img

Cộng điểm nghề trong thi tốt nghiệp sẽ làm mất giá trị giáo dục hướng nghiệp

Cẩm Mịch

Ủng hộ cho học sinh tiếp cận giáo dục hướng nghiệp từ tiểu học, song, TS Hoàng Ngọc Vinh lại lo ngại việc cộng điểm cho thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh sẽ trở thành “rào cản”.

Cộng điểm nghề trong thi tốt nghiệp là không hợp lý

img

Theo dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đang được bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lấy ý kiến dư luận, đây là lần đầu tiên học sinh tiểu học sẽ được giới thiệu về vấn đề việc làm trong trường học.

Liên quan đến vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp (bộ GD&ĐT) - cho hay, ông hoàn toàn ủng hộ giáo dục hướng nghiệp cho học sinh từ bậc tiểu học, rất phù hợp với xu hướng của thế giới và không nên nghĩ đó là điều gì to tát. Đặc biệt, không nên tách thành một môn học cho đến khi học sinh học hết THCS mà cần dạy lồng ghép tích hợp vào các môn học khác thì hiệu quả hướng nghiệp mới cao.

Theo ông, giáo dục hướng nghiệp cần được tích hợp qua các bài học trên lớp và qua học tập trải nghiệm để học sinh nhận biết dần cuộc sống xã hội trong đó có hoạt động nghề nghiệp của con người.

Nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp cũng phân tích: “Để làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường, thì đội ngũ giáo viên phải được chuẩn bị tốt hơn, sử dụng nhiều tình huống, lồng ghép vào bài học để học sinh có những tiếp cận đầu tiên. Tức là, học sinh sẽ được giới thiệu về một số nghề nghiệp, chứ không phải đào tạo các kỹ năng nghề vì muốn đào tạo kỹ năng nghề phải có giáo viên nghề, trang thiết bị dạy nghề... Ở bậc THCS, không cần thiết tách bạch giáo dục hướng nghiệp dạy nghề thành một môn học riêng (đào tạo nghề phổ thông). Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia làm như vậy hiệu quả không cao, tác dụng đến phân luồng học sinh sau THCS không rõ...”.

“Nếu có, thì chỉ nên đào tạo kỹ năng của một số nghề phù hợp với giáo dục chuyên biệt cho học sinh bị khiếm khuyết như khiếm thị, khiếm thính… Đến bậc THPT, thay vì giáo dục hướng nghiệp thì cần tổ chức tư vấn hướng nghiệp hoặc giáo dục nghề nghiệp”- ông phân tích.

Cũng theo ông Vinh, tư vấn hướng nghiệp hay hướng nghiệp cũng đã được nêu trong Luật Giáo dục 2019: “Hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp tiến hành trong và ngoài cơ sở giáo dục để giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp, khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội”.

img

“Tức là nhà trường đưa ra “bức tranh” về các ngành nghề trong xã hội để học sinh xác định học đại học hay học nghề ở những ngành nghề nào trong tương lai mà chuẩn bị. Trong khi đó, giáo dục nghề nghiệp là đưa chương trình đào tạo nghề vào dạy ở bậc trung học theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Học xong sẽ có chứng chỉ nghề để có thể được miễn trừ khi học nghề nâng cao hoặc ra nhập thị trường lao động vì học sinh đã sẵn có một nghề” - ông nhấn mạnh.

Đặc biệt, TS Hoàng Ngọc Vinh chỉ ra: “Nhiều năm qua việc cộng điểm học nghề phổ thông cho thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là không hợp lý. Cộng điểm để học sinh vào học nghề thì khả dĩ chấp nhận được, nhưng cộng điểm để học sinh tốt nghiệp THPT thì không phù hợp”.

Nếu muốn tính điểm nghề thì chọn vào kỳ thi

Mặc dù ủng hộ nên cho học sinh trải nghiệm học nghề để hình thành những kỹ năng nghề đơn giản, nhưng cô Cao Thị Hoàn - giảng viên trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội - bày tỏ: “Tôi vốn không đồng ý với việc cộng điểm nghề cho bất kỳ học sinh nào khi tham gia các kỳ thi tốt nghiệp hay tuyển sinh. Theo tôi, sẽ tốt hơn nếu giáo dục hướng nghiệp trở thành một trong những nội dung bắt buộc trong mỗi nhà trường để học sinh thêm các thao tác kỹ thuật khéo léo.

Hiển nhiên, việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trong nhà trường phải được thực hiện song song với các môn học khác trong chương trình phổ thông, thông qua các môn học để giáo dục kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp”.

“Bởi lẽ, khi có cơ chế cộng điểm cho học sinh có học nghề trong kỳ thi tốt nghiệp, cũng sẽ dễ dẫn đến tồn tại ở một số nơi, một số trường, học sinh học nghề để “đối phó”, để lấy điểm cộng chứ không phải học vì muốn tích lũy kỹ năng cho bản thân. Điều đó sẽ vô tình làm mất giá trị thực sự của việc học nghề”- cô Hoàn lý giải.

Thầy Nguyễn Hồng Quân - giáo viên THCS tại Lào Cai - cũng nhận định: “Tôi cho rằng, học sinh cần xác định mục tiêu là học hỏi và tích lũy thêm những kỹ năng cần thiết cho bản thân. Chính vì vậy, không cần thiết phải “ưu ái” cộng thêm điểm khi thi tốt nghiệp. Đừng để xuất hiện tư duy giống như một cách “đánh đổi” để học sinh tham gia học nghề phổ thông!”.

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT - phân tích: “Khi đã coi giáo dục hướng nghiệp như một nội dung bắt buộc trong nhà trường thì cũng cần có kiểm tra và đánh giá và lấy kết quả vào học bạ. Chúng ta phải đánh giá đúng mức độ và thái độ của học sinh khi học tập nội dung giáo dục hướng nghiệp trong chương trình học phổ thông. Tuy nhiên, tôi không đồng ý với việc cho điểm cộng đối với học sinh khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp, bởi, có những trường hợp học sinh chỉ học qua loa, học cho có đối với chương trình nghề, như vậy là không công bằng”.

img

“Còn đối với kỳ thi tốt nghiệp, ngành giáo dục đã lựa chọn những môn thi nào thì chỉ lấy điểm của bài thi những môn đó, không phải cộng thêm điểm cho học sinh. Nếu muốn đánh giá về môn nghề thì lựa chọn môn nghề vào một trong các bài thi trong kỳ thi này, chứ tự nhiên lại cộng thêm điểm nghề để làm gì?” - nguyên Thứ trưởng nhấn mạnh thêm.

Thầy Đàm Bạch Long (Trường THCS Thụy Phương, Hà Nội) cho rằng: “Việc cho học sinh tiếp cận với một số kỹ năng nghề từ bậc THCS cũng là cần thiết, bởi bên cạnh những kiến thức cơ bản, định hướng nghề nghiệp, cũng sẽ trang bị cho các em một số kỹ năng, mà theo tôi thì đó là những kỹ năng sống quan trọng. Tuy nhiên, chọn nghề nào để đào tạo cho học sinh cũng cần phù hợp với từng mô hình, từng nhà trường. Đặc biệt, phải chú trọng cho học sinh học nghề phổ thông một cách tự nguyện”

C.M

img