Một cuộc họp không phải ít thời gian nhưng vẫn chóng vánh! Những thông tin đưa ra nhiều, chưa thuyết phục! Định hướng của người làm công tác tổ chức tưởng chừng “búa bổ” nhưng chẳng thỏa chờ mong!... Đáng tiếc, gần như tất cả lại có trong buổi họp báo công bố kết quả phê duyệt sách giáo khoa lớp 1 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây.
Chiều ngày 22/11, bộ Giáo dục & Đào tạo vừa tổ chức họp báo công bố 32 cuốn sách giáo khoa đã vượt qua vòng thẩm định, sẽ được đưa vào học đường, áp dụng giảng dạy từ năm học 2020-2021 theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Tiếc hơn cả, là sau khi rời khỏi khán phòng, không ít nhà báo vẫn tỏ ra “đói” thông tin bởi có câu hỏi đặt ra, nhận lại trả lời được cho là chưa đến đầu, đến đũa. Việc này, có thể ví như quá trình lên lớp, thầy giáo hỏi một nội dung thì học sinh chỉ đứng lên trả lời phân nửa. Hẳn giáo viên sẽ thất vọng, bởi sự nhiệt huyết và tính hợp tác của trò trong hoạt động dạy - học cùng thầy chưa tốt.
Theo giờ hành chính đối với các cơ quan công sở ở thành thị thường bắt đầu ngày làm việc từ 7h30 và kết thúc vào 16h30 (đối với giờ làm việc mùa đông ở khu vực phía Bắc). Theo lẽ thường, một cuộc họp với ngồn ngộn thông tin, có tác động đến cả tương lai của nhiều thế hệ, được sự trông đợi từ cả xã hội thì đáng lý ra, trong vài giờ đồng hồ có khi không giải quyết hết.
Thế nhưng, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại quyết định bắt đầu cuộc họp báo vào lúc 16 giờ. Và đó mới là giờ trên giấy mời họp. Còn giờ thực khi “khai míc” cũng co giãn ít nhiều. Chỉ tính riêng thời gian nghi thức, thời gian thực hiện nội dung công bố đã mất ngót nghét quá nửa của một tiếng đồng hồ. Vậy ra, nếu tính theo thời gian hành chính, thì phần hỏi đáp, được coi là quan trọng nhất còn được bao nhiêu?
Hẳn là vì thế, nên chiếc micro trên tay người làm công tác tổ chức mới hoạt động nhiều hơn thường lệ khi phải nhắc các nhà báo ngưng hỏi, “hỏi thẳng vào vấn đề”, “không cần giải thích”, hay “chúng tôi sẽ trả lời riêng”... Thậm chí, người này còn gay gắt hơn khi cho rằng, thời gian còn quá ngắn, nhà báo nên cân nhắc,... Thế nhưng, những cánh tay vẫn đều đặn, nhẫn nại giơ cao chờ được hỏi, chiếc micro dưới khán phòng vẫn liên tục luân tay. Điều đó cho thấy, vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, được các nhà báo dành sự sẻ chia rất lớn!
Ấy vậy mà, vội vàng chi “rứa” thầy ơi?
Không biết, người làm công tác tổ chức buổi họp báo đại diện cho Bộ Giáo dục và Đào tạo có từng “đứng lớp”? Vị này có hiểu thế nào là cháy giáo án? Có biết người thầy trước khi lên lớp phải chuẩn bị bài giảng kỳ công thế nào để bảo đảm nội dung cần đạt? Và cũng không biết, vị cán bộ này đang nói trên cương vị của người đại diện cho ngành giáo dục hay đứng trên lập trường mình là “bề trên” của các phóng viên mà ban phát thông tin?
Điều này, cũng từng được đại diện ngành phát ngôn rằng sẽ sửa đổi trong một hội nghị tại miền Trung hồi giữa năm khi nói rằng, từ thời điểm đó về sau sẽ thay cụm từ “cung cấp thông tin cho báo chí” bằng cụm từ “trao đổi thông tin với báo chí” để tiếp nhận sự chia sẻ, phản hồi của các phóng viên đa chiều và được nhiều hơn.
Thế nhưng cái cách ngắt lời rành rọt, thậm chí gay gắt trước sự quan tâm, những phản hồi, sự chia sẻ, thậm chí là đau đáu vì giáo dục của những nhà báo tâm huyết khi mà “thời gian còn rất ít” - theo như lời của vị này, thì quả là đáng phải nghĩ! Cũng chính vì điều đó, những sự sẻ chia đáng ra sẽ được gửi gắm đến ngành giáo dục trong cuộc họp, song đến khi kết thúc, nhiều người chẳng muốn nói ra, đành để lại trong lòng! Tiếc thay!
Nhớ lại, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo từng khẳng định, một trong các giải pháp căn cơ của ngành giáo dục là đẩy mạnh công tác truyền thông để là cầu nối giữa xã hội với giáo dục. Điều này chỉ có thể được làm tốt khi mà các nhà báo luôn đồng hành, chia sẻ với ngành. Ấy vậy mà, một cuộc họp báo với vấn đề “trọng đại” của ngành lại được ban tổ chức kiệm giờ tới từng phút. Hẳn là thời gian “vàng ngọc” của người trong cuộc chưa thực sự dành cho giải pháp cuối cùng trong nhóm giải pháp cơ bản như vị “tư lệnh ngành” đã phát ngôn!
Đến đây, lại nhớ đến các thầy cô giáo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đang đêm đêm miệt mài bên trang giáo án giữa cái lạnh buốt mùa đông núi rừng. Hay chăng, ngành giáo dục cũng nên “có lời” để các thầy cô đừng làm việc quá giờ. Đêm đến, họ hãy dành thời gian cho mình chứ đừng thao thức giữa bộn bề trang sách. Bởi cuộc họp của ngành cũng có thời giờ rất ít mà thôi!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả