Ngày nay, người ta vẫn thường nói đến nỗi vất vả và áp lực của học sinh trong học tập. Không chỉ những cấp học lớn như cấp 3 hay đại học, cuộc đua vào đời bắt đầu từ những năm cấp 1, khi những cô cậu bé gánh nặng trên vai hàng kg sách vở, cùng khối lượng bài tập khổng lồ được giao về nhà, khiến người lớn cũng phải toát mồ hôi hột.
Áp lực học tập của học sinh có thể khiến người lớn cũng phải lên cơn đau tim theo đúng nghĩa đen. Mới đây, tờ NY Post đã đăng tải một câu chuyện có thật như vậy xảy ra ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Một người đàn ông tên Liu, 45 tuổi được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim do quá căng thẳng sau khi kèm con học bài.
Từ tháng trước, Liu bắt đầu kèm con trai đang học lớp ba làm bài tập toán mỗi tối. Nhưng sau mỗi lần căng não cùng con giải những bài toán tưởng chừng như khá dễ dàng đối với người lớn, ông nhận thấy những cơn đau nhói ở ngực. Hôm 27/9, Liu liên tục đặt cùng một câu hỏi cho con trai, nhưng cậu bé không thể tìm ra đáp án. Khi đó, Liu đột nhiên bị đau ngực dữ dội, khó thở và ngất xỉu.
Nhận thấy có điều gì đó không ổn, hôm sau Liu đến bệnh viện nhưng rồi lại bắt đầu co giật, sùi bọt mép và ngất đi lần nữa. Các bác sĩ kịp thời cấp cứu và ổn định tình trạng của Liu. Các cuộc kiểm tra sau đó cho thấy Liu bị nhồi máu cơ tim, trong đó động mạch vành chính của ông gần như bị tắc nghẽn hoàn toàn.
Bác sĩ cho biết tình trạng của Liu bắt nguồn từ sự căng thẳng, tức giận trong lúc dạy con học. Cơn kích động khiến huyết áp của Liu tăng vọt, làm tổn thương mạch máu và tim. Các bác sĩ cũng nói rằng tình trạng của Liu sẽ là "không thể tưởng tượng được" nếu ông không đến bệnh viện khám kịp thời. Thế mới thấy, dạy con học cũng là một hoạt động nguy hiểm.
Tất nhiên, đó là câu chuyện khá hy hữu và không phải ai cũng sẽ như vậy, vì tình trạng của Liu cũng một phần là do cơ địa và ảnh hưởng từ thói quen hút thuốc lâu năm. Nhưng điều đó cũng một phần nào nói lên rằng, học tập thật vô cùng khó khăn, gian nan, đặc biệt khi sức ép của việc hiểu bài dồn lên những đứa trẻ chỉ mới 9, 10 tuổi thật không nhỏ.
Một nghiên cứu năm 2015 được thực hiện đối với 2.000 ông bố và bà mẹ ở Anh cho thấy, có tới 2/3 số phụ huynh “bất lực” trong việc giúp con cái làm bài tập về nhà. Trong đó, Toán và Khoa học là 2 lĩnh vực khiến các bậc cha mẹ gặp nhiều khó khăn nhất. Tất nhiên, họ cũng cảm thấy vô cùng xấu hổ khi không thể giúp đỡ con mình.
Câu chuyện tưởng đùa nhưng lại là sự thật. Với chương trình học ngày càng nặng, những bài tập về nhà theo dạng lắt léo, đố mẹo, thậm chí là chưa từng xuất hiện trong hệ thống giáo dục trước đây đang làm khó cả chính các bậc phụ huynh vốn cũng là những người có chuyên môn, học hàm.
Không chỉ khó, khối lượng bài tập về nhà cho học sinh cũng ngày càng tăng dần theo năm tháng, tạo nên khối lượng công việc chất đống trong một thời khóa biểu kín đặc từ 7h sáng đến 9h tối, từ học chính đến học thêm, chưa kịp nghỉ ngơi đã phải làm bài tập. Đứa trẻ trở nên ngộp thở nhưng vòng quay lặp đi lặp lại như vậy bất kể cuối tuần và kéo dài như thế cho đến khi vào đại học.
Cũng vì dành thời gian học tập quá nhiều mà học sinh ngày nay không có khoảng trống rảnh rỗi để tham gia các hoạt động thể chất, khiến cơ thể ngày càng yếu ớt, cận thị, lưng còng và thấp bé.
Dịp khai giảng năm 2019, dư luận cũng được phen dậy sóng khi một phụ huynh lớp 5 trường tiểu học Bế Văn Đàn (Đà Nẵng) đã phản ánh đến cơ quan chức năng về việc con mình phải làm bài tập về nhà quá nhiều. Cụ thể, cô giáo chủ nhiệm lớp không chỉ giao bài tập về nhà mà còn yêu cầu học sinh phải chuẩn bị bài cho các tiết học mới vào ngày hôm sau. Điều này đã khiến cho học sinh luôn phải giải quyết khối lượng bài vở cho đến tận tối muộn mới xong.
Trước phản ánh trên, ngành giáo dục Đà Nẵng đã có biện pháp xử lý và chấm dứt các hình thức sư phạm không đúng theo quy định của ngành, gây áp lực học tập cho học sinh từ phía cô giáo chủ nhiệm.
Mặc dù có thể nói rằng bất kỳ thầy cô giáo nào giao thêm nhiều bài tập cũng đều muốn tốt cho các học sinh chứ chẳng vụ lợi được gì. Nhưng, áp dụng một cách không phù hợp với thể trạng, lứa tuổi, khả năng tiếp thu của học sinh sẽ gây ra những phản ứng trái ngược và thậm chí có thể khiến cha mẹ “đau tim” như câu chuyện của ông bố ở Trung Quốc nói trên.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!