img

Có nên bỏ tục lì xì ngày Tết ?

Đỗ Chang

Lì xì là một phong tục không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, ngày nay khi cuộc sống khấm khá hơn thì những bao lì xì lại trở nên “nặng nề” với không ít người.

Không rõ từ bao giờ, nhưng qua bao nhiêu thế hệ, người Việt vẫn truyền nhau tục mừng tuổi (lì xì) đầu năm mới. Bắt đầu từ thời khắc giao thừa thiêng liêng, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mọi người lại cùng quây quần bên nhau, người lớn lì xì cho trẻ nhỏ mong cho hay ăn, chóng lớn, học giỏi. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ thể hiện lòng thành kính biết ơn, cầu chúc cho các đấng sinh thành sức khỏe và nhiều bình an.

Lì xì là mang đến điều may mắn, tốt đẹp cho người nhận nhân dịp đầu xuân năm mới. Ý nghĩa tốt đẹp ấy không nằm ở giá trị vật chất (tiền nhiều hay ít) của phong bao lì xì mà nằm ở giá trị tinh thần năm mới nhận được lời cầu chúc may mắn sẽ hên và hanh thông cả năm. Phong bao lì xì thường là màu đỏ, là màu của may mắn, kèm theo tiền lì xì ở bên trong. Việc để tiền lì xì trong phong bao thể hiện sự kín đáo, khiến người nhận không so bì nhiều ít dẫn đến xích mích hay chuyện không vui.

Nhưng theo thời gian, khi mà điều kiện kinh tế của từng gia đình được cải thiện, cuộc sống khấm khá no đủ hơn, thì cũng là lúc mà câu chuyện lì xì ngày Tết trở thành gánh nặng cho nhiều người. Thậm chí trở nên biến tướng, gây mất thiện cảm trong những ngày đầu năm mới.

img

Không ít gia đình cảm thấy lì xì là gánh nặng. (Ảnh minh họa)

Dù Tết không có thêm thu nhập nhưng ai cũng phải trích ra một khoản tiền, nhờ người đổi tiền mới để mừng tuổi cho con cháu. Cận kề ngày Tết, mọi người “nhốn nháo” tìm đến dịch vụ đổi tiền mới dù phí cao ngất, lên tới 20%. Rồi đến chuyện trước khi đi chúc Tết phải nhìn xem trong ví có bao nhiêu tiền, lì xì ít thì thấy ái ngại nhưng lì xì nhiều lại “lo” không xuể.

Có lẽ ngày nay cũng không còn mấy ai đủ can đảm lì xì cho các em nhỏ 10-20 nghìn đồng nữa. Lại có những thực tế rằng, nhiều trẻ nhỏ bị ảnh hưởng bởi người lớn, chẳng hề để ý đến ý nghĩa hay những câu chúc khi được lì xì, mà chỉ chăm chú mở xem “ruột” được bao nhiêu tiền. Hành động bóc lì xì trước mặt khách rồi bĩu môi chê của không ít đứa trẻ ấy đã trở thành ấn tượng xấu ngày Tết. Cứ thế, Tết mất vui vì những phong bao lì xì.

img

Phải chăng, tự bản thân chúng ta đang làm phong tục lì xì trở nên xấu xí?. (Ảnh minh họa)

Không phải tự nhiên mà nhiều người kêu gọi nên bỏ phong tục lì xì ngày Tết. Bởi họ cho rằng, bỏ lì xì là bỏ đi nỗi phiền toái, bỏ đi những gánh nặng trong những ngày đầu năm mới. Khách quan nhìn nhận, lì xì ngày Tết vẫn luôn mang ý nghĩa đẹp và nhân văn. Phải chăng, tự bản thân chúng ta đang làm phong tục ấy trở nên xấu xí?.

Để lì xì không làm mất vui ngày Tết, người lớn cần giáo dục con em mình về ý nghĩa của việc lì xì để trẻ nhỏ biết tôn trọng người đang chúc cho mình nhiều điều may mắn như việc không được bóc lì xì ngay hoặc là bóc trước mặt người đưa lì xì. Người lớn cũng như trẻ nhỏ, ngày Tết chớ nên nói chuyện lì xì ít hay nhiều, càng không nên nói chuyện về tiền trong dịp năm mới. Đừng để trẻ thơ bị cuốn vào vòng xoáy của đồng tiền.

Khi nhận được lì xì, cần dạy cho trẻ sự biết ơn, quý trọng vì đó là món quà tinh thần to lớn. Người lớn đừng so đo, tính toán thậm chí thể hiện sự sòng phẳng trong câu chuyện lì xì đầu năm. Đừng quan tâm tới giá trị vật chất, hãy hướng đến giá trị tinh thần, để phong tục lì xì luôn mang ý nghĩa tốt đẹp vốn có. *Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Đ.C

img