UBND thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đã duyệt chi xây dựng 2 cổng chào loại lớn ở cửa ngõ phía Bắc và phía Nam dẫn vào thành phố Đồng Hới. Trong đó, cổng chào ở phía Bắc nằm trên địa phận xã Lộc Ninh, phần tiếp giáp với địa phận huyện Bố Trạch và cổng chào ở phía Nam thuộc phường Phú Hải, phần tiếp giáp với huyện Quảng Ninh.
Tổng mức đầu tư cho công trình này là 13 tỷ 700 triệu đồng được lấy từ nguồn ngân sách địa phương, do UBND thành phố Đồng Hới làm chủ đầu tư.
Mục đích của việc xây dựng 2 cổng chào là để phát triển không gian công cộng, thực hiện chỉnh trang đô thị và tạo điểm nhấn nơi cửa ngõ đi vào thành phố Đồng Hới, góp phần quảng bá hình ảnh Đồng Hới, trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh Quảng Bình.
Phối cảnh cổng chào vào thành phố Đồng Hới.
Thông tin về số kinh phí thực hiện xây dựng 2 cổng chào lên tới gần 14 tỷ đồng khiến dư luận tỉnh Quảng Bình xôn xao. Nhiều người cho rằng, mức kinh phí xây dựng cổng chào tới gần 14 tỷ đồng là quá lớn, gây lãng phí và nên chăng, thay vào đó là việc xây dựng các công trình mang tính cộng đồng khác có ý nghĩa hơn?
Để có cái nhìn khách quan, đa chiều hơn, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với đại diện chủ đầu tư công trình - ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thành phố Đồng Hới.
Theo đó, dự án cổng chào vào thành phố Đồng Hới, có tổng mức đầu tư 13 tỷ 700 triệu đồng bao gồm thực hiện nhiều hạng mục, trong đó: Phần phần xây lắp 2 cổng chào chiếm 7 tỷ đồng, phần chi phí còn lại để chi trả tiền giải phóng mặt bằng (chi phí giải phóng mặt bằng cho 3 hộ dân là hơn 2,6 tỷ đồng) và di dời các hệ thống đường dây điện lực 35KV dọc Quốc lộ 1A, di dời các hệ thống của các nhà mạng viễn thông và hệ thống cấp nước.
Theo tìm hiểu, dự án cổng chào vào thành phố Đồng Hới có chủ trương đầu tư từ năm 2016, sau đó tổ chức thi tuyển chọn kiến trúc và hoàn thiện các thủ tục liên quan. Đến đầu 2020, công trình mới chính thức được khởi công xây dựng.
Liên quan đến việc đơn vị thi công là công ty TNHH xây dựng tổng hợp Hoàng Gia đã sử dụng một phần lòng đường QL 1A để thực hiện thi công các hạng mục công trình khiến đoạn đường qua công trình này bị bó hẹp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, ông Sỹ cho rằng đơn vị đã làm các thủ tục xin phép các cơ quan chức năng liên quan.
Phần cổng chào ở phía Bắc đang dần hoàn thiện.
Cụ thể, sau khi hoàn thành các thủ tục đã được Tổng cục đường bộ Việt Nam cho phép, sau đó Tổng cục đường bộ 2 (Nghệ An) cấp phép giấy phép thi công công trình. Hạng mục cổng chào được gia công trong xưởng sau đó được đưa ra gần khu vực móng để hoàn thiện do đặc thù thi công. Trong giấy phép của Tổng cục đường bộ không cho phép chặn đường mà phải đảm bảo lưu thông qua lại nên đơn vị thi công chỉ tận dụng một phần lòng đường thực hiện phần lắp ghép công trình.
Cũng theo ông Sỹ: “Khi hoàn thành hồ sơ thiết kế cũng đã tính toán đến kết cấu và được sở Xây dựng thẩm định và tính tải trọng gió đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Bản thân đơn vị và các cơ quan liên quan, rất cẩn thận trong việc kiểm tra hồ sơ và thực hiện dự án, để công trình được hoàn thiện và đưa vào sử dụng một cách đảm bảo nhất”.
N.H