Đoàn Thị Bé Quyền, SN 2000, quê ở tỉnh An Giang tuy còn trẻ nhưng đã có nhiều năm phải mưu sinh xa nhà. Dáng người nhỏ nhắn, yếu ớt nhưng Quyền lại làm nghề phụ hồ nặng nhọc vốn chỉ dành cho đàn ông.
Quyền nói rằng, gia đình Quyền sống tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang và cuộc sống rất khó khăn. Vì thế, Quyền không được đi học, phải ở nhà phụ giúp gia đình làm nhiều việc lặt vặt. Quyền cảm thấy tủi thân khi các bạn cùng lứa được đến trường, nhưng Quyền không được lựa chọn bởi gia đình nghèo quá.
Thương cha mẹ, Quyền ngoan ngoãn ở nhà. Nhưng khi lớn lên, chuyện cơm áo đè nặng, Quyền quyết định bỏ xứ lên TP.HCM kiếm việc làm. Ngặt nỗi, Quyền không biết chữ nên chẳng nơi nào nhận Quyền vào làm việc.
Thông qua nhiều mối quan hệ, Quyền được giới thiệu đến một công trình xây dựng ở quận 7 làm phụ hồ. Cũng tại đây, Quyền gặp và nảy sinh tình cảm với anh Diệp Thanh S., SN 1994, quê tỉnh Sóc Trăng. Khi yêu nhau, 2 người cảm thấy thời gian gần nhau không đủ nên quyết định dọn về sống chung với nhau.
Tình yêu mặn nồng không kéo dài không được lâu, khi những suy nghĩ nông nổi của tuổi trẻ khiến Quyền và anh S. nảy sinh những lần cãi vã. Mâu thuẫn, cãi nhau cứ thế nhiều lên, nhưng Quyền vẫn cam chịu, chung sống với chồng “hờ”, bởi những lúc chồng không say “anh ấy hiền khô” như lời Quyền trình bày.
Bị cáo Quyền giết chồng "hờ" trong lúc nóng giận.
Quyền cũng cho biết, bị cáo sống với anh S. nhưng không đăng ký kết hôn. Căn phòng trọ tại phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM là nơi cả hai thuê và chung tiền trả. Anh S. ngoài giờ làm, thường tụ tập ăn nhậu với bạn bè không quan tâm, chăm sóc Quyền. Không những thế, khi nhậu say, S. như biến thành con người khác, chửi bới, hung dữ và sẵn sàng đánh Quyền khi không thấy vừa ý.
Thương chồng “hờ”, Quyền vẫn nín nhịn, với hy vọng một ngày cả hai sẽ nên duyên. Nhưng Quyền không thể kiềm chế mãi được, khi những trận đòn roi vô cớ, những trận sỉ vả không hồi kết cứ ngày một nhiều lên. Để rồi đúng vào đêm 20/10/2019, ngày mà đáng lẽ Quyền được cưng chiều, thì chồng “hờ” lại trở về phòng trọ trong tình trạng say khướt và đánh Quyền.
Bị anh S. dùng xô nhựa đánh vào đầu, Quyền chẳng thể chịu đựng được nữa, vớ lấy con dao đâm anh S. 1 nhát vào cổ khiến nạn nhân gục xuống. Sau khi đâm chồng “hờ”, Quyền vào rửa dao, dọn dẹp phòng rồi sợ hãi chạy đến nhà dì ruột tại quận Tân Phú ở tạm.
Về phần anh S., vào 3h sáng hôm sau, nhiều người ở cùng dãy trọ phát hiện đã tử vong ở bãi đất trống trước phòng trọ nên báo công an. Qua truy xét, Công an quận 7 bắt giữ Quyền.
Với hành vi nói trên, Quyền bị truy tố về tội Giết người, ở khung hình phạt có mức án lên đến tử hình. Một ngày giữa tháng Tám, TAND TP.HCM đưa Quyền ra xét xử về tội danh này.
Ngày Quyền ra tòa, chẳng có bất cứ người thân nào của Quyền có mặt. Người nhà của nạn nhân S. cũng không đến tham dự tòa. Trong phòng xử án, Quyền đứng một mình sau bục khai báo. Do ý thức được hành vi của mình đáng bị lên án, Quyền luôn cúi đầu ân hận.
Bị cáo Quyền khai rằng, hôm vụ án xảy ra, anh S. về nhà khi đã say mèm. Lúc đó, bị cáo và anh S. cãi nhau lớn tiếng và Quyền bị anh S. đánh, rồi án mạng xảy ra. “Sau khi bị cáo đâm anh S. thì anh bỏ ra khỏi phòng trọ. Bị cáo sợ, nhưng không nghĩ chồng sẽ chết”, bị cáo Quyền trình bày.
Ngày ra tòa, Quyền chỉ có một mình. Người thân của Quyền và cả người thân của nạn nhân đều không có mặt.
Cô gái trẻ mới 20 tuổi này khi khai trước tòa, vẫn gọi anh S. là chồng. Bởi theo Quyền lý giải cả hai đã sống cùng nhau và coi anh S. như chồng mình, dù chưa đăng ký kết hôn.
Rồi Quyền ngậm ngùi, bị cáo không được đi học, không biết chữ nên không biết cáo trạng truy tố mình đúng hay sai. Tuy vậy, Quyền ý thức được hành vi của mình là sai trái nên hối hận: “Bị cáo gây ra vụ án trong lúc không thể kiềm chế được và không nhằm mục đích tước đoạt mạng sống của chồng, mà chỉ để hăm dọa...”. Nói rồi, Quyền bật khóc nức nở.
“Gia đình bị cáo nghèo lắm, bị cáo không được đi học nên nhận thức có phần hạn chế. Nếu hôm ấy, bị cáo bình tĩnh hơn thì đã không xảy ra sự việc đau lòng và chồng bị cáo cũng không mất. Sau khi vụ án xảy ra, bị cáo đã tác động với gia đình đi vay mượn được 8 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Số tiền gia đình bị hại đã bỏ ra lo mai táng phí cho anh S. thì bị cáo xin chịu và sẽ bồi thường”, Quyền trình bày.
Bị cáo Quyền cũng mong HĐXX giảm án cho mình vì tương lai còn dài phía trước. Quyền mong được tuyên án nhẹ để sớm được về với gia đình, làm lại cuộc đời.
Luật sư bào chữa cho Quyền cũng mong tòa xem xét bởi bị cáo không biết chữ, nhận thức hạn chế, gây án trong lúc tức giận. Còn đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm, đề nghị HĐXX tuyên phạt Quyền từ 18 – 20 năm tù giam.
Sau khi nghị án, HĐXX đã nhận định, hành vi của Quyền là nguy hiểm cho xã hội, nhưng chiếu cố và xem xét cho Quyền nhiều tình tiết giảm nhẹ trong khi lượng hình. Sau khi cân nhắc, HĐXX quyết định tuyên phạt Quyền 16 năm tù về tội Giết người.
Trước khi bị áp giải lên xe, Quyền dáo dác đưa mắt tìm người thân nhưng không có ai. Trước khi cánh cửa bít bùng của xe tù đóng lại, Quyền bật khóc nức nở với hai hàng nước mắt chảy dài trên má…
C.T