Ngày 27/7, tiếp tục phiên xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại ngân hàng TMCP Phương Nam (gọi tắt là ngân hàng Phương Nam – từ năm 2015, ngân hàng này sáp nhập vào ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank).
Theo lịch, phiên tòa sẽ bắt đầu phần tranh luận. Tuy nhiên, do có nhiều vấn đề chưa rõ, đại diện VKS đã đề nghị xét hỏi bổ sung nên phiên tòa tiếp tục quay lại phần xét hỏi.
Trước đó, bị cáo Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn Bình Phát) cho rằng, không đồng ý với con số 505 tỷ đồng được xác định là thiệt hại trong vụ án do phía Sacombank đưa ra.
Lý giải cho điều này, bị cáo Cường cho biết, sau khi không trả được nợ cho ngân hàng Phương Nam, năm 2010, Cường đã tất toán khoản nợ này bằng cách gán 23 Giấy CNQSDĐ (23 sổ đỏ) cho ngân hàng, và số nợ phải trả thời điểm này chỉ 331 tỷ đồng.
Về giá trị của khu đất thuộc 23 sổ đổ này, bị cáo Cường nói có giá trị rất lớn. Vào năm 2017, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự định giá khu đất này hơn 582 tỷ đồng. Nhưng đến nay, giá trị khu đất đã lên tới trên 1.000 tỷ đồng và xin được bán khu đất này để khắc phục hậu quả của vụ án.
Dương Thanh Cường không đồng ý việc Trầm Bê khắc phục hậu quả thay cho các bị cáo khác.
Trả lời trước tòa, bị cáo Trầm Bê (Chủ tịch Hội đồng tín dụng, Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Phương Nam ) nói sẽ thay Dương Thanh Cường trả 171 tỷ đồng được xác định là thiệt hại cho Agribank chi nhánh 6. Đổi lại, phải giao 23 sổ đỏ cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank. Bị cáo Trầm Bê cũng khẳng định, nếu xử lý 23 sổ đỏ mà vẫn không đủ để trả nợ cho Sacombank thì bị cáo sẽ trả phần cho thiếu cho ngân hàng. Ngược lại, nếu sau khi xử lý tài sản bảo đảm mà còn dư, sẽ đưa lại phần dư cho bị cáo Trầm Bê.
Tuy nhiên, bị cáo Dương Thanh Cường khi được hỏi có ý kiến gì về việc bị cáo Trầm Bê nhận trả tiền thay, bị cáo Cường đã không đồng ý. Theo Cường, dù không có tiền mặt, nhưng giá trị của 23 sổ đỏ đủ để khắc phục hậu quả thay cho các bị cáo khác.
“Nếu Nhà nước thu hồi khu đất này, có thể ủy quyền cho người khác nhận bồi thường thay và nhận số tiền này để khắc phục hậu quả của vụ án”, bị cáo Dương Thanh Cường nói và khẳng định, hiện có người sẵn sàng “mua lúa non” các thửa đất này với giá 7 triệu đồng/m2. Số tiền bán được đất (tổng diện tích hơn 10.5ha) dùng để khắc phục được thiệt hại của cả Sacombank và Agribank.
Về thiệt hại thực tế, phía Sacombank cho rằng con số thiệt hại lên đến 505 tỷ đồng. Trong khi đó, cáo trạng lại xác định số tiền thiệt hại trong vụ án này chỉ 331 tỷ đồng.
Trả lời đại diện VKS về cách tính ra số tiền thiệt hại, người đại diện Sacombank tại tòa cho biết không biết các bộ phận tính thế nào. Chỉ biết khi bàn giao sổ sách lúc sáp nhập ngân hàng Phương Nam vào Sacombank vào năm 2015, thì sổ sách thể hiện Sacombank thiệt hại 505 tỷ đồng. Dù không biết tính toàn thế nào ra con số thiệt hại, nhưng đại diện Sacombank vẫn giữ nguyên yêu cầu các bị cáo phải bồi thường 505 tỷ đồng.
