img

Lê Kông

Dù Thừa Thiên-Huế không còn ca nhiễm Covid-19 nhưng chính quyền nơi đây vẫn không lơ là, luôn nghiêm túc triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân. Trên mọi mặt trận, cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở nơi đây vẫn chưa dừng lại...

Không để người nghèo chờ đợi...

Đó là cuộc chiến với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các y bác sĩ, lực lượng quân đội, công an, truyền thông và thông tin, những người ở tuyến đầu chống dịch. Đồng hành cùng cuộc chiến là sự hưởng ứng, ủng hộ của người dân.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế , chúng ta đang đi đến những ngày cuối cùng của 15 ngày cách ly toàn xã hội, mọi sự chủ quan, lơ là đều phải trả giá, kéo theo sự ảnh hưởng chung của toàn quốc, toàn xã hội.

“Ít nhất cho đến ngày 15/4, việc triển khai các biện pháp cấp bách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg phải tiếp tục được thực hiện nghiêm, tuyệt đối không lơi lỏng, chủ quan, chủ động có phương án cho giai đoạn tiếp theo.”, ông Thọ quan điểm.
img

Hai du khách nước ngoài được điều trị khỏi bệnh Covid-19 tại Huế, cám ơn sự quan tâm của chính quyền và sự tận tâm của ngành y tế.

Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, đây là gói hỗ trợ có đối tượng rất lớn và đa dạng, kinh phí nhiều nên ngoài việc triển khai nhanh chóng, công tác xác minh từng loại đối tượng phải cụ thể, cẩn trọng.

Ngoài các mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, đề nghị Sở Tài chính, Sở LĐ - TBXH cần xem xét cân đối, phân bổ các nguồn hỗ trợ ngoài xã hội hợp lý, phù hợp từng đối tượng để giảm bớt gánh nặng ngân sách.

Trong đó, đối tượng nghèo, cận nghèo cần phải làm sớm, nếu chờ họ sẽ nghèo thêm. Ban chỉ đạo các địa phương cần thực hiện “cuốn chiếu”, các trường hợp đã chính xác đối tượng thì chốt số liệu sớm. Việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ cần phải được triển khai ngay vì đời sống người dân và người lao động đang rất khó khăn.

img

Ông Phan Ngọc Thọ (áo xanh bên phải) phát tặng khẩu trang miễn phí cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đề nghị các sở ngành, địa phương, trên tinh thần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời dựa vào tình hình cụ thể, đặc thù của địa phương để tham mưu các quyết sách phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.

Tiết kiệm các khoản chi để tập trung nguồn lực

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế gặp nhiều khó khăn, trong đó có nhiều hộ gia đình chủ yếu dựa vào buôn bán nhỏ lẻ.

Ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, nên đánh giá lại những dịch vụ, kinh doanh hàng hóa nào có thể mở cửa hoạt động trở lại, những mặt hàng nào có thể cho phép người dân kinh doanh buôn bán, giúp người dân sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, đảm bảo ổn định cuộc sống.

Nhiều doanh nghiệp cũng không tránh khỏi những tác động do dịch gây ra. Trong đó có không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.

Hoạt động du lịch gặp khó khăn do tình trạng hủy tour, hủy phòng, các dịch vụ ăn uống, lưu trú, vận chuyển giảm sút; sức mua tại các siêu thị và chợ trung tâm cũng bị ảnh hưởng; điều này dẫn đến khả năng ngân sách nhiều địa phương sẽ hụt thu lớn, nguy cơ mất cân đối ngân sách nhà nước

Để tăng cường các biện pháp điều hành chi chặt chẽ, phù hợp với khả năng thu ngân sách địa phương, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu UBND các huyện chủ động rà soát nguồn thu ngân sách, xây dựng phương án điều hành chi ngân sách theo phương châm “Thu giảm, chi giảm”.

Theo đó, UBND các cấp thực hiện quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được giao, chủ động sử dụng dự phòng ngân sách để chi phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai; không bổ sung ngoài dự toán đầu năm, trừ một số trường hợp đặc biệt cấp bách. Trước mắt, Sở Tài chính chỉ tham mưu UBND tỉnh điều hành, sử dụng dự phòng ngân sách trong phạm vi 50%, tạm giữ lại 50%; UBND cấp huyện điều hành, sử dụng 40% dự phòng ngân sách và tạm giữ lại 60% để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách giảm lớn hoặc chi phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai.

img

Thực hiện kiểm tra y tế người dân đến Huế.

Các đơn vị thực hiện tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, chi hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, thực hiện nghiêm quy định về chế độ đón tiếp khách nước ngoài, chế độ chi tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế và chế độ chi tiếp khách trong nước; hạn chế tình trạng phô trương, hình thức, tiếp khách gây lãng phí ngân sách.

Giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo. Thực hiện lồng ghép các nội dung, công việc cần xử lý; chuẩn bị kỹ, đầy đủ đúng yêu cầu, nội dung cuộc họp, tùy theo tính chất, nội dung, mục đích, yêu cầu của cuộc họp, người triệu tập cuộc họp phải cân nhắc kỹ và quyết định thành phần, số lượng đại biểu tham dự cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời hạn chế tối đa việc tổ chức họp tập trung; tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến trong chỉ đạo điều hành và xử lý các công việc liên quan…

Ngoài việc sẵn sàng kịch bản mới về phòng chống dịch cho giai đoạn tiếp theo, Thừa Thiên-Huế cũng không quên việc thực hiện chủ động các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ hơn.

Không chỉ mạnh tay chấn chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp cố tình vi phạm, yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm biện pháp cách ly toàn xã hội, ở tại nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, không tập trung đông người, đeo khẩu trang nơi công cộng… mà còn phải chủ động, không để bất ngờ, đảm bảo các hoạt động phải trong tầm kiểm soát của chính quyền và đảm bảo công tác phòng chống dịch.

“Đã làm tốt rồi thì cần tiếp tục cố gắng phát huy, một người vì mọi người, vì sức khỏe của toàn dân …”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nói.

L.K

img