Biến "phế phẩm" của ruộng muối thành tinh hoa của biển
Sinh sống tại huyện Quỳnh Lưu, là địa phương có vựa muối lớn nhất tỉnh Nghệ An với diện tích hơn 600ha, 12 hợp tác xã, chị Trần Thị Hồng Thắm (SN 1992, trú xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu) nhiều lần chứng kiến diêm dân làm muối tại những cánh đồng giữa trời nắng như đổ lửa và nỗi vất vả của những diêm dân quê mình luôn ám ảnh trong tâm trí chị.
Nhọc nhằn mưu sinh trên những cánh đồng muối nhưng diêm dân lại không ít lần chịu mùa "muối đắng", được mùa mất giá, bấp bênh. Những năm gần đây, làng nghề làm muối truyền thống huyện Quỳnh Lưu đứng trước nguy cơ mai một. Những người trẻ không mặn mà với nghề vất vả này, dẫn đến nhiều diện tích sản xuất muối ở đây bị bỏ hoang.
Thấu hiểu nỗi vất vả, bấp bênh của người làm muối trên quê hương, chị Thắm luôn thường trực một nỗi trăn trở, phải có cách để nâng cao giá trị hạt muối huyện Quỳnh Lưu.
Càng theo dõi về nghề muối, chị Thắm phát hiện ra bà con đang lãng phí cực lớn một nguồn nguyên liệu quý, đó là "mật muối". Đây là phần nước chảy ra từ hạt muối và là lượng nước còn sót lại trên bề mặt phơi ở những cánh đồng, thứ vẫn được bà con làm muối gọi dân dã là nước ót hay nước chạt.
"Mật muối chảy ra từ muối vốn bị xem là chất dư thừa, người dân thường đổ bỏ sau quá trình làm muối. Trước đây, bà con chỉ dùng muối thô để bán, còn phần này được xem là phụ phẩm trong sản xuất, chỉ dùng một ít cho chảy vào các ao hồ tôm để bổ sung khoáng chất. Nếu muối ăn thông thường thành phần chủ yếu là Natri thì trong mật muối là các khoáng chất như Natri, Kali, Magie và khoảng 60 vi khoáng khác", chị Thắm lý giải.
Đưa suy nghĩ này về bàn với gia đình thì chồng chị là anh Hồ Xuân Vinh nhận thấy tiềm năng to lớn. Anh Hồ Xuân Vinh vốn là dân kỹ thuật, sở hữu nhiều sáng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp nên đã tự mình mày mò, nghĩ cách để phát huy được hết giá trị của mật muối.
Đi tìm câu trả lời, vợ chồng chị Thắm đã nhiều ngày phơi mình trên cánh đồng nắng chang chang vào các buổi trưa để nghiên cứu, làm sao nâng giá trị hạt muối, để cuộc sống diêm dân bớt đi vị mặn chát khi muối mất giá.
Sau 5 năm miệt mài nghiên cứu, vợ chồng chị đã chế tạo thành công ra các loại máy móc đặc biệt, có thể phân tách đa tầng, giúp tách riêng từng loại vi khoáng có trong mật muối. Công nghệ này đã nhận được 3 bằng sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công Nghệ). Đây cũng chính là nền tảng quan trọng giúp cho sản phẩm muối NanoSalt khác biệt so với những loại muối khác đang có trên thị trường.
"Chúng tôi đã áp dụng quy trình công nghệ phân tách đa tầng để tạo thành các sản phẩm hữu ích là muối ăn giảm độ mặn, giàu khoáng chất mang tên NanoSalt. Khi lắp đặt chạy thử thành công dây chuyền sản xuất muối, tôi đã rất hạnh phúc vì có thành quả đầu tiên", chị Thắm nói.
Từ đó, chị Thắm thu mua muối và mật muối từ diêm dân tại Nghệ An, sau đó tiến hành tạo ra muối bằng thiết bị cô đặc. Phần dung dịch còn lại sau bước cô đặc sẽ được kết tinh lạnh ở nhiệt độ thích hợp để tạo ra muối giảm mặn đa khoáng.
"Công nghệ chế biến loại muối dinh dưỡng giảm mặn này có phần nguyên liệu đầu vào chỉ khoảng 10% là muối thô còn 80 - 90% đầu vào là mật muối, đồng nghĩa với việc giúp tận thu được từng giọt nước biển trên ruộng muối", chị Thắm chia sẻ.
Riêng mật muối chảy ra từ muối vốn bị xem là chất dư thừa, người dân thường đổ bỏ sau quá trình làm muối nhưng công ty của chị Thắm thu mua với mức giá 1.000-1.500 đồng/lít. Chỉ với công đoạn này, công ty của chị Thắm đã giúp thu nhập của người dân tăng lên 50% so với trước đây.
Tạo sinh kế, giữ gìn làng nghề truyền thống
Chị Trần Thị Hồng Thắm bộc bạch, 5 năm nhưng lại là hành trình vô cùng dài với nhiều chông gai và thử thách. Đó là khi chồng chị "đi vào ngõ cụt" trong quá trình sáng tạo ra công nghệ phân tách đa tầng khoáng biển từ mật muối. Đó là khi chị "vò đầu bứt tai" tìm cách quảng bá hạt muối phơi cát Quỳnh Lưu ra thị trường, từng bước tạo dựng thương hiệu.
