Suối Đá – là suối tự nhiên với chiều dài khoảng 5km chảy qua địa bàn các ấp xã Bình Châu, là nguồn nước quan trọng phục vụ thiết yếu cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân. Thế nhưng, gần 5 năm qua, hàng trăm hộ dân ở các ấp Thèo Nèo, Bình Tiến, Láng Găng và Ấp khu 1thuộc xã Bình Châu liên tục “kêu cứu” vì nguồn nước ở đây đục ngầu, ô nhiễm nặng, không thể sử dụng vào việc trồng trọt, sinh hoạt.
Thời điểm PV Người Đưa Tin Pháp Luật có mặt tại ấp Bình Tiến, ghi nhận dòng nước suối Đá có màu trắng đục bắt nguồn từ phía thượng nguồn, bốc mùi hôi. Dọc theo con suối thuộc địa bàn 4 ấp ở xã Bình Châu, là nhiều khoảng đất trống của người dân bị bỏ hoang, cùng chung tình trạng màu nước ô nhiễm.
Ông Hiếu phản ánh nguồn nước suối Đá bị ô nhiễm từ nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, 66 tuổi, trú ấp Bình Tiến cho biết, trước đây đa số người dân đều sống bằng nghề trồng cây hoa màu, các loại cây ngắn ngày đều dựa vào nguồn nước tưới từ suối Đá. Thế nhưng, từ năm 2014 trở lại đây, nguồn nước con suối này bỗng nhiên bị đục ngầu, trắng như nước vo gạo, nghi do một số doanh nghiệp khai thác cát ở đầu nguồn xã Bưng Riềng gây nên.
Trước tình trạng trên, thông qua các lần họp cử tri, người dân đều bức xúc kiến nghị nhưng rồi vẫn chưa được giải quyết triệt để. “Cũng như các gia đình khác, nhà tôi 2 sào đất trồng rau màu mỗi năm đem lại thu nhập trên 80 triệu đồng. Thế rồi, từ ngày nguồn nước bị ô nhiễm, vợ chồng tôi phải chuyển sang trồng tràm. Để có thêm thu nhập, vợ tôi phải đi làm thuê cho người khác”, ông Hiếu chia sẻ.
Ông Đỗ Quang Đạt cho rằng nguồn nước ô nhiễm khiến cây trồng chết
Còn ông Phạm Trung Thành (ngụ ấp Láng Găng) cho biết thêm, trước đây, nguồn nước từ suối Đá rất trong. Khi xảy ra tình trạng bị ô nhiễm, mỗi lần bơm tưới lại xuất hiện vệt màng trắng ở gốc cây. Sau đó, sợ ảnh hưởng đến cây trồng, gia đình ông phải chuyển sang khoan giếng tốn thêm nhiều chi phí.
Chung bức xúc, ông Đỗ Quang Đạt, 55 tuổi, trú ấp Bình Tiến, chỉ tay lên vườn bầu đang trồng nói, đến nay đã hơn 4 năm từ ngày nguồn nước bị ô nhiễm, gia đình ông phải giảm diện tích và giảm số lượng cây trồng. Nước dẫn từ suối lên tưới được một thời gian là cây cối đều bị thối gốc do ô nhiễm, không hấp thụ được.
“Trước nay, với diện tích hơn 3 sào bầu, gia đình tôi chăm chỉ làm thì cũng có ăn. Chứ như giờ, nguồn nước bị ô nhiễm không thể trồng được bất cứ cây gì. Tôi phải đi làm thợ hồ để kiếm thêm thu nhập”, ông Đạt bức xúc.
Nước suối Đá đục ngầu từ thượng nguồn chảy về, có mùi hôi
Liên quan đến vấn đề trên, ông Đinh Xuân Dậu – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, tình trạng ô nhiễm nguồn nước suối Đá đoạn qua địa bàn xã xuất phát từ xã Bưng Riềng. Nhiều lần, người dân đã kiến nghị và chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với xã Bưng Riềng để kiểm tra, sau đó báo cáo lên huyện.
“Chúng tôi nghi ngờ nguồn nước suối Đá bị ô nhiễm do một số doanh nghiệp đang khai thác cát ở thượng nguồn xã Bưng Riềng gây nên, nhưng rồi chỉ báo cáo, kiến nghị vì không thuộc thẩm quyền xử lý”, ông Dậu thông tin.
Từ phản ánh của người dân, PV di chuyển lên khu vực thượng nguồn suối Đá thuộc địa phận xã Bưng Riềng để tìm hiểu sự việc. Sau khi băng qua đoạn đường đất đỏ dài 2km, PV ghi nhận khu vực này đang là mỏ khai thác cát hoạt động rầm rộ, ngay bên dòng chảy suối Đá với diện tích rộng hàng chục ha.
