Đám đông hỗn loạn"

Cách ly 14 ngày phòng chống Covid-19 chỉ như một chuyến về quê, đi thực tế… thì có cần thiết phải trang bị tận răng đến như vậy không? Huống hồ, đây là đợt cách ly để đảm bảo sức khỏe, không phải đi nghỉ dưỡng.

img

Những ngày qua, nổi bật trên các trang báo là cảnh tượng dòng người tấp nập đến tiếp tế cho người thân trong khu cách ly tập trung do dịch Covid-19 tại làng Đại học Quốc gia TP.HCM, tỉnh Bình Dương.

Đến sáng ngày 24/3/2020, sở Y tế TP.HCM thông báo ngưng nhận đồ tiếp tế vào khu vực này để tránh tụ tập đông người. Thế nhưng, sau thông báo này, mọi người vẫn nán lại, ném vật phẩm qua hàng rào; thậm chí có người còn ghé sát mặt hỏi thăm, đưa đồ tận tay cho người thân trong khu cách ly bất chấp khuyến cáo hạn chế tiếp xúc trực tiếp để tránh lây lan bệnh.

Tôi thật sự không hiểu, cách ly 14 ngày chỉ như một chuyến về quê, đi thực tế… thì có cần thiết phải trang bị tận răng đến như vậy hay không? Huống hồ, đây là đợt cách ly để đảm bảo sức khỏe cho chính người thân của họ và cộng đồng, chứ không phải đang đi nghỉ dưỡng. Thế mà chăn nệm, tủ lạnh, đồ ăn thức uống… được tiếp tế không sót món nào. Có người còn hỉ hả vì qua mặt được lực lượng chức năng, tuồn cả thùng bia vào bên trong.

Sự hỗn loạn đó là do đâu?

Thứ nhất , xuất phát từ hiệu ứng đám đông. Ban đầu, chỉ một số phụ huynh gửi vài món đồ cấp thiết cho con. Sau đó, một đồn mười, mười đồn trăm; các gia đình ùn ùn kéo tới, huy động cả nhà đi tiếp tế. Có những vật phẩm không cần thiết nhưng vẫn được đem đến, chỉ đơn giản là vì “thiên hạ làm sao thì mình làm vậy”. Người ta chạy theo những gì đám đông đi trước đã thực hiện mà không suy nghĩ về ảnh hưởng của sự việc.

Thứ hai ,hội chứng sợ bị bỏ lỡ - FOMO (Fear of Missing Out). Hội chứng này xuất phát từ cảm giác lo ngại, sợ hãi và có đôi chút tham lam. Cảm giác này khiến người mắc FOMO lo ngại mình sẽ bị bỏ quên trong khi những người xung quanh đang có được cái mình cần. Đúng là từ một môi trường tự do, thoải mái chuyển sang môi trường cách ly, nhiều người nảy sinh cảm giác thiếu thốn đủ thứ. Người này nhìn người kia, có ai lại không muốn được quan tâm nên những yêu cầu sẽ được nhắn đến gia đình. Người trong khu cách ly thì sợ bị bỏ quên, còn người thân bên ngoài cũng sợ bỏ sót nên gửi vào đủ loại vật phẩm cần thiết lẫn không cần thiết.

Thứ ba , con người vốn có tính vị kỷ - đây mới là nguyên nhân tôi cho là quan trọng nhất. Không ai phê phán tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, nếu chỉ dừng ở một vài vật phẩm thật sự cần thiết mà trong điều kiện chung của khu cách ly không đáp ứng được. Còn việc tiếp tế quá mức, tập trung đông người như vậy sẽ thành sự vô cảm với cảnh chính quyền đang căng mình hạn chế lây lan dịch bệnh.

img

Việc tiếp tế đã đè thêm gánh nặng lên các bạn tình nguyện viên.

Đồng thời, việc tiếp tế đã đè thêm gánh nặng lên các bạn tình nguyện viên, dân phòng… Bình thường, họ đã cực kỳ bận rộn với việc tổ chức, sắp xếp, bố trí người dân vào điểm cách ly. Bây giờ, họ phải kiêm thêm nhiệm vụ vận chuyển, giao hàng, với những thùng hàng cồng kềnh, nặng nề. Lực lượng mỏng, công việc nhiều, phải ăn cơm hộp, ngả lưng vội trên sàn đất. So với những người đang ở trong khu cách ly, họ mệt mỏi hơn nhiều.

Nhiều người thấy điều đó; nhưng tại sao vẫn có một bộ phận không thấu cảm và thương những bạn áo xanh vì mình mà chịu vất vả?

Còn với những người bên trong khu cách ly thì sao? Nằm giường mà không có nệm thì sẽ mắc bệnh đau lưng ư? Không có đồ ăn vặt thì sẽ không đủ chất dinh dưỡng ư? Thiếu một ly trà sữa thì sẽ chết thèm ư? Tôi thấy một cô người mẫu nổi tiếng còn sung sướng khoe quà bánh của người hâm mộ gửi vào đầy cả phòng. Khi nhận những phần tiếp tế đó, họ có nghĩ tới người thân phải xếp hàng giữa nắng? Có nghĩ tới những bạn tình nguyện viên, anh chiến sĩ phải làm việc từ sáng tới khuya, thậm chí là nửa đêm, khi mình đã ngon giấc? Chưa kể đội ngũ vệ sinh thêm phần vất vả vì phải dọn lượng rác thải tăng thêm - theo ước tính là 5 tấn mỗi ngày.

Đáng nói là nhiều món đồ gửi vào chỉ xoay quanh việc ăn uống. Đây là nhu cầu tối thiểu; nhưng nếu người ta sống mà chỉ chăm chút cho lợi ích của bản thân, đáng nói là lợi ích ở bậc thấp nhất trong tháp nhu cầu của Maslow, thì thật là quá vô vị. Vấn đề là nhu cầu ấy diễn ra trong sự vô cảm trước giọt mồ hôi của người khác.

Cái tính “vì mình” đó mới thật sự đáng lên án.

Thật may mắn vì thông báo ngừng tiếp tế đã được đưa ra kịp thời. Trong mùa đại dịch, rất nhiều người đang phải gồng mình lên chống đỡ. Đừng để những người đang ở tuyến đầu chống dịch phải lo lắng chạy theo xử lý các sự vụ như vậy.

Do đó, chỉ mong bất cứ ai trước khi hành động hãy chuyển bớt sự “vì mình” sang “vì cộng đồng”. Hãy chuyển đám đông hỗn loạn thành đám đông đồng lòng, chung tay chống dịch.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img