Khi được đại diện VKS hỏi sẽ nhận tiền mặt khắc phục hậu quả hay nhận tài sản bảo đảm là 23 sổ đỏ, phía đại diện Sacombank nói mong tòa cho Sacombank được xử lý 23 sổ đỏ vì tài sản này đang được Sacombank giữ và sẽ tuân thủ phán quyết của tòa án về cách thức khắc phục hậu quả trong vụ án này.
Để làm rõ hơn số tiền thiệt hại thực tế của Sacombank, đại diện VKS hỏi Phan Huy Khang (cựu Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐTD ngân hàng Phương Nam) về việc liệu có phải liên quan đến sự thay đổi giá vàng tùy từng thời điểm nên con số thiệt hại khác nhau hay không?. Trả lời VKS, bị cáo Khang cho biết, trong giai đoạn 2008 – 2010, tất cả các ngân hàng đều kinh doanh vàng tài khoản nên việc chốt giá vàng và chốt lời dựa trên giá vàng từng thời điểm được chốt. Do đó, nếu cho vay giá vàng lên thì lời, giá vàng giảm thì ngân hàng lỗ.
Cũng theo bị cáo Phan Huy Khang, số tiền thiệt hại trong vụ án là 331 tỷ theo kết luận điều tra là có cở sở, chứ không phải con số 505 tỷ đồng như Sacombank đã đưa ra.
Theo nội dung vụ án, Dương Thanh Cường dù không có khả năng về tài chính nhưng thành lập nhiều công ty với vốn đăng ký hàng trăm tỷ đồng. Sau đó, Thanh Cường thuê nhiều người làm Giám đốc và chỉ đạo những người này lập nhiều hồ sơ để vay vốn ngân hàng.
Tháng 10/2007, Thanh Cường thực hiện dự án Khu biệt thự nhà vườn tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh nên chỉ đạo Lê Văn Tuấn (Giám đốc công ty Thanh Phát do Cường thuê) lập hồ sơ vay 700 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6. Tài sản thế chấp để vay vốn là 3 bất động sản tại quận 12, quận Bình Tân và quận 8 cùng 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. TP.HCM.
Sau khi tiếp nhận các hồ sơ vay vồn, Hồ Đăng Trung, SN 1953, nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh 6 dù biết dự án Khu biệt thự nhà vườn mà Thanh Cường sắp triển khai chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 23 bất động sản mà Cường đem thế chấp chưa được chuyển nhượng cho công ty Thanh Phát nhưng vẫn phê duyệt cho công ty của Thanh Cường vay hơn 628 tỷ đồng.
Khi Agribank chi nhánh 6 đang giải ngân cho công ty Thanh Phát vay, Thanh Cường chỉ đạo cho thuộc cấp mượn 23 tài sản thế chấp nói trên từ ngân hàng để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng. Tuy nhiên, sau đó Cường không đem trả lại các giấy tờ này cho Agribank chi nhánh 6 mà tiếp tục đem đến thế chấp cho ngân hàng TMCP Phương Nam để vay vốn dưới hợp đồng tín dụng mang tên công ty Cổ phần Tập đoàn Bình Phát.
Bị cáo Trầm Bê và các thuộc cấp dù biết việc xét duyệt cho công ty của Cường vay số tiền rất lớn khi chưa đủ điều kiện là trái quy định, nhưng vẫn thực hiện. Sau đó, chính bị cáo Trầm Bê nhiều lần cho Dương Thanh Cường vay các gói mới để đảo nợ.
Đến hạn trả nợ cho ngân hàng Phương Nam, Cường không có khả năng chi trả nên gán luôn 23 quyền sử dụng đất trên cho ngân hàng Phương Nam, dẫn đến Agribank chi nhánh 6 bị thiệt hại.
Tính đến thời điểm 5/1/2010, tổng dư nợ gốc, lãi tạm tính của công ty Bình Phát tại ngân hàng Phương Nam là 81,7 tỷ đồng và hơn 9.205 lượng vàng SJC.
C.T