Dải phân cách mà biết nói năng…!!

Vâng, nếu khối bê tông thụ động ấy mà biết nói năng, có lẽ nó sẽ nói cho đơn vị quản lý đã đặt nó ở vị trí oái oăm đó biết dải phân cách là gì, sinh ra để làm gì… Biết đâu lại ngăn chặn được cái chết đầy oan uổng, thương tâm của nam thanh niên 26 tuổi vừa rồi?!

img
img

Ngày 14/3, sau khi “mất bò”, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM mới vội vã “lo làm chuồng” bằng cách cho thay dải phân cách bê tông giữa làn đường xe máy ở cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bằng dải phân cách di động mềm.

Một vài người dân lập tức được “điệu” lên báo để phát biểu ủng hộ việc “làm chuồng” không mấy kịp thời này của ngành Giao thông.

Rất tốt. Thế còn cái chết của nam thanh niên 26 tuổi thì sao?

Trước đó, khoảng 18 giờ ngày 12/3/2019, xe máy do anh Lý Vũ Hảo (26 tuổi, quê Cà Mau) lưu thông trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo hướng từ Đỗ Xuân Hợp đi đường Mai Chí Thọ, khi đến vị trí Km 2+800 đã tông mạnh vào dải phân cách bê tông đặt giữa làn đường xe máy và tử vong tại chỗ.

Sau khi xảy ra chuyện một con người còn quá trẻ bị thiệt mạng, một vài vị chức sắc ngành Giao thông của TP.HCM đã lên báo phân trần rằng việc đặt dải phân cách cứng vào giữa làn đường xe máy của cao tốc nói trên là do đề xuất của một đơn vị thuộc Sở, phối hợp với địa phương là Quận 2.

Đây là biện pháp mang tính chất cưỡng bức nhằm đảm bảo an toàn cho người đi xe máy, do trước đó từng xảy ra hiện tượng ô tô đi vào làn xe máy gây ùn tắc và va chạm.

Vị quan chức này dẫn ra Quy chuẩn 41 về báo hiệu đường bộ của Bộ GTVT để trần tình rằng đơn vị đã lắp đặt các biển báo “Đi chậm”, “Có chướng ngại vật” phía trước cùng 5 gờ giảm tốc, một số cọc tiêu để cảnh báo tại khu vực có lắp dải phân cách đó và đổ tại nam thanh niên tử vong là do đi xe máy với tốc độ quá nhanh.

Đúng thật là “muốn nói oan làm quan mà nói”, bởi người chết không sống lại được để cãi với cơ quan quản lý về tốc độ xe máy ở một tuyến đường chưa lắp đặt camera giao thông, cũng không thể cãi lại rằng tốc độ phương tiện đã được quy định trên cao tốc, nếu có đi hơi nhanh thì cũng không chết một cách dễ dàng như vậy.

Đó là chưa kể, phát biểu của vị quan chức này nghe có phần “lý do to hơn mục đích”. Nó tương tự như câu chuyện một ông chủ đầm cá ngăn chặn kẻ đánh bắt trộm cá bằng cách câu dây điện xuống hồ. Không câu dây điện xuống hồ chưa chắc cá đã bị mất trộm, hoặc nếu có mất thì thiệt hại không đáng kể bằng việc cái dây điện đó vào một ngày xấu trời, bỗng dưng gây ra án mạng. Thậm chí, án mạng có khi không nhằm vào kẻ trộm mà lại xảy ra với chính người thân của mình.

Bây giờ, vụ việc vẫn đang phải chờ cơ quan chức năng xác minh làm rõ nguyên nhân, sai phạm (nếu có). Nói như vị quan chức nọ thì đây là “một sự cố không ai mong muốn”. Chỉ tiếc giá cái dải phân cách mà biết nói năng, thì có lẽ nó đã nói cho đơn vị quản lý nọ về chức năng thật sự của nó.

Thật vậy, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2016) mà sở GTVT TP.HCM đang viện dẫn như tấm “bùa hộ mệnh” thực tế không có dòng nào quy định được phép đặt dải phân cách vào giữa làn xe máy.

Cụ thể, Điều 85 của quy chuẩn định nghĩa rất rõ: Dải phân cách đặt ở tim đường và sử dụng để phân chia giữa hai chiều xe chạy thì gọi là dải phân cách giữa; khi dải phân cách sử dụng để phân chia phần đường chính và phần đường bên hoặc phân chia giữa phần đường xe cơ giới và xe thô sơ hoặc của nhiều loại phương tiện khác nhau trên cùng một chiều giao thông thì gọi là dải phân cách bên.

Nếu dải phân cách mà biết nói năng, nó sẽ dẫn chiếu luật Giao thông đường bộ năm 2008 để chỉ ra rằng “Dải phân cách là bộ phận của đường để phân chia mặt đường thành hai chiều xe chạy riêng biệt hoặc để phân chia phần đường của xe cơ giới và xe thô sơ”. Tuyệt đối không có dải phân cách nào phục vụ mục đích ngăn chặn xe ô tô đi vào làn đường xe máy.

Ngược lại, chỉ các công trình giao thông đang xây dựng, sửa chữa mới được phép đặt tạm thời các tấm bê tông, vật cản... nhưng vẫn phải có các biển báo, đèn báo an toàn và có người hướng dẫn, chỉ đường để không xảy ra các sự cố.

Cuối cùng, thật buồn khi phải thừa nhận rằng, câu chuyện ngành Giao thông đặt dải phân cách cứng vào giữa làn đường xe máy để cưỡng bức thay đổi hành vi của những người tham gia giao thông có ý thức kém, cho thấy sự bất lực của cơ quan quản lý khi các biện pháp tuyên truyền lẫn xử phạt đều không đủ phát huy tác dụng.

Nó cũng đồng thời phản ánh sự đầu tư thiếu đồng bộ của hạ tầng giao thông trên một tuyến cao tốc huyết mạch như cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (chưa khai thác đường song hành cao tốc để xe máy và ô tô lưu thông tách biệt, không có camera giao thông để tiến hành phạt nguội…).

Bây giờ, người thiệt mạng thì cũng đã thiệt mạng rồi. Chỉ tiếc, giá mà cái dải phân cách nó biết nói năng…

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img