Trong những vụ án vị thành niên, nỗi đau nhân đôi thường dành cho người làm cha, làm mẹ. Họ tự trách mình chưa quan tâm dạy dỗ con cái chu toàn. Nhưng cứ bảo bọc mãi có phải là cách làm đúng hay chỉ nên dẫn đường để con bước đi tự làm chủ bản thân.
Vụ “con bị hiếp dâm, lộ ra chuyện mẹ cũng từng bị xâm hại” vừa được TAND Cấp cao xử giám đốc thẩm cách đây chưa lâu khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Sau nhiều tranh cãi cùng hành trình tố tụng kéo dài suốt 6 năm, dù 6 lần “yêu” bạn gái trẻ con, nhưng bị cáo vẫn chính thức được tuyên bố là vô tội. Nguyên do là trong cả 6 lần “vượt rào”, có lần bị cáo chưa đủ 18 tuổi nhưng cũng có lần nạn nhân đã trên 13 tuổi…
Tình trạng “ăn cơm trước kẻng” diễn ra khá phổ biến (Ảnh minh họa).
Trớ trêu thay, từ chuyện con "yêu" sớm mới lộ ra chuyện mẹ nạn nhân cũng từng sinh con khi chưa đủ 13 tuổi!
Câu chuyện “yêu sớm” của 2 mẹ con do dòng đời xô đẩy, sự thiếu quan tâm của người làm cha, làm mẹ hay xót xa hơn có người sẽ buông lời nói “di truyền mà ra”, “mẹ nào con nấy”…
Vài năm trở lại đây, chuyện “nho hái xanh” đã không còn hiếm lạ. Bất luận hung thủ “gây án” cố tình phạm tội hay phạm tội vì quá ngây thơ (tin vào lời nói dối về tuổi của bạn gái) thì đều phải trả giá.
Việc bị cáo “yêu” bạn gái nhí thoát vòng lao lý vào phút thứ 89 có thể cũng được xem là “nạn nhân”, “nạn nhân” của tình yêu bồng bột, của sự nói dối tuổi tác để học làm người lớn sớm.
Rùng mình với những vụ án hiếp dâm trẻ em (ảnh minh họa)
Tình yêu không có lỗi, nhưng mang danh tình yêu làm những điều pháp luật không cho phép, có “tại anh, tại ả” thì hậu quả cũng rất nặng nề. Thực tế, trong một số vụ án, nạn nhân còn chủ động…quan hệ với hung thủ vì nghĩ đó là yêu! Có em còn quan hệ cùng lúc với 2 thanh niên khác nhau và dẫn tới hậu quả là có thai nhưng không biết là của người nào?!
Để xảy ra những vụ án đau lòng này, có người sẽ hỏi vậy trách nhiệm của phụ huynh ở đâu khi con “trưởng thành” quá sớm?. Ở đây, không thể nói nhà trường không giáo dục giới tính cho các em, cũng không thể đổ hết “tội” cho internet.
Thay vì để con tự chịu trách nhiệm trước hành vi phạm pháp của mình, nhiều người lại tìm cách “chạy chọt” để con thoát tội bằng cách đến gặp cha mẹ nạn nhân xin cho “đôi trẻ” được tổ chức đám cưới, nhận cháu nội, ngoại…
Vô hình trung, những giải pháp mang tính “nối giáo cho giặc” ấy sẽ khiến những đứa trẻ hình thành tư duy ỷ nại, sống buông thả…
Thay vì “con dại cái mang”, cá nhân tôi cho rằng ngoài việc nâng cao trách nhiệm của chính mình, phụ huynh phải để con trẻ tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, không ôm đồm, cũng không sống thay.
Chỉ như vậy, con cái mới có trách nhiệm với bản thân, có ý thức với mỗi việc mình làm phù hợp theo từng độ tuổi. Dạy con từ trong trứng nước, tuổi nhỏ trách nhiệm với việc nhỏ, cứ thế lớn dần theo năm tháng. Khi con dại xin… cái đừng mang, con mới sống có trách nhiệm với bản thân và nỗi đau của cha mẹ mới không tái diễn!
Ánh Dương *Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.