img

Cụ ông 77 tuổi bán vé số “ngây ngô” tiết lộ lý do làm nhiều CMND và CCCD

Ngọc Lài

Cụ Đỗ Văn Đệ, SN 1943, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM, bán vé số từ năm 1980, trí óc không bình thường nhưng biết cất sổ hộ khẩu, giấy tờ tùy thân và rất nhiều tiền trong người. Khi bị phát hiện có đến 12 CMND và CCCD, cụ tiết lộ làm nhiều giấy tờ tùy thân do sở thích, chứ không dùng để lừa đảo.

Nhận tiền nhưng không phải xin tiền, xin ăn?!

img

Để nắm bắt thông tin vụ phát hiện cụ ông xin ăn sở hữu 12 CMND và Căn cước công dân (CCCD), PV Tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã tìm đến những địa điểm cụ Đỗ Văn Đệ thường đến, đứng lại và chìa tay về phía mọi người.

Địa điểm thường xuyên thứ nhất nằm ở giao lộ Út Tịch – Hoàng Văn Thụ thuộc quận Tân Bình, TP.HCM. Tại đây, PV tiếp xúc với 3 người đàn ông cũng thường xuyên có mặt và làm việc tại giao lộ vừa nêu trên. Cả ba đều cho biết, ông Đệ không mở miệng xin tiền người khác, chỉ đứng đó chìa tay ra, ai cho thì nhận.

Người đàn ông thứ nhất cho biết, ông Đệ thường đứng ở hai góc của giao lộ, chìa tay ra mà không nói gì. Nhiều người qua lại thấy ông Đệ tóc bạc, cơ thể gầy còm thì thương nên dừng xe cho tiền. Việc ông Đệ chìa tay xin tiền chỉ mới diễn ra những ngày gần đây. Trước đó, ông Đệ bán vé số, người ta mua rồi cho thêm tiền.

Người đàn ông thứ hai làm bảo vệ cho một cửa hàng tọa lạc ở giao lộ Út Tịch - Hoàng Văn Thụ, cho biết: “Ông Đệ hay đi lang thang, nhà ông giàu lắm. Ông vừa đi vừa gãi đầu, mang cái túi đen, đi cà nhích cà nhích, bị tật ở chân hay sao đó. Ông không đứng một chỗ lâu đâu, cứ đi lung tung thôi”.

Người đàn ông thứ ba chạy xem ôm, khẳng định: “Ông Đệ ngồi ở đây bán vé số. Từ ngày, vé số dừng phát hành, ông ấy ra đứng xin. Ông cầm vé số đi bán tùm lum, không đứng yên một chỗ lâu. Ông già lắm, nhìn thấy tội nghiệp, ai thấy mà không thương.

img

Ông cất nhiều tiền trong người, toàn tiền lẻ, xấp này xấp kia tùm lum. Ông bán vé số, người ta mua rồi cho thêm tiền. Tôi thấy ông quanh quẩn mấy ngã tư trong khu vực. Ông bán lâu lắm rồi. Năm nay, ông yếu nên đi gần, chứ mấy năm trước ông đi nhiều lắm. Nhiều lúc thấy tiền ông nhét túi dầy cộm, tôi chọc ghẹo: “Bố, bố không sợ nó giật hả bố?”. Ổng nghe, cười cười gãi đầu, rồi đi. Ông tinh khôn lắm!”.

Địa điểm thứ hai mà ông Đệ thường đứng là vòng xoay Lăng Cha Cả, quận Tân Bình, TP.HCM. Ông thường đứng trên khu vực bồn hoa, chìa tay ra mà không nói, không xin người qua đường.

Người dân sống tại khu vực khẳng định, ông lang thang bán vé số, rồi đứng chìa tay ở vòng xoay đã lâu năm. Ông có tiền, rất nhiều tiền, gia đình con cái yêu thương, khá giả nhưng ông “bị hành”, suốt ngày phải đi ngoài đường.

Người nhà cụ Đệ khẳng định: 12 CMND đều thật

Ngày 18/4, PV tìm đến nhà của ông Đỗ Tấn Sỹ, SN 1963, ngụ phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM, con trai của cụ Đỗ Tấn Đệ để ghi nhận từ thông tin từ gia đình và gặp gỡ nhân vật của vụ việc. Tuy nhiên, thời điểm này, tại nhà ông Sỹ, cán bộ Công an phường 4, quận Tân Bình và Công an quận Tân Bình, TP.HCM đang làm việc với gia đình nên ông Sỹ hẹn PV vào chiều tối cùng ngày.

img

Như đã hẹn, PV quay lại nhà ông Sỹ vào khoảng 17h15 cùng ngày, lúc này, cửa nhà ông Sỹ không mở, gọi cửa không trả lời. PV nán lại trò chuyện cùng hàng xóm của gia đình ông Sỹ và ghi nhận được một số thông tin liên quan việc ông Đệ đi xin ăn.

