Có nên xem đối tượng nghiện ma túy là "người bệnh"?

Cuộc sống của những gia đình có người thân dính vào nghiện ngập như đu trên dây. Vậy nên, không thể xem những đối tượng nghiện ma túy là "người bệnh" mà phải có cách ứng xử cứng rắn hơn.

img

Theo cục Phòng chống tệ nạn xã hội, hiện cả nước có trên 240.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số trên thực tế phải gấp 3-4 lần, nghĩa là khoảng 1 triệu người. Trong đó, số người nghiện ma túy đá tiếp tục tăng mạnh (chiếm 60% - 70%) và ngày càng trẻ hóa.

Tôi có hai thằng em họ quê Hải Phòng, học hành đàng hoàng, gia đình tử tế nhưng chả hiểu ma xui quỷ khiến nào, cả hai bập vào ma túy. Không thể chịu đựng nổi, gia đình đưa hai đứa vào trung tâm cai nghiện, dạng bắt buộc.

Tuy nhiên, hết thời hạn 18 tháng, về nhà, được dăm bữa, chứng nào tật nấy. Không khí gia đình lúc nào cũng ảm đạm như có tang. Hàng xóm thì nơm nớp lo lắng ra mặt, chỉ sợ nhỡ ra chúng lên cơn ngáo gây sự cố. Lúc tỉnh táo, chúng khóc như mưa, bảo ân hận lắm. Song, chỉ vài phút, quay ra xin tiền. Hễ thấy mắt hai thằng quý tử vằn lên, bà mẹ 70 lật đật moi hầu bao, móc ra từ đồng lương hưu còm cõi, đưa cho chúng thì mới được yên.

Trong tiềm thức, chúng hiểu rằng, nghiện thì không có tội, chỉ là “tôi nghiện thôi mà”, cũng giống như người khác nghiện thuốc lá, rượu bia…mà lý lẽ của đám nghiện thì kinh khủng lắm, kiểu gì chúng cũng bao biện ngọt xớt.

Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, phải thấy được ma túy là nguyên nhân của nguyên nhân gây ra các loại tội phạm. Cai nghiện bắt buộc là giải pháp cuối cùng khi cai nghiện tại gia đình và cộng đồng không hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc chỉ xử lý người nghiện theo hướng hành chính mà không xử lý hình sự khiến chúng ta không quản lý được người nghiện, tình hình vì thế càng phức tạp. Hình sự hóa việc sử dụng ma túy là điều cần thiết bởi thả nổi người nghiện sẽ kích thích hành vi mua bán, tàng trữ ma túy.

Thực tế cho thấy, tình trạng con nghiện bị “ngáo đá” ngày càng nhiều, vô cùng nguy hiểm. Mới đây, 3 cháu bé ở TP.HCM bị kẻ ngáo đá chém thương tích phải điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV. Trước đó, thanh niên ngáo đá cầm dao cố thủ trong nhà một người dân ở TP.HCM; nam thanh niên ngáo đá khác ở Đà Nẵng lột sạch quần áo đánh đu ở độ cao gần 100m...

Không ít nạn nhân của đối tượng ngáo đá là ông bà, cha mẹ, vợ con của chính họ. Bởi trong cơn hoang tưởng, kẻ nghiện luôn mơ hồ, ảo giác dẫn đến những hành vi mất nhân tính.

Danh sách các vụ án liên quan đến đối tượng ngáo đá còn rất dài khiến dư luận vô cùng lo lắng. Rất nhiều ý kiến yêu cầu cơ quan chức năng phải cấp bách có giải pháp để phòng ngừa đối tượng ngáo đá gây án, lập hồ sơ quản lý người nghiện ma túy, đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc... Đặc biệt, để có những biện pháp hữu hiệu hơn, phải sửa đổi, bổ sung luật Phòng chống ma túy, Bộ luật Hình sự để có mức xử phạt thật nghiêm.

Chia sẻ với những gia đình có người thân dính vào nghiện ngập, họ đang có cuộc sống như đu trên dây, không biết tai họa giáng xuống lúc nào. Vậy nên, không thể xem những đối tượng nghiện ma túy là "người bệnh" mà phải có cách ứng xử cứng rắn hơn để bảo đảm sự bình yên cho xã hội.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img