ chồng. Trò chuyện với PV tạp chí Người Đưa Tin bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Khắc Lợi (Giám đốc bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ: “Đã có rất nhiều cặp đôi đến chữa vô sinh hiếm muộn mà nguyên nhân là do nam giới. Có người họ bị quai bị dẫn đến teo tinh hoàn, không có tinh trùng hoặc có tinh trùng nhưng không thể có con. Khi đến khám, chúng tôi sẽ tìm hiểu nguyên nhân từ đâu do vợ hay do chồng, sau đó phân tích sâu thêm về nhiễm sắc thể để có kết quả tốt nhất”.

Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, phụ nữ và đàn ông khi nhận tin mình bị vô sinh đều mang nỗi u sầu, bi quan, chán nản về áp lực gia đình, những lời dị nghị bên ngoài. Không những thế, họ còn lo tiền bạc để “tìm” con vì thông thường các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn sẽ đi rất nhiều bệnh viện để mong có phép màu. Tiền bạc mất, thời gian thì “một đi không quay lại” khiến họ luôn ăn không ngon, ngủ không yên.

Bác sĩ Lợi nhớ, cách đây không lâu bác sĩ có tư vấn cho cặp đôi đã kết hôn rất nhiều năm nhưng chưa có con. Bố mẹ đôi bên hắt hủi lẫn nhau và luôn dằn mặt “một trong hai không thể đẻ được thì đi lấy người khác”.

img

BS.CK2 Nguyễn Khắc Lợi

“Tôi có nói với anh chồng rằng, vợ anh bỏ anh có thể đi lấy chồng khác và sinh con bình thường. Nhưng, anh bỏ vợ không thể được vì anh không có tinh hoàn, tinh trùng. Nếu cả hai thực sự yêu nhau hãy cố gắng vun vén hạnh phúc và xin nhận con nuôi hoặc xin tinh trùng để có một đứa trẻ do vợ anh sinh ra. Hai vợ chồng sẽ nuôi và chăm sóc đứa trẻ đó, sau này lớn lên đứa trẻ ấy sẽ có trách nhiệm phụng dưỡng lại bố mẹ vì “cha sinh không bằng mẹ dưỡng”.

Nếu như vì cay đắng, đau đớn, tủi nhục mà bỏ vợ, liệu có ai dám đến với một người không có tinh trùng, không có con. Vì thế, tôi khuyên anh phải luôn nghĩ con ai cũng là con mình và “cá vào ao ta thì ta được””, bác sĩ Lợi cho biết.

Thêm một câu chuyện bi hài, éo le mà đến giờ bác sĩ Lợi vẫn nhớ như in đó là, người chồng khó có con nhưng tiếng oan lại để vợ gánh. Chồng bị cương dương, xuất tinh sớm còn vợ một lần thai lưu, một lần mang thai ngoài dạ con, cắt bỏ buồng trứng phải, hai lần làm IVF ở một viện nhưng không thành. Họ chạy đi chạy lại rất nhiều nơi, mất thời gian và tiền bạc, nặng nề, chán nản về mặt tư tưởng. Bên cạnh đó, bạn bè dè bỉu, xã hội chê cười cô vợ “mày điếc hay sao mà không có con”, nhưng họ đâu biết thực chất là do ông chồng. Phụ nữ không thể sinh con luôn phải nhận sự phán xét cay nghiệt từ người đời. Đó là điều thiệt thòi cho họ.

Đã là đàn ông đừng để người phụ nữ của mình phải chịu quá nhiều gánh nặng, áp lực. Đừng vì tính sĩ diện mà không dám đi khám vô sinh hiếm muộn. “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, đó là điều cha ông đã dạy. “Sai ở đâu thì mình sửa ở đấy, phải tự tin rằng mình sẽ thành công và hạnh phúc khi nhìn ngắm thiên thần nhỏ trong vòng tay”, bác sĩ Lợi chia sẻ.

M.T

img