Chị N.T.B. ngụ phường 2, quận Tân Bình, nhiệt tình chia sẻ: “Đầu óc ông Đệ không bình thường, cả xóm đều biết. Ông đi bán vé số, lang thang như vậy từ lâu. Ông không được tỉnh táo. Lúc đi lính, ông bị trúng đạn, có vết thương ở đầu, mất nhiều máu phải thay máu. Nhà ông có tiền chứ đâu phải không có tiền, ông vốn là chủ đất của cả vùng này ngày trước. Còn vụ CMND, theo tôi biết, đầu óc của ổng bị lãng, hay quên, ổng bỏ mất nên đi làm, làm xong thì tìm lại được”, chị B. cho biết.

img

Nhiều người thấy chị B. trò chuyện với PV, cũng góp lời: “Ông bị khùng mà khùng khôn lắm. Tiền của ông không ai lấy được một đồng. Sổ hộ khẩu giữ bên mình, con cái mượn chứng giấy tờ, ông đi theo, chứng xong lấy lại cất liền.

Gia đình cản không cho đi mà đâu có được, đâu dám la ổng, nhốt ở nhà cũng không được đâu. Con cái của ông giàu, không ai chăn dắt ổng làm gì. Tiền ổng gửi ngân hàng, cất trong người nhiều lắm. Ông đâu lường gạt ai. Công an, bà con ở đây đều thương ổng. Ông ăn cơm nhà đàng hoàng, ăn xong thì đi, đi không nổi cũng đi”.

Đang trò chuyện rôm rả, ông Sỹ mở cửa nhà, mời PV vào nhà để trao đổi về vụ việc của cụ Đỗ Văn Đệ. Mở đầu câu chuyện, ông Sỹ nói: “Sáng, gia đình làm việc với bên Công an quận Tân Bình cũng tạm ổn. Sắp tới, gia đình tiếp tục làm việc với cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, bộ Công an về việc cấp căn cước cho cha tôi.

Cha tôi cũng có vấn đề về tâm thần mà kiểu nhẹ thôi. Ông bán vé số từ khoảng năm 1980 đến nay. Cách ông già của tôi xin tiền không giống người ăn xin “chuyên nghiệp”, ông cứ chìa tay ra, ai cho thì cho, không thì thôi. Chuyện ông xin tiền chắc mới đây thôi, từ lúc dừng phát hành vé số đó”.

“Công an điều tra xem tôi có chăn dắt ông già đi ăn xin không, nhưng thực tế đâu phải đâu. Tôi dư sức lo cho ông già, ngày nào cũng đủ 3 bữa, tối còn đưa 100.000 đồng để ông đi nhậu. Tôi kêu ở nhà mà ông không chịu.

Thậm chí, trời mưa ầm ầm cũng đi bán vé số. Tôi đòi mua hết để ông ở nhà nhưng ông vẫn mặc áo mưa, đi bán. Hỏi cha sao đi bán hoài, ổng nói kiếm tiền. Công việc của tôi cũng ổn định, thu nhập cũng khá nhưng khổ nỗi cha tôi cứ vậy, biết làm sao”, ông Sỹ khẳng định.

Nói về việc cụ Đỗ Văn Đệ làm nhiều CMND và CCCD, ông Sỹ chia sẻ: “Tôi cũng không biết bằng cách nào mà cha tôi làm được nhiều CMND và CCCD. Có mấy lần, tôi nghe cha nói đi làm CMND. Nghe vậy, tôi nói, cha không được làm nhiều, làm như vậy không có tốt, công an truy bắt, nói cha lừa đảo, tình ngay lý gian.

Khi tôi nói vậy, tôi không thấy cha cầm hồ sơ đi làm. Tôi nghe công an nói, sau khi xác minh, tất cả CMND và CCCD đều thật, cùng một số, cùng một dấu lăn tay của cha tôi, chỉ khác ngày cấp. Tất cả được cấp trong vòng 6 năm gần đây”.

img

Cũng theo ông Sỹ, tính tình của ông Đệ không tham lam nên gia đình rất tin tưởng. “Người ta cho tiền thì ổng cười mà người ta xin ổng 1.000 đồng, ổng cũng không cho. 54 triệu đồng mà cha tôi có, tôi nghĩ không phải do ăn xin mà tích góp từ lâu, có nhiêu tiền ông đều gom trong người.

Cộng thêm, mỗi tháng, tôi cho riêng ông 1 triệu đồng. Ngày nào, ông cũng đi bán vé số từ 7-8h, tới 10h tối, sau khi uống vài chai bia thì ông về nhà ngủ. Mới đây, nhiều người thấy cha tôi đi xin, có chạy vào nhà thông báo. Tôi ra kéo cha về và giải thích không được đi xin, hù dọa đủ kiểu nhưng qua hôm sau, ông lại đi tiếp.

