Khi việc già hóa dân số ngày càng nhiều, càng nhanh, có lẽ đã đến lúc xã hội cần phải thay đổi chế độ an sinh cho người già. Thay vì chỉ dựa vào con, người già cần có được một hệ thống chăm sóc từ xã hội tốt hơn để luôn đảm bảo có được những tháng ngày an nhàn tuổi xế chiều.
Mới đây, tại tòa án nhân dân quận Cù Giang, thành phố Cù Châu, Chiết Giang, Trung Quốc một cặp vợ chồng già, cụ ông năm nay 89 tuổi, cụ bà 84 tuổi tới nộp đơn ly hôn. Cả hai đều không còn khỏe mạnh, đi đứng rất chậm chạp.
Thẩm phán Chai Hongwei - người thụ lý vụ ly hôn cho biết, với nhiều năm kinh nghiệm xử lý các vụ ly hôn, ông nghĩ rằng, cụ ông và cụ bà vẫn còn yêu thương nhau rất nhiều. Họ chắc chắn không muốn sống xa nhau.
Khi việc già hóa dân số ngày càng nhanh, có lẽ đã đến lúc xã hội cần phải thay đổi chế độ an sinh cho người già Ảnh minh họa
Khi được thẩm phán mời trò chuyện riêng, hai cụ mới thổ lộ trước khi đến với nhau, hai người đều từng đổ vỡ trong hôn nhân và có những đứa con riêng. Ở tuổi trung niên, họ mang theo những đứa con và tổ chức lại một gia đình hạnh phúc, cùng chung sống và chăm sóc các con. Đến khi 3 con (đều là con riêng của 2 người) khôn lớn trưởng thành, xây dựng gia đình nhỏ, căn nhà chỉ còn lại 2 ông bà. Khi họ không còn có thể chăm sóc bản thân, 3 người con nhiều lần họp bàn về việc chăm sóc các cụ. Thế nhưng, không người con nào chịu chăm sóc cả hai ông bà. Từ việc này, chúng còn cãi nhau nhiều về vấn đề phân chia tiền bạc, tài sản.
Để giải quyết vấn đề, hai ông bà quyết định dìu nhau ra tòa ly hôn, đồng thời nhờ tòa án can thiệp, phân chia tài sản để trấn an con cái. Sau khi phiên tòa kết thúc, các con kéo nhau ra về, ông lão mới tiến đến gặp thẩm phán Chai và lấy ra một xấp tiền từ chiếc túi da màu đen mà ông mang theo bên người. Đó là 10.000 tệ (khoảng 35 triệu đồng). Cụ ông nói với thẩm phán, hãy đưa nó cho bà cụ và đừng cho các con của họ biết.
Khoản tiền 10.000 tệ giữ được này, ông muốn dành trọn cho bà. Nó giống như tình yêu mà ông đã và luôn trao cho bà. Ông muốn, phần đời còn lại, có thêm một món tiền, bà sẽ sống tự tin và vui vẻ hơn. Không ngờ, khi trao số tiền đó, bà lão nhất định nói rằng, số tiền phải thuộc về ông, bởi ông cần nó hơn.
Số người cao tuổi ly hôn trên thế giới ngày càng nhiều và điều này bắt nguồn một phần bởi chính sự can thiệp vào cuộc hôn nhân của cha mẹ từ những đứa con. Bởi e ngại ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân những đứa con khiến cha mẹ phải chia tách và gây nỗi đau cho người tuổi xế chiều.
Nghịch lý “Một người mẹ có thể nuôi 10 đứa con nhưng 10 người con không nuôi nổi một mình mẹ” cũng đang là vấn nạn ở nước ta. Dư luận liên tiếp bàng hoàng và bức xúc trước các vụ việc con cái bạo hành cha mẹ già yếu. Những vụ động trời như con dâu ở Tiền Giang dùng roi đánh mẹ chồng, cụ bà ở Cà Mau bị con bỏ ra nhà hoang, cụ bà ở TPHCM bị con bắt đi ăn xin... thực ra mới chỉ là bề nổi trong tảng băng chìm của những thân phận người già bất hạnh, khổ đau và bế tắc dù còn đủ đầy con cháu.
Biết bao cha mẹ đang cô đơn mỗi ngày trong chính ngôi nhà mình? Biết bao người trầm cảm vì những hằn học của con cháu trước sự “vô tích sự” của người già? Biết bao người thèm được nói chuyện với con dù sống chung trong một căn nhà?
Hiếu hạnh với cha mẹ ông bà là điều luôn luôn cần có trong đạo lý làm người bất kể là thời nào, hoàn cảnh nào.
Và khi việc già hóa dân số ngày càng nhiều, càng nhanh, có lẽ đã đến lúc xã hội cần phải thay đổi chế độ an sinh cho người già. Thay vì chỉ dựa vào con, người già cần có được một hệ thống chăm sóc từ xã hội tốt hơn để luôn đảm bảo có được những tháng ngày an nhàn tuổi xế chiều.
Thu Hương
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin Pháp Luật.