Công nhân xin làm thêm giờ: Tiền làm thêm có đủ mua giường bệnh?

Nếu đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thứ 8, điều gì sẽ xảy ra khi công nhân tiếp tục bán sức lao động thêm 100 giờ làm thêm mỗi năm??

img
img

Nghị trường Quốc hội sáng nay (23/10) nóng rần rần bởi phiên tranh luận có nên thông qua đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tại dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi hay không? Ngay từ đầu phiên đã có tới đã có tới 45 đại biểu đăng ký phát biểu.

Đều đứng trên quan điểm bảo vệ quyền lợi người lao động nhưng mỗi đại biểu lại có ý kiến đối lập nhau hoàn toàn.

Trong khi đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) ủng hộ tăng giờ làm thêm để tránh cho nền kinh tế rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” khiến giảm năng lực cạnh tranh quốc gia kéo theo sự chậm lại quá trình tăng lương cho người lao động, thì ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP. Hồ Chí Minh) lại cho rằng nếu cho phép tăng giờ làm thêm từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm sẽ khiến lao động suy kiệt vì đánh đổi sức khỏe để lấy tiền làm thêm. Bà Quyết Tâm thậm chí đã bật khóc khi nêu quan điểm phản đối đề xuất này.

Chỉ là “mở rộng khung thỏa thuận” thôi, nghĩa là cả hai bên: Chủ sử dụng lao động và người lao động vẫn có quyền lựa chọn làm thêm hoặc không làm thêm. Vậy có gì phải căng thẳng đến thế?

Xin thưa, “mở rộng khung thỏa thuận” nghe có vẻ văn bản hóa thế thôi chứ tôi tin nếu có quy định hợp pháp hóa việc tăng giờ làm thêm thêm 100 giờ mỗi năm, đại đa số doanh nghiệp và công nhân Việt Nam sẽ chọn cách làm thêm tối đa.

Lý do vì sao?

Chủ sử dụng lao động thì muốn “thâm canh tăng vụ” trên số lượng công nhân sẵn có hơn là tuyển mới công nhân để phải chịu thêm chi phí lương cơ bản, bảo hiểm, phúc lợi…

Về phía người lao động, chẳng nói thì ai cũng biết thu nhập và cuộc sống của công nhân Việt Nam hiện nay như thế nào. Bỏ quê lên phố đi làm, ở trọ, con gửi ông bà ở quê hoặc nhà trẻ tự phát, chịu “thập diện mai phục” các loại tiền điện, nước tăng phi mã tùy theo lòng tham của chủ trọ, sống mòn chờ các đợt tăng lương cơ bản trong khi giá xăng, giá điện, giá thực phẩm luôn “cầm đèn chạy trước tiền lương”.

Do vậy, họ sẽ vắt kiệt sức mình để làm chính, làm thêm, nhưng không phải vì “tự nguyện” mà vì tự cưỡng chế bản thân để đổi lấy tiền. Làm thêm – đối với họ - là cần, chứ không phải muốn.

"Người lao động cũng vì đồng tiền mà chạy theo để làm thêm giờ. Tôi đi Bình Dương thấy rất đau lòng, công nhân thì gầy gò, ốm yếu nhưng vẫn xin được làm thêm giờ dù không đảm bảo sức khỏe. Như vậy chẳng khác nào người lao động lúc trẻ bỏ sức ra kiếm tiền, lúc già lại phải bỏ tiền mua sức khỏe".

Nếu thu nhập chính đủ sống, tôi tin không ai muốn “tự nguyện” làm thêm giờ, thay vào đó họ sẽ muốn nghỉ ngơi và chăm sóc gia đình, con cái. Bởi vì, nếu cứ cố bán sức lao động để đổi lấy tiền khi trẻ, đến khi suy kiệt sức khỏe, sẽ không có thứ tiền làm thêm nào đủ mua được những chiếc giường bệnh của tuổi già.

Thế còn bạn, bạn ủng hộ tăng giờ làm thêm hay không? Nếu tăng thì tăng đủ các ngành nghề hay có lựa chọn? Và phải có điều kiện gì đi kèm hay không?

*Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img