Thần tốc nói lời yêu thương, thần tốc cưới… là câu chuyện không còn hiếm trong xã hội. Cũng có những người hạnh phúc, nhưng phần nhiều lại chẳng đâu vào đâu. Thế mới thấm câu “dục tốc bất đạt” các cụ đã răn dạy từ ngày xửa ngày xưa.
Trong tình yêu người ta vẫn truyền tai nhau những câu chuyện sét đánh, yêu nhau từ cái chạm mặt, yêu nhau từ ánh nhìn… Mới đây nhất, là câu chuyện cô dâu sinh năm 2000 và chú rể sinh năm 1998 yêu nhau 18 ngày đã đăng ký kết hôn. Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu đó là một cái kết viên mãn. Thế nhưng, ngay trước giờ đón dâu, cô dâu sinh năm 2000 đã quyết định hủy hôn.
Theo tâm sự của cô dâu hụt, quyết định hủy hôn không phải là “một phút bốc đồng” theo cảm xúc, mà là sự tích tụ của rất nhiều những chuyện nhỏ xảy ra trước đó. Từ chuyện cô dâu bị tát ngay trước mặt mẹ đẻ vì nói xúc phạm phía gia đình chồng cho đến chuyện chồng tương lai quát cháu ruột bên vợ phát khóc. Câu chuyện chàng rể ôm cô gái khác trong ngày cưới chỉ là giọt nước tràn ly dẫn đến kết cục không có hậu.
Tất nhiên, mọi sự việc đều có nguồn cơn. Nhưng trong câu chuyện của 2 người này, có lẽ chính là hệ quả của câu “dục tốc bất đạt”. Trong khi cảm tính lại không phải là thứ đi đến hôn nhân thì sự non trẻ trong nhận thức về hôn nhân của những đứa trẻ mới lớn, sự “dễ dãi” trong suy nghĩ về tình yêu và việc lập gia đình của các bậc cha mẹ đã dẫn đến câu chuyện đau lòng này.
Tình yêu, bắt đầu bằng cảm xúc, sự hấp dẫn giới tính; tiếp nối bằng sự thấu hiểu, cảm thông và kết thúc bằng tình thương, trách nhiệm và sự chấp nhận. Đó là cả một hành trình, nỗ lực của hai người chứ không phải câu chuyện một sớm một chiều.
Ở cái tuổi 19, đôi mươi, suy nghĩ bồng bột trong tình yêu thì có thể thông cảm. Nhưng với những ai đã trưởng thành, nếu chưa thực sự tìm được một nơi đủ tin tưởng, đừng nhắm mắt nắm bừa tay một người. Những bậc cha mẹ, nếu thấy con cái “muộn vợ, muộn chồng” cũng đừng tìm mọi cách thúc ép, nay giới thiệu, mai đi xem mặt.
Xây nhà phải có móng, xây dựng gia đình phải có tình yêu, tình thương và rất nhiều yếu tố khác.
Ai cũng muốn có một “ngôi nhà” vững chãi…
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Mộc Miên