Đắk Lắk: Thúc đẩy nội lực doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt khó

Thứ 5, 17/10/2024 15:34

Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng cao trong 9 tháng đầu năm, đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các nhà quản lý.

Hơn 800 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động

Để hiểu hơn về các khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Võ Ngọc Tuyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk.

NĐT: Thưa ông, ông có thể cho biết tình hình phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay như thế nào?

Ông Võ Ngọc Tuyên: Trong 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 1.084 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2023, tổng vốn điều lệ đăng ký trên 7.550 tỷ đồng, giảm 9,19%; có 289 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã quay trở lại hoạt động.

Lũy kế đến 30/9/2024, trên địa bàn tỉnh có 13.118 doanh nghiệp còn đăng ký, hoạt động, trong đó có 12.115 doanh nghiệp và 1.003 chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh. Phát triển doanh nghiệp đã thu hút một lượng vốn đáng kể trong dân cư vào sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đắk Lắk: Thúc đẩy nội lực doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt khó- Ảnh 1.

Ông Võ Ngọc Tuyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp.

Thời gian qua, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm 2024, số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tại tỉnh Đắk Lắk vẫn tiếp tục tăng cao.

Cụ thể, toàn tỉnh có 153 doanh giải thể và 706 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Đắk Lắk: Thúc đẩy nội lực doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt khó- Ảnh 2.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.

NĐT: Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng gia tăng số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tại tỉnh Đắk Lắk, thưa ông?

Ông Võ Ngọc Tuyên: Do tình hình thế giới trong những tháng đầu năm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu tăng cao. Mặt khác, khó khăn về tài chính, thị trường quốc tế bị thu hẹp tiếp tục là những cản trở trong hoạt động của doanh nghiệp.

Những vấn đề hạn chế nội tại của doanh nghiệp cũng là nguyên nhân chính cản trở phục hồi, phát triển của doanh nghiệp trong thời gian qua.

Cụ thể, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp thấp, chủ yếu là vốn vay ngân hàng. Với quy mô tín dụng gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và cơ chế cho vay theo lãi suất không cố định, thả nổi theo lãi suất thị trường đã gây rủi ro rất lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và của các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, hệ thống dây chuyền sản xuất, kỹ thuật khoa học công nghệ của doanh nghiệp còn lạc hậu. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn chưa đủ năng lực để đầu tư công nghệ mới, công nghệ cao. Từ đó, chưa đủ năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh các thị trường lớn, chưa đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Kỹ năng, tay nghề của người lao động trong các doanh nghiệp sản xuất, chế biến còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông. Do thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận những tiến bộ khoa học và công nghệ. Một bộ phận nhân lực có chuyên môn cao không mặn mà với những loại hình doanh nghiệp này do không đáp ứng được những kỳ vọng của họ.

Trình độ quản lý của các doanh nghiệp chủ yếu tích lũy từ kinh nghiệm thực tiễn, chỉ có một số ít được đào tạo qua trường lớp chính quy về quản trị doanh nghiệp hay quản lý về kinh tế. Chính vì vậy, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc nắm bắt, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đang tham gia ký kết.

Ngoài ra, sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp để tạo sức mạnh về quy mô vốn, kỹ thuật công nghệ,... còn hạn chế làm cho chất lượng sản phẩm do doanh nghiệp tạo ra có giá trị gia tăng thấp, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế...

Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

NĐT: Tỉnh Đắk Lắk đã và đang thực hiện những giải pháp cụ thể nào để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi sản xuất trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Võ Ngọc Tuyên: Hiện nay công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư tiếp tục được tỉnh quan tâm thực hiện và thường xuyên nắm bắt hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư, triển khai dự án và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Kế hoạch số 179 ngày 24/11/2023 của UBND tỉnh Đắk Lắk, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chủ động tổ chức thành công nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024. Chẳng hạn, tổ chức thành công cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, kinh doanh của phụ nữ và Ngày hội "Phụ nữ khởi nghiệp và hành trình chuyển đổi số" năm 2024. 

Đặc biệt, vừa qua tỉnh đã tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Techfest Đắk Lắk 2024, thu hút hơn 150 doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp trưng bày sản phẩm...

Để hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 61 ngày 1/4/2024 về triển khai Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao về nhận thức chuyển đổi số doanh nghiệp.

Đắk Lắk: Thúc đẩy nội lực doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt khó- Ảnh 4.

Tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

UBND tỉnh cũng tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐND ngày 3/5/2024 quy định mức chi thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. 

Từ đó, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp/tổ chức thực hiện xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001, ISO 22000, hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ISO 14000 cũng như các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng. Qua đó, đã tạo ra một số thay đổi tích cực trong hoạt động quản lý, điều hành nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

NDT: Ông có đề cập đến vấn đề hạn chế nội tại của doanh nghiệp, hiện tỉnh Đắk Lắk có giải pháp nào để thúc đẩy nội lực của doanh nghiệp không, thưa ông?

Ông Võ Ngọc Tuyên: Cùng với các giải pháp nói trên, tỉnh Đắk Lắk còn nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, dịch vụ phát triển kinh doanh. Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài nước.

Ngoài ra, tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết hành chính. Để rút ngắn thời gian gia nhập thị trường, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai các giải pháp, đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với lĩnh vực đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký thành lập mới cho doanh nghiệp từ 3 ngày xuống còn 2 ngày và từ 3 ngày xuống còn 1 ngày đối với một số thủ tục đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp so với quy định.

Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Đắk Lắk: Thúc đẩy nội lực doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt khó- Ảnh 5.

Hàng năm, tỉnh Đắk Lắk tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.

Ngày 31/7/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã ký quyết định phê duyệt danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư của tỉnh đến năm 2025. Theo đó, gồm 36 dự án thuộc các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp và chế biến các sản phẩm nông nghiệp 8 dự án; lĩnh vực công nghiệp – xây dựng 13 dự án; lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch 8 dự án; lĩnh vực thể thao 3 dự án; lĩnh vực môi trường 2 dự án; lĩnh vực giáo dục và y tế 2 dự án.

Khánh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.