Khu vực này gồm 3 doanh nghiệp đang khai thác được cấp phép. Theo quan sát, sau khi cát được hút lên sẽ đưa qua hệ thống tuyển rửa, sau đó nước thải chảy vào hồ chứa rồi tràn ra phía nguồn nước suối Đá thông qua một đường ống dẫn, màu nước trắng đục.
Khu vực bể chứa nước thải sau tuyển rửa cát của công ty Hạnh Dũng.
Ông Nguyễn Văn Long - Chủ tịch UBND xã Bưng Riềng cho biết, tình trạng ô nhiễm suối Đá xuất phát từ điểm mỏ 55, nơi doanh nghiệp đang khai thác cát đã được UBND tỉnh Bà Rịa cấp phép gồm: Công ty TNHH Hạnh Dũng, công ty TNHH MTV Khai thác Xây dựng Bảo Châu, công ty TNHH Dịch vụ Xây dựng Đại Lộc. “Quá trình khai thác, các công ty trên đã để xảy ra tình trạng ô nhiễm, trước đó có đơn vị bị xử lý về vi phạm ranh giới khai thác. Tuy nhiên, thẩm quyền về phía huyện, xã chỉ báo cáo”, ông Long nói.
Để làm rõ vấn đề, PV liên hệ với bà Lê Thị Trang Đài – Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc và được bà Đài giới thiệu qua phòng TN&MT huyện. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Nhật, chuyên viên mảng khoáng sản, phòng TN&MT huyện Xuyên Mộc cho biết, ngày 25/6, qua kiểm tra phát hiện công ty Hạnh Dũng là doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm nguồn nước suối Đá. Đây là doanh nghiệp trước đó từng bị xử phạt vi phạm hành chính về môi trường, đến nay tiếp tục tái phạm.
Nước đục từ bể chứa của doanh nghiệp chảy qua 3 miệng cống về hạ nguồn.
Ông Nhật cho biết thêm, tại điểm mỏ 55 hiện giấy phép khai thác của công ty Hạnh Dũng đã hết thời hạn. Đơn vị này đang trong quá trình thẩm định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để được cấp phép gia hạn khai thác. “Thời điểm kiểm tra, hành vi tuyển rửa cát xả thải của công ty Hạnh Dũng ra nguồn nước suối Đá là quá rõ ràng và chúng tôi lập biên bản vi phạm hành chính, trước sự chứng kiến của chủ doanh nghiệp và họ đã ký nhận. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất việc cắt giảm diện tích, chú trọng các vần đề nước thải, cam kết bảo vệ môi trường đối với công ty này”, ông Nhật nói.
Theo tìm hiểu của PV, liên quan đến việc gây ô nhiễm nguồn nước suối Đá, vào ngày 5/12/2018 công ty Hạnh Dũng đã bị Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 15 triệu đồng về hành vi: “Để rò rỉ nước thải từ hoạt động rửa cát ra suối, không thực hiện đúng với nội dung kế hoạch bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền xác nhận, quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 8, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016.
Lối dẫn vào mỏ cát của công ty Hạnh Dũng.
Trong hoạt động khai thác cát tại điểm mỏ 55, vào ngày 2/4/2019 công ty Hạnh Dũng đã bị UBND huyện Xuyên Mộc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản số tiền 32 triệu đồng về hành vi vi phạm: Cắm thiếu 32/32 mốc tại các điểm khép góc khu vực được khai thác khoáng sản theo giấy phép, được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 36, Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ.
Trước những sai phạm của công ty Hạnh Dũng trong thời gian qua, người dân cho rằng, lợi ích thì công ty mang đi còn ô nhiễm thì để lại làm ảnh hưởng tới cuộc sống trong thời gian dài, nhưng chưa có giải pháp xử lý. Thiết nghĩ, trước thực trạng ô nhiễm nguồn nước suối Đá do công ty Hạnh Dũng gây ra, chính quyền địa phương huyện Xuyên Mộc cùng các cơ quan chức năng liên quan cần có biện pháp mạnh mẽ, giải quyết triệt để nhằm ổn định cuộc sống của người dân địa phương.
Công ty TNHH Hạnh Dũng được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho phép (Giấy phép số 04/GP-UBND ngày 11/01/2010) được khai thác cát xây dựng tại điểm mỏ 55, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc với diện tích khu vực khai thác 12,28ha. Trữ lượng khai thác 398.276m3, công suất khai thác 45.000m3/năm. Thời hạn khai thác là 10 năm từ tháng 01/2010 – 01/2020.
H.H