Tuy nhiên, chưa một lần cả hai nghĩ đến việc bỏ dự án này. Bởi điều may mắn là hai anh chị có nhau trên hành trình. Khi anh ốm thì chị chăm lo, khi chị mệt mỏi thì anh vỗ về động viên. Từng bước, từng bước một, kiên trì và chắc chắn, hai vợ chồng đã nỗ lực để cho người tiêu dùng thấy được giá trị của hạt muối phơi cát Quỳnh Lưu.
Tháng 6/2022, các dòng muối giảm mặn đa khoáng mang thương hiệu NanoSalt (viết tắt của từ "Nghe An Ocean salt" là Muối biển Nghệ An) chính thức ra mắt thị trường.
"Khi có được sản phẩm thì chúng tôi đã lập hồ sơ đăng ký chứng nhận OCOP. Sau đó, vợ chồng tôi cùng cộng sự lặn lội khắp nơi, tìm đủ mọi cách để các sản phẩm chế biến từ muối Quỳnh có mặt tại các kệ hàng, các siêu thị, các gian hàng trưng bày trong các đợt hội chợ, hội thảo… Đến nay, may mắn NanoSalt được khách hàng đón nhận, có chỗ đứng trên thị trường", chị Thắm nói.
Sản phẩm muối giảm mặn NanoSalt được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Nghệ An, với 16 mã sản phẩm, gồm 2 dòng chính là muối ăn (muối giảm mặn, bột canh giảm mặn, muối tôm, muối chua cay, muối không iốt) và muối dược liệu - làm đẹp (muối ngâm chân, muối tắm cho bé, muối Epsom, muối y tế và muối quà tặng).
Hiện tại, sản phẩm đã có mặt tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước với 45 đại lý và cửa hàng phân phối. Dự án cũng tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và 5 lao động thời vụ, với mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài những giá trị sức khỏe và kinh tế mang lại, dự án NanoSalt thành công còn giúp hơn 10.000 bà con diêm dân cùng 12 hợp tác xã muối tại Quỳnh Lưu có đầu ra ổn định, nguồn thu nhập tốt hơn, tạo nhiều sinh kế cho nghề muối truyền thống của địa phương.
Vợ chồng chị Thắm sở hữu nhà máy sản xuất muối riêng với diện tích 800m2, nằm cạnh Quốc lộ 1A, thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Mỗi tháng, cung ứng ra thị trường 15 - 20 tấn muối NanoSalt.
Các sản phẩm muối giảm mặn NanoSalt đem lại các giải pháp toàn diện, hiệu quả cho người dân Việt Nam trong việc nâng cao sức khỏe tim mạch, sức khỏe trao đổi chất, làm đẹp, góp phần khai thác hiệu quả, hướng đến chế biến sâu tài nguyên muối biển của Việt Nam.
Tháng 3/2023, chị Trần Thị Hồng Thắm vinh dự là một trong 16 đảng viên được Tỉnh đoàn Nghệ An vinh danh là đảng viên trẻ xuất sắc. Đây là thành quả xứng đáng cho nỗ lực, phấn đấu không ngừng của nữ đảng viên mới 4 năm tuổi đảng.
"Tôi xác định, là đảng viên, là thanh niên trẻ thì phải không ngừng phát triển bản thân, phát triển kinh tế doanh nghiệp và phải tạo ra giá trị đối với xã hội. Lựa chọn nông nghiệp để khởi nghiệp, tôi biết rằng con đường không hề bằng phẳng và lắm rủi ro, nhưng may mắn bên cạnh tôi luôn có sự ủng hộ, hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và các cộng sự", chị Thắm cho hay.
Nói về định hướng phát triển sản phẩm NanoSalt trong tương lai, chị Thắm cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo ra các sản phẩm muối vì sức khỏe cộng đồng, hướng đến xuất khẩu những sản phẩm muối cao cấp, đưa thương hiệu muối Việt "định vị" trên bản đồ thế giới, giúp bà con diêm dân tăng thu nhập, giữ gìn được làng nghề muối truyền thống phát triển bền vững".
Ông Nguyễn Quý Linh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An cho biết, không ngừng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, sâu rộng là hướng đi đúng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay và trong tương lai. Dự án của chị Trần Thị Hồng Thắm và các cộng sự đang đi đúng hướng và dự kiến sẽ còn phát triển.
"Sản phẩm muối giảm mặn đa khoáng của chị Thắm và các cộng sự liên tiếp gặt hái nhiều giải thưởng về khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học trong tỉnh và toàn quốc. Khi doanh nghiệp giúp nông dân tăng thu nhập và ổn định, phát triển kinh tế thông qua nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp thì chính người nông dân sẽ đồng hành để doanh nghiệp phát triển bền vững", ông Linh nói.
Dự án muối NanoSalt của chị Trần Thị Hồng Thắm đã đạt nhiều giải thưởng trong năm 2022 như: Giải nhất Cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh"; giải ba Cuộc thi "Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo"; giải nhì Cuộc thi "Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Nghệ An mở rộng"; giải nhất cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh Nghệ An; giải nhì Cuộc thi "Chắp cánh khởi nghiệp xanh 2022"...