Thông tin về thương vụ sáp nhập giữa Masan và hai thương hiệu bán lẻ VinMart, VinMart+ cùng Vineco có lẽ là tin hot nhất của mấy ngày qua. Dù chắc chắn rằng không một ai trong chúng ta nắm được chính xác suy nghĩ và ý đồ của các đại gia, tuy nhiên nếu nhìn bằng logic kinh tế học thông thường, sẽ vẫn có thể hiểu được lý do của thương vụ M&A giữa hai công ty của hai tỉ phú trong danh sách Forbes.
Cú bắt tay lịch sử này là chính là trò chơi win-win. Masan với lợi thế là tập đoàn số một trong ngành FMCG (Fast Moving Consumer Goods - ngành hàng tiêu dùng nhanh), thống trị gần như toàn bộ mọi bếp ăn của người Việt, chắc chắn sẽ đạt được những lợi ích mang tính chiến lược khi sở hữu được hệ thống phân phối của VinMart và VinMart+ với hơn 2.600 siêu thị, cửa hàng khắp cả nước, cùng 15 nông trường Vineco. Và một phần lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đó của Masan trong tương lai, lại quay về chính túi tiền của Vingroup với tư cách là một cổ đông. Hay ít nhất đó cũng là điều mà hai tập đoàn kỳ vọng.
Bán lẻ là một lĩnh vực đốt tiền mặt một cách khủng khiếp, không hề kém gì thương mại điện tử và startup công nghệ. Cái đáng ngại của bán lẻ không phải là lỗ, mà là phải chủ động chấp nhận lỗ trong một thời gian đủ lâu mới thu được kết quả. Đây là cuộc chơi của cả sức bền chứ không chỉ đơn giản là sức khoẻ.
Một thay đổi nhỏ trong chính sách tiền tệ hay kinh tế vĩ mô đều có thể gây ra thảm hoạ cho ngành bán lẻ. Lĩnh vực này cần phải tập trung toàn lực, hoặc đơn giản là nên đứng ngoài nếu đó không phải là ngạch kinh doanh chính yếu.
Đối với một tập đoàn như Vingroup đang tập trung ưu tiên đầu tư, dồn tâm sức cho VinFast, VinSmart và VinTech, cân nhắc cả rủi ro và chi phí cơ hội, việc rút chân ra khỏi ngành bán lẻ nhưng vẫn đảm bảo được hưởng gián tiếp một phần thành quả cuả nó trong tương lai là một bước đi rất hợp lý.
Sự khốc liệt của thị trường bán lẻ ở Việt Nam cũng như trên thế giới là điều đã được than vãn từ nhiều năm gần đây. Nhiều thương hiệu từng là tượng đài toàn cầu, như SEAR’S, đã biến mất không còn tăm tích. Tại thị trường Việt Nam, những cuộc M&A đình đám đầu tiên kể từ khi mở cửa nền kinh tế chính là các thương vụ thâu tóm của các ông trùm bán lẻ, mà hung hăng nhất là các ông chủ Thái Lan. Có những điểm siêu thị ở các thành phố lớn, chỉ trong 1 năm mà thay tên đổi chủ tới vài lần, biển hiệu cũ chưa kịp bóc hết nylon đã phải sang tay cho thương hiệu mới vì không chịu nổi sự khắc nghiệt.
Với việc vừa là nhà cung ứng, vừa là nhà phân phối bán lẻ, Masan có thể cân đối dòng tiền và nguồn hàng một cách hiệu quả hơn đối với các sản phẩm chính họ sản xuất. Không chỉ thế, chắc chắn hàng Việt sẽ có thêm nhiều cơ hội tới tay khách hàng, hay ít nhất cũng không bị phân biệt đối xử như đã từng xảy ra ở một vài siêu thị ngoại.
Chỉ tính riêng 3 bữa cơm của gần 100 triệu con người đã là một sức mạnh tiêu dùng to lớn. Các doanh nghiệp Việt liên kết với nhau để chiếm lĩnh thị trường luôn là điều tốt. Chúng ta không bài ngoại nhưng thực tế đã chứng minh rằng khi chúng ta mất kiểm soát với ngành bán lẻ, thì các doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam sẽ bị chèn ép và vùi dập không thương tiếc. Và cách tự vệ tốt nhất, là tìm cách tự nắm lấy vận mệnh của chính mình.
Chủ quyền của một dân tộc, đôi khi không ở đâu xa, mà nó nằm ngay ở tủ bếp, kệ siêu thị, trong giỏ nhựa và xe trolley của các bà nội trợ nước nhà.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Tiêu đề do TS đặt.