Ngày 19/10, tức hơn 1 tuần liền cơn lũ đi qua, cơn mưa cũng thôi trút nước nhưng thôn nhỏ Tân Hà, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa thể gồng mình đứng dậy.
“Đổ nát hết rồi nhà báo ơi. Mất hết rồi, sập hết rồi…”, bà Đỗ Thị Hóa, trú thôn Tân Hà mếu máo nói với PV Người Đưa Tin Pháp luật. Căn nhà của bà Hóa là 1 trong 6 căn nằm dọc triền núi Gò Gấm vừa bị trận sạt lở đất đá vùi lấp hoàn toàn vào rạng sáng 10/10.
Những hoàn cảnh xót xa sau thiên tai ở Tân Hà.
Tiếp chuyện chúng tôi, Trưởng thôn Tân Hà Trần Quốc Thành vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại câu chuyện. Ông Thành gọi đó là phút giây sinh tử. Khi đó, khoảng 4h sáng 10/10, mưa trắng trời, mưa trút nước xuống Tân Hà. Con sông Thu Bồn cuồn cuộn sóng nước. Dòng nước đục ngầu dâng cao chực chờ nuốt trôi thôn nhỏ. Hiểm họa thiên tai này khiến ai cũng lo lắng.
“Làng Tân Hà men theo mép sông Thu Bồn. Bên là sông, bên dựa lưng vào núi. Xưa nay sạt lở chỉ xảy ra ở núi Gò Hiu. Núi Gò Gấm rất an toàn. Mưa lũ dâng cao điều khiến bà con lo lắng là ngập lụt từ sông vào nhà chứ không ai nghĩ đến chuyện sạt lở”, ông Thành nói.
Cũng theo vị Trưởng thôn, sau những cơn mưa xối xả thối đất nhiều ngày liền, bà con trong làng bắt đầu có những cảm giác bất an với những khối đất đá lơ lửng sau nhà. Chính quyền địa phương tổ chức khảo sát nhà cửa các hộ dân dọc theo triền núi Gò Gấm với ý định sơ tán. Tuy nhiên, lo lắng là vậy nhưng nhiều người không muốn rời đi. Họ khăng khăng ở lại bảo vệ tài sản, nhà cửa. Hơn nữa là suy nghĩ đã ăn sâu vào nếp rằng núi Gò Gấm xưa giờ chẳng sạt lở, khiến công tác dân vận gặp khó khăn nhất định.
“Đến 5h sáng 10/10, chính quyền thôn và xã Đại Lãnh đội mưa đi gọi cửa từng nhà, đặc biệt là 6 hộ dân dưới mép núi Gò Gấm. Cuộc di dân vừa diễn ra thì trong tích tắc sau đó, hàng ngàn khối đất đá từ Gò Gấm ào ào đổ sập xuống. Nhà cửa, vườn tược bị chôn vùi”, ông Thành nhớ lại.
Căn nhà bà Hóa bị đất đá san phẳng chỉ trơ lại mái tôn, đòn tay đổ nát. Vị trí người phụ nữ này đứng vốn là nóc của nhà bên cạnh nhưng nay cũng bị vùi lấp.
Với bà Đỗ Thị Hóa chuyện vừa xảy ra là quá kinh khủng. Con cái tha hương cầu thực, mỗi bà lục đục trong căn nhà cấp 4 với 2 đứa cháu nhỏ. Khi đó, bà tỉnh giấc vì tiếng lực lượng chức năng kêu gọi. Chưa kịp thần thì bà hoảng loạn phát hiện nền đá gạch nơi sàn nhà bỗng bung toác lên. Tiếng ào ào từ đâu phát ra cứ lớn dần lớn dần. Linh tính có điều gì đó sắp ập đến, bà lao vào phòng ngủ bế 2 đứa cháu nhỏ rồi toang cửa lao ra ngoài.
“Bà cháu thoát chết trong tích tắc. Tui vừa ra thì đất đá ào xuống san phẳng luôn ngôi nhà. Chẳng còn thấy gì cả ngoài mái tôn xiêu vẹo trong lớp đất nhão nhẹt”, bà Hóa rùng mình nhớ lại. Cùng chung tình cảnh như bà Hóa, bà Nguyễn Thị Tơ, trú thôn Tân Hà chẳng biết làm gì với đống đổ nát hiện diện trước mặt. Bà Tơ mang mình một tổ hợp bệnh tật từ thận, gan, tim nhưng cũng bán mặt cho đất bán lưng cho trời nuôi 2 đứa cháu ngoại. Trận mưa lũ 10/10, cuốn phăng mái tôn nhà bà. Ba bà cháu kéo tấm ván che tạm qua bão lũ. Cơ cực, thống khổ.
Cố gắng lượm lặt cái xoong, thau từ đống đổ nát, ông Lê Văn Cảm – 1 trong 6 hộ dân bị vùi lấp nhà cửa liên tục trút hơi thở dài. Người đàn ông đầu 2 thứ tóc, trải mấy mươi năm cuộc đời với đủ biến cố nhưng có lẽ trận sạt lở này là kinh khủng nhất với ông. Nhà cửa, tài sản… mấy mươi năm ki cóp của đời ông xem như mất hết. Tranh thủ trời tạnh, ông bới móc trong bùn đất vớt vát được gì hay nấy.
Đất đá tràn thẳng vào nhà cửa các hộ dân. Họ thoát chết trong tích tắc.
“Xã cấm vào nhà, cấm đào bới tài sản vì lo cho dân. Nguy cơ đất đá tiếp tục đổ ập xuống là bất cứ lúc nào, nhưng mình xót của quá, nhặt được cái gì hay cái đó. Đợt rồi mưa lầy lội mình bán gạo thóc đổ bê tông con đường vào nhà, rồi lợp mới mái tôn. Đường chưa kịp đi, tôn chưa kịp che mưa thế mà giờ chẳng còn gì nữa”, ông Cảm chua xót.
Theo ghi nhận trực tiếp của PV, ở khu vực sạt lở vùi lấp này nền đất vẫn rất yếu, lún sụt. Nhiều khu vực nước chảy tạo thành xói mòn đâm thẳng ra sông lớn trước mặt. Toàn bộ 6 căn nhà trong khu vực bị vùi chôn. Hiện tượng sạt trượt chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, do khối lượng hàng trăm ngàn khối đất đá nên công tác xử lý sự cố vẫn chưa thể tiến hành. Biện pháp duy nhất mà chính quyền xã Đại Lãnh có thể thực hiện ở thời điểm hiện tại là cắm biển cảnh báo và cử người lui tới vận động, cưỡng chế các hộ dân quay trở lại tìm kiếm tài sản.Số liệu PV có được từ UBND xã Đại Lãnh thể hiện, trên địa bàn thôn Tân Hà còn hàng chục trường hợp hộ gia đình khác đang sống trong vùng sạt lở. Ngoài các vùng núi Gò Gấm, Gò Hiu thì dọc theo tuyến đường DT609 còn 145 hộ với hàng ngàn nhân khẩu đang bị thiên tai chực chờ đe dọa. Những hiểm họa có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Hiểm họa không thể dự báo trước.
“Sau khi xảy ra sạt lở vùi lấp 6 căn nhà ở Tân Hà, xã và huyện đã cử cán bộ về khảo sát. Trước mắt chúng tôi tiếp tục đưa các hộ dân này đến sống tạm ở nhà truyền thống. Chính quyền sẽ tính phương án di dời, tái định cư cho người dân đến vùng an toàn”, lãnh đạo xã Đại Lãnh thông tin.
N.T