Trong vô số những lời mắng nhiếc, chửi rủa cô gái bỏ rơi con trong khe tường ở Gia Lâm, Hà Nội có mấy ai nhắc đến người đàn ông là bố của đứa trẻ tội nghiệp đó? Ai đã tìm hiểu phản ứng của người đàn ông hay trách nhiệm của người này khi để người phụ nữ đang tâm vứt bỏ đi giọt máu của hai người ?!".
Khi đứa trẻ sơ sinh được giải cứu thành công khỏi khe hẹp trong tường giữa hai tòa nhà ở Gia Lâm-Hà Nội sau 15 tiếng bị vứt bỏ, những người chứng kiến và theo dõi sự việc vỡ òa trong niềm vui. Một sinh linh bé nhỏ cuối cùng đã được sống, được làm người.
Nhưng niềm vui ấy vỡ òa cũng là khi ở một cung bậc cảm xúc hoàn toàn trái ngược, dư luận và người chứng kiến sự việc “nổ tung” với sự phẫn nộ, chỉ trích thậm chí chửi rủa người mẹ trẻ đã nhẫn tâm vứt bỏ đi núm ruột của mình trong sự lạnh lùng, tàn nhẫn.
Đằng sau sự việc một đứa trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm của người đàn ông
Cũng giống như bà mẹ trẻ đang tâm vứt con vào hố ga ở Sơn Tây, cô gái tàn nhẫn bỏ con trên cánh đồng giữa trời nắng ở Đông Hưng, Thái Bình hay người mẹ mất nhân tính ném đứa con mới sinh từ trên tầng cao chung cư Linh Đàm, HN xuống..., cô gái vứt con trong khe tường để trốn chạy hậu quả sau những thỏa mãn về tình ái sẽ còn phải đối diện với vô vàn lời cay nghiệt, sự lên án, chỉ trích của xã hội. Tiếng xấu, nỗi nhục này hẳn còn đeo đẳng đến hết đời.
“Hổ dữ còn không ăn thịt con”, đằng này đường đường là người có học mà lại có thể gây nên tội ác tày trời ấy. Mẹ vứt bỏ con, hành vi hẳn nhiên muôn đời không thể bênh vực. Rất đáng trách, đáng giận, đáng lên án.
Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao họ, những cô gái trẻ có học thức lại hành xử mất nhân tính như vậy? Tại sao họ lại chọn cách giải quyết tồi tệ nhất trong nhiều giải pháp khác như vậy?
“Con gái giờ thực dụng, chỉ biết sống sướng cho thân mình”, “thói ham hưởng lạc thì quan tâm gì đến ai”... là những lý giải dễ gặp mà dư luận thường hướng đến trong các vụ việc mẹ trẻ vứt con. Tuy nhiên, thực tế đằng sau việc quyết làm việc trái luân thường đạo lý này, hẳn cũng còn có những yếu tố mang tính định kiến, quan niệm có phần phiến diện của xã hội.
Chừng nào quan điểm giá trị của người con gái còn được gắn với sự trinh tiết, chừng nào người phụ nữ không chồng mà có con đồng nghĩa với việc cuộc đời người phụ nữ đó sẽ bị phủ đầy bởi những ánh mắt khinh bỉ, những câu nói miệt thị hay hành động phũ phàng... thì khi đó sẽ còn những vụ việc đau lòng mẹ vứt bỏ con. Nỗi ám ảnh “cạo đầu bôi vôi” ăn sâu trong tiềm thức của nhiều thế hệ phụ nữ có thể đẩy những người phụ nữ lỡ làng mất tỉnh táo và mất cả chút lương tri còn sót lại mà phạm tội ngay khi vừa vượt qua “cửa mả”.
Một đứa trẻ ra đời ngoài ý muốn là sai lầm của cả cặp đôi, cả cô gái và bạn trai. Nhưng nỗi đau dường như chỉ các cô gái, các bà mẹ phải gánh mang. Trước khi "vượt cạn" một mình trong đau đớn, tuyệt vọng và cô độc, không một lời động viên, không một bàn tay nâng đỡ hay ánh mắt cảm thông, hàng tháng trời trước đó người phụ nữ có thể đã “chết đi sống lại” khi người đàn ông họ Sở quất ngựa truy phong để lại bào thai oan nghiệt... Tình cảnh bi thảm này của họ bị đẩy đến cùng cực khi sau đó, một mình họ lại đối diện trước sự chỉ trích, lên án của dư luận xã hội. Một mình họ gánh mang tiếng xấu như thể họ một mình sinh con.
Trong khi đó, ở một thế đối lập hoàn toàn, ông bố của đứa trẻ vẫn nhởn nhơ ở đâu đó, vui chơi, tận hưởng cuộc đời như thể mình là người vô can trong việc khai sinh ra một con người nhưng lại từ chối đón nhận bé.
Có mấy ai nhắc đến người đàn ông là bố của đứa trẻ tội nghiệp bị bỏ rơi? Mấy ai đã tìm hiểu phản ứng của người đàn ông hay trách nhiệm của người này khi để người phụ nữ đang tâm vứt bỏ đi giọt máu của hai người ?!".
Thực ra, dư luận xã hội lên án những người mẹ bỏ rơi con năm thì cần lên án người đàn ông là cha của đứa bé mười. Không biện hộ cho những bà mẹ bỏ rơi con sơ sinh, nhưng chính sự vô trách nhiệm của nam giới sau khi thoả mãn về dục vọng đã phần nào đẩy người phụ nữ phải đi đến bước đường cùng ấy. Người mẹ sẽ khó lòng dám vứt con đi nếu bố của đứa trẻ được giáo dục để sẵn sàng chịu trách nhiệm.
Phụ nữ sinh ra đã là thế yếu. Nếu được cảm thông, chở che, bao dung, được gia đình bạn bè bao bọc ... bản năng thiên phú làm mẹ hẳn sẽ không cho phép họ lựa chọn cách giải quyết tồi tệ là vứt đi núm ruột của mình. Hãy tin thế đi. Một bàn tay ấm có thể mang lại cuộc sống ấm áp cho những cuộc đời.
Hỡi những người đàn ông không vô tội, các anh đang ở đâu khi người thương của anh vượt cạn một mình và nhẫn tâm vứt bỏ kết tinh cuộc tình của cả hai người?
Vũ Thu Hương
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của Người Đưa Tin Pháp luật.