Đi suốt ngày ngoài đường, mà trời thương, cha tôi không bị bệnh gì cả, không cảm nắng, chỉ bị bệnh ở môi, do ông hay lột da môi làm chảy máu. Cha tôi bị cà lâm từ nhỏ, nhận thức ông hạn chế. Cha từng bị thương, vết mổ ở đầu cũng có phần ảnh hưởng. Từ sau lần đó, cha mẹ sinh thêm 3 đứa em nữa, cả ba đều bị tâm thần. Tất cả đều do tôi chăm sóc, lo lắng”.

Thích làm nhiều CMND và CCCD

Video: Cụ ông bán vé số tiết lộ lý do làm nhiều CMND và CCCD

Lúc PV trò chuyện cùng ông Đỗ Tấn Sỹ, cụ Đỗ Văn Đệ về nhà. Cụ đeo một túi da màu đen, một túi vải màu xanh. Cụ đi rất chậm, tay gãi đầu, miệng cười. PV hỏi cụ đi đâu, cụ liền lắp bắp trả lời: “Đi… đi… đi cắt tóc, ngứa… đầu”. Ông Sỹ nói: “Dịch bệnh, người ta không mở tiệm mà cứ nói đi cắt tóc. Cha tôi muốn ra ngoài, đi lang thang nên nói vậy đó”.

img

Đứng trước cửa nhà nói chuyện vài câu, cụ Đỗ Văn Đệ tiếp tục đi ra ngoài. Thấy cụ đi, PV xin phép ông Sỹ ra về và theo chân cụ để quan sát. Sau một lúc đi dạo từ hẻm ra đường lớn, cụ ra khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả uống nước. Trong lúc uống nước, cụ trò chuyện với vài người sống ở đây, ra chừng rất thân quen.

Uống nước xong, cụ lại bước từng bước, lâu lâu đứng lại cười, gãi đầu, nói đi cắt tóc. PV bước đến gần trò chuyện với cụ, hỏi lý do cụ làm nhiều CMND. Cụ chuyển từ cười vui sang bức xúc, nói rất lâu mới được một câu đại ý rằng: Tôi làm CMND do sở thích, không lừa đảo, không lừa gạt. Tôi đi quen rồi, ở nhà buồn chân lắm.

img

PV hỏi cụ dịch bệnh sao không đeo khẩu trang mà lại còn lang thang khắp nơi, cụ Đỗ Văn Đệ liền nhanh tay kéo trong túi vải một chiếc khẩu trang y tế màu hồng và nói: “Có … có… có … chứ mà … không đeo”. PV mời cụ lên xe chở về nhà và nói con cái đang đi tìm. Cụ liền nói rằng, trời nóng, đi dạo uống nước cho mát, tối mới về, về sớm cũng không ngủ được.

Ông Nguyễn Trung Sơn, Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM cho biết, sáng 17/4, tổ công tác của UBND phường 4 khi đi tuần tra, kiểm soát người lang thang trên địa bàn phường đã phát hiện một cụ ông thường trú phường 2, quận Tân Bình đi ăn xin. Thời điểm kiểm tra, trong lưng bụng cụ ông có 54 triệu đồng và 12 giấy CMND, CCCD.

"Sau đó, UBND phường mời gia đình cụ ông đến, lập biên bản, bàn giao cụ cho gia đình, chăm lo, nhắc nhở không cho ông đi ăn xin nữa. Về việc cụ ông có nhiều CMND, cơ quan công an đang xác minh và đưa ra biện pháp xử lý phù hợp. Về mặt cảm quan, tôi nhận thấy tất cả CMND của cụ đều thật", ông Nguyễn Trung Sơn cho biết thêm.

- Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình thì các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng Chứng minh nhân dân (CMND) sau được áp dụng xử phạt vi phạm hành chính gồm:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Không xuất trình CMND khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền; b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi CMND; c) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thu hồi, tạm giữ CMND khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Sử dụng CMND của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật; b) Tẩy xóa, sửa chữa CMND; c) Thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn CMND để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp CMND; b) Làm giả CMND; c) Sử dụng CMND giả.

4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi thế chấp CMND để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

5. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa CMND; khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp CMND; làm giả CMND; sử dụng CMND giả.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi CMND đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa CMND”.

- Đối với các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến việc quản lý, sử dụng Căn cước công dân chưa được quy định trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, vì vậy không có cơ sở để áp dụng xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc quản lý, sử dụng Căn cước công dân. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân phát hiện việc công dân sử dụng CMND hoặc hồ sơ cấp, đổi, cấp lại CMND để được cấp thẻ Căn cước công dân thì có thể áp dụng các quy định của Nghị định số 167/NĐ-CP để xử phạt về các hành vi vi phạm tương ứng trong cấp, quản lý và sử dụng Căn cước công dân.

N.L

img