img

Cụ ông tàn tật cả đêm không ngủ viết tâm thư và ủng hộ tiền trợ cấp một tháng chống dịch Covid-19

Nội dung: Mai Hằng

Cả đêm trằn trọc không thể ngủ được vì bệnh dịch Covid-19, ông Cường đã viết một bức thư kèm theo đó là số tiền được hưởng từ chế độ người tàn tật để ủng hộ cho công tác phòng chống dịch tại xã. Ông Cường bảo, lòng tốt phải xuất phát từ trái tim mỗi người.

Mong trời nhanh sáng để viết thư và ủng hộ tiền

Trong cuộc chiến với dịch Covid-19, cả nước cùng chung tay đánh “giặc Covid-19”, nhiều những tấm lòng thảo thơm đã xuất hiện để ủng hộ, truyền cảm hứng trách nhiệm vì cộng đồng đến người xung quanh. Nhiều người dù đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn muốn góp một chút tấm lòng để mong muốn người dân xích lại gần nhau hơn trong mùa dịch. Như cụ bà 78 tuổi đạp xe đến trụ sở xã ủng hộ tiền chống dịch Covid-19, cụ ông 89 tuổi mang gạo, rau và 20.000 đồng ủng hộ chống COVID-19 ở khu cách ly Hà Tĩnh.

Và mới đây nhất, ông Nguyễn Thế Cường (73 tuổi, xã Cao Đại, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đã viết một bức thư và gửi toàn bộ số tiền được hưởng từ chế độ người tàn tật một tháng để ủng hộ công tác phòng chống dịch xã nhà.

Trong lá thư tay kèm số tiền ủng hộ ông Cường viết: “Theo lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, khi đất nước ta có giặc thì toàn dân chống giặc. Nay đất nước có dịch bệnh thì toàn dân chống dịch, đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta, chống dịch như chống giặc. Vậy tôi là người đang được hưởng chế độ người tàn tật, tôi xin được đóng góp, ủng hộ số tiền trợ cấp một tháng của tôi để góp phần nhỏ vào việc chống dịch bệnh Covid-19…”.

img

Những dòng chữ viết vội nhưng rất chân thành và ý nghĩa của ông Cường chứa chan một tâm huyết khiến không ít người biết được câu chuyện của ông cũng cảm thấy ấm lòng.

Trò chuyện với PV ông Cường cho biết, ông nhận được số tiền trợ cấp người tàn tật cách đây đã vài ngày, nhưng ông vẫn cất cẩn thận trong tủ. Mấy ngày nay nghe tin dịch bệnh phức tạp cả đêm ông không ngủ được trằn trọc suy nghĩ: “Nhà nước đang kêu gọi toàn dân chống dịch, ủng hộ để “đánh giặc Covid-19" vậy tại sao mình không làm gì?”.

Nghĩ là làm, trời chưa kịp sáng ông đã dậy lấy giấy bút viết lá thư để gửi lên phòng chống dịch xã nhà kèm theo đó là số tiền một tháng mà ông nhận được từ chế độ người tàn tật.

“Tôi thường nói với vợ con rằng, mình có cuộc sống hôm nay và được như thế này là phải luôn ghi nhớ đến công ơn của Đảng và nhà nước. Vì thế, mỗi người dân phải chung tay khi đất nước gặp khó khăn. Sự đóng góp này của tôi dù ít nhưng nó sẽ lan tỏa giáo dục cho con cháu và hàng xóm láng giềng, để mỗi người nâng cao trách nhiệm cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”, ông Cường tâm sự.

Ông Cường luôn nhớ đến câu nói của Bác Hồ: “Một việc thực tế bằng muôn vàn bài học lý thuyết”. Vậy nên, ông mang chút tấm lòng thảo thơm, có nhiều đóng góp nhiều, có ít đóng góp ít để chung tay chống dịch.

Việc tốt phải xuất phát từ trái tim

“Tôi nghĩ, làm việc tốt không phải người giàu mới làm được, mà làm việc tốt phải xuất phát từ trái tim. Mỗi người chỉ đóng góp một chút thôi thì sẽ đẩy lùi được dịch bệnh. Giống như câu “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, ông Cường bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Thứ (vợ ông Cường) cười hạnh phúc khi thấy chồng mình nói như vậy: “Mọi việc làm của ông Cường tôi và các con đều ủng hộ. Ông Cường “thao thức” cả đêm, mong trời nhanh sáng để viết thư và lấy tiền đi ủng hộ. Trước đây, khi vợ chồng tôi còn bán hàng ngoài chợ, cứ đến ngày khai giảng năm học, ngày tết thiếu nhi chúng tôi đều tặng đồ cho các cháu học sinh, mua chúng tôi cũng không lấy tiền”.

Dù đã ở tuổi 73, sức khỏe yếu nhưng ông Cường vẫn luôn nêu cao tinh thần “tàn nhưng không phế”. Ông luôn dạy con cái phải lao động cần cù, sống sao cho tiết kiệm để khi ai cần giúp đỡ là sẵn sàng giúp đỡ. Hàng tháng, ông dùng số tiền trợ cấp để mua cám nuôi gà, ông ra đồng bắt ốc bươu vàng về cho gà ăn, vừa để bảo vệ mùa màng, vừa để tăng thu nhập.

img

Nói về hành động của ông Cường, bà Đỗ Thị Sáng (Bí thư Đảng ủy xã Cao Đại, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết: “Tấm lòng của ông Cường đã được Đảng ủy xã Cao Đại ghi nhận. Đây là sự chung tay của cộng đồng kể cả những người tàn tật. Từ hành động thiết thực như thế này tôi mong tiếp tục có sự lan tỏa ra xã hội để chung tay chống dịch Covid-19”.

Mai Hằng

img