Chúng tôi hẹn gặp Thu Loan vào một chiều tan tầm, đúng lúc mẹ vừa chở em về từ trung tâm dạy tiếng Anh.
Chỉ kịp chào hỏi vội mấy câu, mẹ Loan lại tất tả chạy ra bến xe nhận đồ từ quê gửi ra để còn kịp giao hàng cho khách.
Rồi Loan lần tìm chiếc chìa khóa trong ba lô mở cửa mời chúng tôi vào phòng. Thật bất ngờ, bên trong căn phòng nhỏ xinh chưa đầy 10m2 đó là cả một khoảng trời tươi đẹp với hai mẹ con.
Rất nhiều bằng khen, giải thưởng của cô gái khiếm thị được treo ở nơi đẹp nhất; đồ dùng sinh hoạt của hai mẹ con đơn giản thôi, nhưng được sắp xếp rất gọn gàng.
Loan nói: “Tất cả đồ dùng trong phòng đều được mẹ để ở vị trí phù hợp để em tiện sử dụng”. Ngược dòng thời gian, Loan kể cho chúng tôi nghe về hành trình vượt sóng gió để tìm lại ánh sáng của cuộc đời mình.
Có câu “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, nhưng cô gái Nghiêm Vũ Thu Loan (sinh năm 1998 ở xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) không may mắn có được điều đó.
Em sinh ra trong một gia đình thuần nông có ba chị em, nhưng trớ trêu thay Loan và chị gái mình – Nghiêm Thu Trang lại bị khiếm thị bẩm sinh. Mắt của Trang nhỉnh hơn chút xíu với thị lực 0,5/10, cô vẫn có thể tự dò dẫm đi lại được, còn mắt Loan kém hơn cả chị.
15 ngày tuổi Loan đã phải bước vào “cuộc chiến” để giành lại thị lực. Sau ca phẫu thuật đầu tiên, em nhìn được lờ mờ, đủ để phân biệt được những màu sắc cơ bản dưới ánh sáng mặt trời, còn dưới ánh đèn chỉ phân biệt được đen-trắng.
Rồi mỗi lần kiểm tra mắt là một lần Loan và gia đình nhen nhóm chút hy vọng mong manh khi bác sĩ thông báo vẫn còn “1% cơ hội”. Đến hẹn lại lên, bố mẹ lại Loan dốc hết toàn lực, vượt hàng chục cây số để đưa con lên thành phố chạy chữa.
8 năm đầu đời, Loan coi bệnh viện là nhà, trải qua gần chục ca phẫu thuật. Nhưng, kỳ vọng bao nhiêu thì sau mỗi lần tháo băng, em và gia đình lại thất vọng bấy nhiêu!
Lần một, lần hai…còn le lói, càng về sau cảm xúc ấy dần chai sạn. “Nếu biết trước mắt không đỡ, thì em chẳng quyết định mổ vì tốn kém mà cũng không đi tới đâu. Chỉ thương bố mẹ mỗi lần như vậy lại gánh thêm nỗi buồn!”, Loan ngậm ngùi.
Lên 9 tuổi, Loan được Hội người mù tỉnh Hà Tây cũ tiếp nhận, dạy học chữ nổi. Nhưng, bệnh tật vẫn không chịu buông tha em. Học được khoảng một năm, mắt phải của Loan bỗng sưng tấy lên.
Sau khi khám, Loan và mẹ nhận tin sốc khi bác sĩ kết luận mắt của em bị viêm nhiễm, phải khâu giác mạc để tránh ảnh hưởng mắt còn lại. Từ hai mắt nhìn lờ mờ, đủ để phân biệt được ngày đêm, giờ Loan chỉ còn lại một.
Tưởng chừng chút ánh sáng đó sẽ ở lại làm bạn cùng Loan, nhưng rồi một tai nạn năm em 11 tuổi đã cướp đi hy vọng nhỏ nhoi ấy. Loan vĩnh viễn không nhìn thấy gì! Mọi thứ dường như đổ sập trước Loan!
Từ một cô bé ôm giấc mơ làm họa sĩ, muốn vẽ cuộc đời bằng sắc màu, nhưng sau ca mổ, Loan chìm trong bóng tối. “Thật sự, em đã rất sợ và sốc! Nhưng vì đau quá nên lúc ấy em cũng không thể nghĩ gì thêm được nữa”, Loan nhớ lại.
Từ khi đeo mắt giả hoàn toàn, Loan không còn lưu luyến nhiều tới việc chữa mắt. Thi thoảng xem tivi có những trường hợp hiến giác mạc thành công, Loan và bố mẹ lại le lói tia hy vọng.
