“Chê” thí sinh điểm rất thấp nhưng vẫn mời gọi tuyển sinh, trường đại học Gia Định đã gây ra những băn khoăn về văn hóa và chất lượng tuyển sinh của ngôi trường này.
Những ngày qua, nhiều thí sinh ở khu vực phía Nam, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh nhận được nhiều tin nhắn với nội dung khá phản cảm khi “chê” thí sinh có điểm thi thấp và mời chào vào học trường đại học Gia Định… Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều phụ huynh thí sinh chia sẻ và bày tỏ phẫn nộ khi nhận được những tin nhắn liên tục từ phía nhà trường, với nội dung: “Điểm thi của bạn rất thấp, đừng chờ đổi nguyện vọng, đến ngay đại học Gia Định 185 Hoàng Văn Thụ, HCM để nhập học sớm...”.
Sau khi điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 1 được công bố, trong lúc các trường đại học vẫn còn chờ thí sinh hoàn thành kỳ thi đợt 2 để xét tuyển chung, đảm bảo tính công bằng cho thí sinh cả nước, thì có những trường đại học đã tỏ ra “đứng ngồi không yên”, tung ra những chiêu bài tận dụng cơ hội lấp đầy chỉ tiêu.Tuy nhiên, trường đại học Gia Định lại lựa chọn thông tin đến thí sinh bằng những tin nhắn với nội dung kém duyên, gây khó chịu cho những người nhận được. Thậm chí, có những thí sinh còn liên tục nhận được tin nhắn này nhiều lần, không khỏi cảm thấy phiền phức khi chỉ vừa mới biết điểm thi, cơ hội trúng tuyển vào ngành học yêu thích vẫn còn rất lớn.
Đáng nói, có thí sinh đạt 26,75 điểm, nhưng vẫn nhận được tin nhắn “chê” điểm rất thấp đến từ trường đại học này. Thật lạ!
Chưa bàn đến việc điểm số của các thí sinh trong kỳ thi đạt được là bao nhiêu, nằm trong vùng xếp loại nào, thì cách đặt vấn đề của nhà trường đã cho thấy một sự kém duyên và hoàn toàn không thể chấp nhận! Là một trường đại học, nơi giáo dục nhân cách, đạo đức và đào tạo kiến thức cho hàng nghìn sinh viên mỗi năm, chẳng lẽ lại xem nhẹ cách đặt vấn đề đến thế?
Ngay sau khi trở thành “nạn nhân” của kiểu tuyển sinh phản cảm này, hàng loạt thí sinh đã lập trang Facebook “Hội điểm thấp cũng không vô đại học Gia Định” để bày tỏ lập trường với nhà trường.
Đặc biệt hơn, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ bức xúc về hành động lạ lùng của nhà trường và đặt câu hỏi một cách đầy ngạc nhiên: “Không biết họ lấy dữ liệu của con tôi ở đâu để nhắn tin bởi con không hề nộp nguyện vọng đăng ký vào trường?!”. Đây cũng là điều mà nhiều năm qua, không ít thí sinh và phụ huynh vẫn đang bị quấy rầy, bởi, năm nào cũng có hiện tượng tin nhắn được gửi hàng loạt đến người không có nhu cầu tiếp nhận thông tin.
Mặc dù đại diện nhà trường đã lên tiếng xin lỗi và giải thích do sự cố SMS và cách soạn nội dung chưa thực sự tường minh, mong thí sinh và phụ huynh thông cảm, nhưng rất nhiều người không khỏi băn khoăn về chất lượng tuyển sinh của trường.
“Với tấm chân thành mong muốn tất cả các bạn thí sinh đạt kết quả từ điểm sàn xét tuyển đều có cơ hội bước vào ngưỡng cửa đại học, nhà trường mong nhận được sự cảm thông từ các bạn thí sinh và quý phụ huynh về sự cố này…”, thông báo của trường đại học Gia Định khi lùm xùm về tin nhắn trên được chia sẻ trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, nhiều người cũng tự hỏi, nếu thực sự thí sinh có “điểm rất thấp” như nội dung trong tin nhắn đề cập, thì trường đại học này phải cất công mời chào vào trường để làm gì? Chỉ đơn giản là nhà trường muốn “đãi cát tìm vàng”, mở ra cơ hội mới cho những người chưa thể hiện tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT; hay thực chất, chỉ là chiêu trò “vơ bèo vạt tép” để đảm bảo số lượng chỉ tiêu tuyển sinh?
Chưa kể, trong xã hội hiện đại, học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông cũng đâu nhất thiết phải chen chân bằng được vào giảng đường đại học. Nhà báo Ngô Bá Lục cũng từng chia sẻ từ chính kinh nghiệm, trải nghiệm của cá nhân cùng người thân trong gia đình để chứng minh: “Đại học rất tốt và thực sự cần thiết, nhưng không phải là con đường duy nhất để dẫn đến thành công!”.
Có một sự thật là thế giới đã chứng kiến nhiều người thành công mà không nhất thiết phải sở hữu tấm bằng đại học. Nổi tiếng nhất trong số đó là Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln; trong giới thời trang có Coco Chanel, nhà sáng lập của hãng thời trang và một dòng nước hoa cùng tên, cũng đã “tỏa sáng” thế giới mà không cần học đại học.
Tại Việt Nam, có thể điểm mặt một vài “anh tài” tỷ phú không học đại học như ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai), ông Lê Phước Vũ (Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen), ông Dương Ngọc Minh (Chủ tịch Thủy sản Hùng Vương)…
Vậy, cho dù các thí sinh có chưa đủ điểm để trúng tuyển vào trường đại học theo đúng nguyện vọng, cũng đâu cần phải tìm đến một trường đại học mà trước đó không hề đăng ký, để “học bừa cho có”.
Quan trọng nhất là, nếu trường có “vợt” được thí sinh với “điểm rất thấp” như trong nội dung tin nhắn đề cập, thì chất lượng tuyển sinh sẽ ra sao? Trường tự tin với phương thức đào tạo của mình sẽ “cứu” được tương lai của thí sinh hay sẽ chỉ càng làm chậm những bước đi đúng đắn. Một khi không hứng thú hay không đủ khả năng vào giảng đường đại học, thí sinh hoàn toàn vẫn còn rất nhiều cánh cửa khác để mở ra.
Trường đại học chiêu dụ thí sinh bằng hình thức kém duyên như trên và đặc biệt, ở thời điểm này, đơn giản chỉ đang có những hành động thừa thãi mà thôi.
Đây chắc chắn sẽ trở thành một bài học cho các trường đại học trong việc triển khai các phương thức tuyển sinh. Không khéo, lại vừa trở thành “trò cười cho thiên hạ”, vừa đánh mất uy tín của nhà trường, dẫn đến càng thêm “ế” thí sinh trong các mùa tuyển sinh sau.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!