Nhưng, đó là chút ước mơ nhỏ nhoi chứ không phải là điều Loan chìm đắm. “Hồi nhỏ, ước mơ duy nhất của em là nhìn được, nhưng giờ đây em đã nghĩ khác, nếu không nhìn được bằng cách này, thì hãy cố gắng nhìn bằng cách khác. Đừng mãi đắm chìm trong một giấc mơ không tưởng!”.
Số phận nghiệt ngã đã lấy đi ánh sáng của Loan, nhưng không thể bôi đen tinh thần lạc quan và khát khao cháy bỏng được học tập trong em.
Ngay từ nhỏ, Loan đã bộc lộ tố chất thông minh, lanh lợi. Hiểu được thiệt thòi và nỗi khao khát đến trường của con, mẹ Loan đã năn nỉ một trường tiểu học nhận em vào lớp, nhưng phải chấp nhận ngồi bàn cuối.
Dù học chay song cô bé 7 tuổi ghi nhớ rất nhanh, thuộc nhiều bài thơ văn dài, biết tính toán, nhưng em không biết viết vì không ai dạy.
Tuy nhiên, học được khoảng vài tháng thì Loan phải bỏ dở để đi chữa mắt. 3-4 năm liên tục không được đến trường, em sống khép mình và dè dặt hơn, nhưng vẫn không nguôi giấc mơ chạm tay đến từng vần chữ, con số.
Từ những mẩu truyện, bài văn, bài toán mà chị gái – Thu Trang đọc, dạy cho em nghe hàng ngày, Loan bắt đầu “bước chân” ra thế giới bên ngoài.
Cuộc đời của cô gái khiếm thị được khai sáng khi em tham gia lớp tiền hòa nhập do Hội người mù tỉnh Hà Tây cũ tổ chức.
Ở đây, Loan được học chữ nổi và những kỹ năng sống cơ bản. Dù ban đầu gặp khá nhiều trở ngại, khó khăn nhưng bằng nỗ lực không ngừng của bản thân, cùng sự hỗ trợ của thầy cô, bạn bè, Loan đã vượt qua tất cả và gặt hái được nhiều thành tích học tập trong cả hai cấp học đầu đời.
Khi cánh cửa vào lớp 10 vừa mở ra là lúc Loan phải đối mặt với thử thách mới. Mong muốn được học cấp 3 như bạn bè cùng trang lứa, hai mẹ con Loan rong ruổi khắp nơi nộp đơn vào những trường bình thường, nhưng chẳng nơi nào nhận, chỉ vì “không có chương trình dạy riêng cho người khiếm thị”.
Giữa lúc tuyệt vọng nhất, Loan “vỡ òa” khi được hiệu trưởng một trường THPT ở quận Cầu Giấy nhận vào học.
Chính nhờ có kết quả học tập tốt và hai lần đạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU dành cho trẻ khiếm thị đã giúp em có được cơ hội đó.
Suốt thời gian theo học ở đây, Loan được thầy cô và bạn bè quý mến, hỗ trợ nhiệt tình cả trong học tập lẫn cuộc sống. Tổng kết ba năm học, năm nào Loan cũng trên 8,5, luôn đứng top 3 của lớp.
Tốt nghiệp cấp 3 loại giỏi, nhưng Loan lại gặp khó khăn khi đăng ký vào các trường đại học. Hành trình vác đơn khắp nơi tìm trường của mẹ con Loan một lần nữa bị từ chối.
Nhưng, cô gái ấy vẫn không ngừng hy vọng! Em xin mẹ ở nhà một năm học tiếng Anh, viết sách, dạy ngoại ngữ cho người khiếm thị để “săn” học bổng du học.
Song, một năm là quá ngắn ngủi để cô gái khiếm thị kịp chuẩn bị mọi thứ, vậy nên em đã chuyển hướng – du học tại chỗ. Mong đợi rất nhiều và nếm trải không ít thất bại, nhưng một lần nữa may mắn lại mỉm cười với Loan.
Năm 2019, em được một trường đại học quốc tế danh tiếng có cơ sở ở Việt Nam trao học bổng toàn phần trị giá 1,5 tỷ đồng. Khởi đầu, Loan đã minh chứng khả năng của mình với kết quả tiếng Anh thi đầu vào 6,5 theo tiêu chuẩn quốc tế.
Sau gần một năm theo học, cô sinh viên năm nhất nhận ra một điều còn hạnh phúc hơn nữa: “Em vẫn được học trong môi trường giáo dục quốc tế, được phát huy hết khả năng mà không bị phân biệt đối xử, được tạo điều kiện hết mức để học tập. Nhưng quan trọng nhất là em vẫn được ở gần gia đình, thầy cô, bạn bè. Mẹ vẫn có thể đồng hành, sát cánh cùng em. Còn điều gì hạnh phúc hơn nữa!”.
Hành trình chạm tay tới “cầu vồng” của Loan dẫu nhiều chông gai và nước mắt, song cô gái khiếm thị vẫn vững tin để bước tiếp. Bởi phía sau em luôn có bóng dáng của người mẹ sớm khuya tảo tần lo lắng, đồng hành cùng em trên mọi chặng đường.
Nhắc về đấng sinh thành, Loan đã khóc! Cuộc trò chuyện phải ngưng lại một lúc... Em nói trong nghẹn ngào: “Nuôi một đứa con khỏe mạnh, bình thường đã vất vả rồi, còn bố mẹ em lại phải nuôi hai đứa con khiếm khuyết, gánh nặng đè lên vai quá lớn. Bố mẹ đã dành hết cả tuổi thanh xuân cho các con. Sự hy sinh đó không gì có thể đong đếm được”.
Loan nhớ lại, hồi em và chị gái còn bé, để có chi phí phẫu thuật mắt cho hai con, bố mẹ em đã phải chắt chiu, vay mượn từng đồng.
Trong nhà có gì giá trị một chút là mang bán đi hết. Cuộc sống thuần nông lam lũ bán mặt cho đất bán lưng cho trời vẫn không đủ ăn, bố mẹ phải tất tả ngược xuôi làm đủ nghề để có tiền chạy chữa, thuốc thang cho hai chị em.
Sau này, khi Loan ra Hà Nội học, mẹ em (cô Vũ Thị Hương – PV) cũng phải bỏ công ăn việc làm ở quê, khăn gói ra ở cùng con gái khiếm thị để tiện chăm sóc.
Hàng ngày, mẹ vẫn đưa đón Loan đi học rồi cùng con tham gia các dự án cộng đồng. Năm năm lên thành phố thuê nhà, ngoài thời gian đồng hành cùng con gái, người mẹ ấy phải thức khuya dậy sớm bán nước vỉa hè, buôn rau,…để có tiền trang trải cuộc sống cho hai mẹ con.
Nói đến đây, Loan khoe với chúng tôi, dù không nhìn thấy nhưng em vẫn có thể làm được việc đơn giản như nấu ăn, giặt giũ… Nhờ có mẹ, Loan đã làm được những điều…không tưởng!
“Mẹ vẫn thường nói rất tự hào về hai chị em. Nhưng chính chúng em mới phải là người tự hào, hạnh phúc khi được là con của bố mẹ. Chứng kiến bố mẹ vất vả, nhiều lúc em rất muốn làm gì đó để đỡ đần, nhưng bản thân lại phụ thuộc và không thể làm được gì. Lúc đó, em cảm thấy rất bất lực! Em chỉ mong những năm tháng về sau bố mẹ sẽ được sống an nhàn và hạnh phúc”, giọng Loan trầm xuống.
Vì lẽ đó mà Loan quyết tâm phải thay đổi bản thân để thích nghi với mọi hoàn cảnh. Em không cam lòng phó mặc cuộc đời mình cho số phận! Với cô gái khiếm thị: “Giấc mơ sẽ không nói lời từ chối với những người có quyết tâm”.
Con đường phía trước của cô gái khiếm thị Nghiêm Vũ Thu Loan dẫu còn nhiều chông gai, nhưng em tự tin sẽ vượt qua và chinh phục tất cả.
Ở tuổi 22, cô gái xinh xắn, hay cười ấy vẫn luôn mơ về một tương lai tươi đẹp. “Em muốn trở thành một nhà văn nhân quyền để nói lên tâm tư, khát vọng của những người cùng hoàn cảnh. Em mong tất cả những người bên cạnh mình sẽ được sống hạnh phúc, và hy vọng mình sẽ là một phần tốt đẹp trong cuộc đời họ. Em cũng mong những em bé, trẻ em khuyết tật đều được đến trường, và thực hiện được những điều mình ao ước”, gương mặt Loan ánh lên niềm hy vọng khi nhắc về ba điều ước trong đời.
“Nhắc đến hoàn cảnh của gia đình cô Vũ Thị Hương có hai con gái khiếm thị, anh Vũ Văn Thi – nguyên cán bộ phòng Lao động - Thương binh và xã hội xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội bày tỏ sự ngưỡng mộ. Anh cho biết: “Hai con gái của cô Hương là Trang và Loan dù khiếm thị bẩm sinh nhưng rất nghị lực và học giỏi. Cả hai em đều dành được học bổng của những trường đại học danh tiếng trong nước và quốc tế. Hiện, cả Trang và Loan vẫn đang được hưởng chế độ trợ cấp khuyết tật. Xúc động hơn khi hai chị em đã quyết định chuyển số tiền đó cho bố để nuôi em út đang học cấp 2. Chúng tôi rất cảm phục trước những tấm gương sáng vượt qua bệnh tật để học tập và đạt được thành công như Trang và Loan”.
HL-ĐL